Lao động việc làm của nước ta tiếp tục được phục hồi trong Quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022

Thứ năm - 06/10/2022 06:29
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục đà khởi sắc, thị trường lao động quý III và 9 tháng năm 2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý III và 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong cả ba khu vực kinh tế đều tăng lên so với quý trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Đó là nhận định của Tổng cục Thống kê trong buổi họp báo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng đầu năm 2022 do Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì cùng với sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê và 63 Cục Thống kê tham dự trực tuyến tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố
        Tham dự tại điểm cầu Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng có ông Nguyễn Mạnh Vinh – Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Lãnh đạo và công chức phòng Thống kê Xã hội, Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Chủ trì buổi họp báo
 

        1. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM QUÝ III NĂM 2022

          Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2022 là 51,9 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người so với quý trước và đặc biệt tăng gần 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,1 triệu người, lực lượng lao động nam tăng hơn 0,2 triệu người trong khi đó lực lượng lao động nữ tăng không đáng kể. So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng mạnh ở cả hai khu vực thành thị và khu vực nông thôn, tương ứng tăng lần lượt là 1,3 triệu người và  1,5 triệu người.
          Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III năm 2022 là 68,7%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,5%, thấp hơn 12,6 điểm phần trăm so với nam (75,1%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 66,0%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 70,4%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 33,1%; nông thôn: 46,6%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 35,8%; nông thôn: 44,8%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. 
          Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý III năm 2022 là 26,3%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và hơn 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. 
          Trong tổng số 23,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý III năm 2022, có 12,6 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15-19 tuổi (5,9 triệu người). 
          Trong quý III năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với quý III năm 2021 (quý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19). Trong đó, tăng chủ yếu ở khu vực thành thị và ở nam giới (tương ứng là tăng 1,78 triệu người và 1,85 triệu người so với cùng kỳ năm trước). 
          Trong tổng số 50,8 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,0%, tương đương 19,8 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,4%, tương đương gần 17,0 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 27,6%, tương đương 14,0 triệu người. Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước (tăng 0,1 điểm phần trăm). 
          So với quý trước, lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 147,0 nghìn người và tăng 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động trong ngành dịch vụ tăng 5,5 nghìn người so với quý trước và tăng 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 102,6 nghìn người so với quý trước và giảm 432,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
          Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp quý III năm 2022 là 54,1%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ phi chính thức giảm mạnh ở khu vực thành thị, tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 45,4%, giảm 2,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 61,4%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với với quý trước và giảm 0,4 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước.
          Bên cạnh số người có việc làm tăng lên so với quý trước và cùng kỳ năm trước, thì số thiếu việc làm đã giảm đi so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2022 là khoảng 871,6 nghìn người, giảm 10,1 nghìn người so với quý trước và đặc biệt giảm 993,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,92%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,54 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,48% và 2,20%). Như vậy, tình hình thiếu việc làm của người lao động tiếp tục được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn cao hơn cùng kỳ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện (tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III năm 2019 là 1,32%). 
          Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2022 là 6,7 triệu đồng,  tăng 143 nghìn đồng so với quý trước. Trong quý II năm 2022 nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, thu nhập bình quân tháng của người lao động ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý I năm 2022, trái ngược với xu hướng thường quan sát được trong các năm trước khi mà thu nhập tháng của quý II thường giảm so với quý I. Bước sang quý III năm 2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục có nhiều chuyển biến theo đà tăng trưởng tích cực. 
          So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2022 chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 30,1%, tương ứng tăng khoảng 1,6 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, đời sống của người lao động đã trở lại trạng thái bình thường mới và được đảm bảo hơn, với thu nhập bình quân tháng của người lao động III năm 2022 tăng cao, tăng 14,5%, tương ứng tăng khoảng 854 nghìn đồng.
