Khó khăn trong hoạt động thống kê cấp xã trên địa bàn huyện Thạch An

Thứ ba - 26/09/2023 21:58

Huyện Thạch An nằm ở phía đông nam của tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 39km, với 14 đơn vị hành chính bao gồm 01 thị trấn và 13 xã. Dân số trung bình năm 2023 toàn huyện có 30.745 người, gồm 6 dân tộc chính Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa sinh sống ở tất cả các xã, thị trấn.

Thống kê xã, phường, thị trấn (gọi chung là thống kê cấp xã ) là tổ chức thống kê cơ sở, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc thu thập, tổng hợp và cung cấp thông tin thống kê ban đầu phát sinh trên địa bàn cấp xã. Đây là nguồn cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội chủ yếu phục vụ yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền địa phương và là cơ sở cho việc hình thành hệ thống thông tin thống kê cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Hoạt động thống kê cấp xã trên địa bàn huyện Thạch An chủ yếu do bộ phận của Văn phòng - Thống kê thực hiện, chịu sự quản lý điều hành của Uỷ ban nhân dân cấp xã. Công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã trên địa bàn huyện Thạch An có trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó trình độ đại học chiếm tỷ lệ 64,28%. Báo cáo và số liệu thống kê cấp xã được thu thập chủ yếu thông qua điều tra từ cơ sở do điều tra viên thực hiện với nòng cốt là lực lượng cán bộ Văn phòng - Thống kê, cộng tác viên thống kê cấp xã. Trong những năm qua, lực lượng này đã có những đóng góp quan trọng trong việc tổ chức Tổng điều tra thống kê, điều tra Thống kê định kỳ, tổng hợp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, phục vụ cho công tác chuyên môn, công tác lãnh chỉ đạo của chính quyền và cấp ủy địa phương. Qua triển khai thực hiện hoạt động thống kê trên địa bàn trong những năm qua cho thấy, hiện nay hoạt động thống kê cấp xã đang gặp phải những vấn đề khó khăn, đó là:

- Thứ nhất: công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã hiện nay hầu hết chưa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về thống kê.

Theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, tại Điều 11 quy định nhiệm vụ của công chức Văn phòng - Thống kê:

+ Tham mưu xây dựng và theo dõi việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, lịch làm việc định kỳ, đột xuất của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

+ Phối hợp với công chức khác trong việc chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật để tổ chức các kỳ họp của Hội đồng nhân dân, phiên họp của Ủy ban nhân dân và các hoạt động khác của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử thành viên Ủy ban nhân dân cấp xã;

+ Tổng hợp, theo dõi, báo cáo việc thực hiện quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã; giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tiếp công dân và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật; tiếp nhận các kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo chuyển đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết theo thẩm quyền;

+ Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tổ chức bộ phận tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã; xây dựng chính quyền điện tử, công nghệ thông tin, chuyển đổi số; công tác kiểm soát thủ tục hành chính;

+ Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc lập các biểu mẫu thống kê, tổ chức thực hiện điều tra thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê; tổng hợp, thống kê và quản lý cơ sở dữ liệu theo các lĩnh vực trên địa bàn (trong đó có cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố); thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, thi đua, khen thưởng;

+ Chủ trì, phối hợp với công chức khác theo dõi việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tổng hợp, thống kê kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở cấp xã theo quy định của pháp luật;

+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và quy định của pháp luật có liên quan.

Như vậy, có thể thấy công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã rất nhiều nhiệm vụ và các nhiệm vụ bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau trong hoạt động quản lý nhà nước cấp xã, công tác thống kê chỉ là một nhiệm vụ rất nhỏ trong chuỗi những nhiệm vụ như quy định nêu trên.

- Thứ hai: báo cáo và số liệu thống kê cấp xã có độ chính xác chưa cao, không cân đối và chưa đạt độ tin cậy cao.

Bộ phận Văn phòng - Thống kê cấp xã chịu trách nhiệm thực hiện rất nhiều nhiệm vụ và các nhiệm vụ bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau trong hoạt động quản lý nhà nước cấp xã. Đồng thời, cũng là nơi đầu mối tập trung giải quyết nhiều công việc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thường  trực Ủy ban mà đứng đầu là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã. Các công việc của bộ phận Văn phòng - Thống kê cấp xã gồm từ việc trực tiếp xử lý hoặc chuyển tiếp các loại công văn, giấy tờ, tiếp dân, tiếp khách, … đến việc tổng hợp thông tin, tổng hợp báo cáo, chuẩn bị nội dung phục vụ cho sự chỉ đạo điều hành của thường trực HĐND, UBND... nên công tác Thống kê chưa được quan tâm thường xuyên, mang nặng tính kiêm nhiệm, việc thu thập thông tin từ cơ sở chưa được đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy trình; không được đầu tư đúng mức về mặt thời gian. Do đó, khi tổng hợp số liệu và báo cáo thống kê cấp xã thường có độ chính xác không cao, không cân đối, tính logic chưa cao và chưa đạt độ tin cậy cao.

- Thứ ba: công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi sau nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ cấp xã.

Công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã thường là những người có trình độ tổng hợp, nhanh nhẹn, nắm bắt được các công việc để tham mưu giúp HĐND - UBND cấp xã trong việc lãnh chỉ đạo điều hành tại địa phương. Vì vậy, những công chức này sẽ được quy hoạch phát triển vào những vị trí cao hơn sau mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Do đó, việc đảm bảo tính ổn định, chuyên sâu về chuyên môn lĩnh vực thống kê ở cấp xã gặp khó khăn.

- Thứ tư: Chức danh thống kê được quy định cho ba vị trí công chức của xã đảm nhiệm, gồm: Văn phòng - Thống kê, cải cách hành chính "một cửa"; Văn phòng - Thống kê (đảm nhiệm văn phòng Đảng ủy). Việc quy định nhiệm vụ như vậy dẫn tới công tác thống kê ở cấp xã trở nên phức tạp, chia cắt nhỏ lẻ, không hợp lý, không có công chức đảm nhận chính về công việc thống kê ở xã. Với những bất cập trong phân công nhiệm vụ như trên dẫn tới tình trạng hoạt động về công tác Thống kê càng thêm khó.

Vì vậy, để góp phần củng cố và tăng cường công tác thống kê cấp xã thì Lãnh đạo các xã, thị trấn cần có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho công tác thống kê, có kế hoạch bố trí về nhân lực, thời gian, tạo điều kiện cần thiết để bộ phận chuyên môn này đánh giá đúng hơn về kết quả hoạt động của địa phương mình. Bên cạnh đó, trong công tác chuyên môn, ngành Thống kê cũng cần quan tâm nhiều hơn đến Thống kê cấp xã, đặc biệt là việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thống kê thường xuyên hơn, đảm bảo thống kê cấp xã thực sự là cánh tay nối dài của Chi cục Thống kê huyện/thành phố. Qua đó, nâng cao chất lượng số liệu thống kê góp phần quan trọng vào công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp./.

 

                                                            

 

 

Nguồn tin: Chi cục thống kê huyện Thạch An

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây