Các đại biểu dự họp báo
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước tính tăng 3,29% so với cùng kỳ 2022. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,29%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,47%, làm giảm 1,18 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,29%, đóng góp 3,89 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,34%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 10.673 tỷ đồng, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.187 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,49%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 2.121 tỷ đồng, chiếm 19,87%; khu vực dịch vụ đạt 5.950 tỷ đồng, chiếm 55,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 415 tỷ đồng, chiếm 3,89%. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,22% so với cùng kỳ năm 2022, giảm chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện (giảm 39,97%).
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có 37,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2023 tốt hơn quý I/2023, 37,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, 25% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Dự kiến quý III/2023 so với quý II/2023, có 25% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, 37,5% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, 37,5% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tính chung 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.022,29 tỷ đồng, giảm 11,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong vốn đầu tư khu vực Nhà nước thì vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước có 1.243,24 tỷ đồng, chiếm 68,96%. Trong đó 1.130,26 tỷ đồng là vốn địa phương quản lý, tăng 36,87% so với cùng kỳ năm trước, bằng 32,08% kế hoạch năm đã giao chi tiết, chủ yếu do vốn thực hiện các chương trình mục tiêu tăng so với các năm đầu trong giai đoạn 2021 - 2025. Vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước giảm mạnh so với cùng kỳ do các dự án lớn vốn ngoài Nhà nước đầu tư trên địa bàn tỉnh đều là các dự án chuyển tiếp, cơ bản đã hoàn thiện trong năm 2022, trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ hoàn thiện nốt công trình.
Do không còn chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 nên nhu cầu tiêu dùng, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân tăng cao. Đồng thời, giá xăng dầu giảm so với cùng kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.198,22 tỷ đồng, tăng 38,85% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.945,74 tỷ đồng, tăng 28,00%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 895,51 tỷ đồng, tăng 104,03%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 4,36 tỷ đồng, tăng 124,55%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 352,61 tỷ đồng, tăng 60,14%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 2,03% so với bình quân cùng kỳ. Chỉ số CPI bình quân so với bình quân cùng kỳ năm trước tăng ở hầu hết các nhóm hàng, chỉ có 2 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm giao thông giảm 4,30%, chủ yếu do nhóm nhiên liệu giảm 18,02% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,04% do một số mặt hàng thiết bị điện thoại di động giảm giá.
Đại biểu phát biểu về thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh
Tại buổi họp báo, Cục Thống kê tỉnh, lãnh đạo ngành chuyên môn giải đáp, trao đổi làm rõ các thắc mắc của phóng viên đưa ra, như: tình hình thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh, vấn đề phát triển một số cây trồng đặc hữu; chỉ số GDP của tỉnh; số liệu năng suất, sản lượng các cây trồng...
Tác giả bài viết: Xuân Thương
Nguồn: Báo điện tử Cao Bằng - https://baocaobang.vn