          Quý III năm 2022, nền kinh tế nước ta tiếp tục chứng kiến đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành kinh tế. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc ở cả ba khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm 2021. Quý III năm 2022, lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong ba khu vực kinh tế. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,7 triệu đồng, tăng 31,9%, tăng tương ứng khoảng 1,9 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân tháng khoảng 8,0 triệu đồng, tăng 29,4%, tăng tương ứng khoảng 1,8 triệu đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân tháng là 3,9 triệu đồng, tăng 16,6%, tăng tương ứng khoảng 558 nghìn đồng. 
          Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý III năm 2022 là 7,6 triệu đồng, tăng 1,7% so với quý trước, tương ứng tăng 126 nghìn đồng. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý III năm 2022 tăng mạnh, tăng 27,2%, tương ứng tăng 1,6 triệu đồng. Lao động nam làm công hưởng lương có thu nhập bình quân tháng là 8,1 triệu đồng, cao hơn 1,14 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (7,1 triệu đồng). Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hương lương làm việc ở khu vực thành thị cao hơn là 1,21 lần lao động làm việc ở khu vực nông thôn, tương ứng 8,5 triệu đồng so với 7,0 triệu đồng.
          Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2022 là gần 1,06 triệu người, giảm 13,9 nghìn người so với quý trước và đặc biệt giảm 658,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2022 là 2,28%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,70 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. 
          Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý III năm 2022 là 8,02%, tăng 0,39 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,87 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,54%, cao hơn 3,84 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. 
Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý III năm 2022 là 4,3 triệu người, giảm không đáng kể so với quý trước (giảm gần 60 nghìn người) và giảm mạnh gần 1 triệu so với cùng kỳ năm trước, số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số người sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu quý III năm 2022 là nữ giới (chiếm 63,9%).  
          Trong tổng số 4,3 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng gần 2,2 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 52,2%). Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn. 
        2. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM 9 THÁNG NĂM 2022
          Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 9 tháng năm 2022 đạt 51,6 triệu người, cao hơn 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,2 triệu người, chiếm 37,2 phần trăm; lực lượng lao động nữ đạt 24,1 triệu người, chiếm 46,8% lực lượng lao động của cả nước.
          Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 9 tháng năm 2022 là 68,5%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
          Lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên 9 tháng năm 2022 ước tính là 13,5 triệu người, chiếm 26,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. 
          Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2022 là 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với 9 tháng năm 2021. Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn cũng như ở nam giới và nữ giới, tuy nhiên sự tăng lên này chủ yếu ở khu vực thành thị và ở nam giới, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người và ở nam giới là 26,8 triệu người, tăng 806,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
          Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,9 triệu người, (chiếm 27,6%), giảm 162,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,9 triệu người (chiếm 33,4%), tăng 726,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số có việc làm với tỷ trọng 39,0%, tương ứng là 19,7 triệu người, tăng 895,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
          Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp của cả nước trong 9 tháng năm 2022 là 55,3%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực thành thị là 47,0%, giảm 0,8 điểm phần trăm, và ở khu vực nông thôn, tỷ lệ này là 62,2% giảm gần 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
          Thiếu việc làm trong độ tuổi 9 tháng năm 2022 là gần 1,03 triệu người, giảm 293 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 9 tháng năm 2022 là 2,29%, giảm 0,77 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,75% và 2,63%). 
          Thu nhập bình quân tháng của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, tăng 12,4%, tương ứng tăng 727 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện thu nhập bình quân tháng của người lao động 9 tháng năm 2022 tăng 11,8%, tương ứng tăng 693 nghìn đồng. Trong 9 tháng năm 2022, lao động nam có thu nhập bình quân tháng là 7,5 triệu đồng, cao hơn 1,36 lần mức thu nhập bình quân của lao động nữ (5,5 triệu đồng). Lao động làm việc tại khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân tháng cao hơn 1,40 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc tại khu vực nông thôn (8,0 triệu đồng so với 5,7 triệu đồng).
          Chín tháng năm 2022 nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ ở tất cả các ngành kinh tế, đời sống của người lao động được đảm bảo hơn. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng khá ở cả ba khu vực kinh tế. Trong đó, thu nhập của người lao động tăng mạnh nhất ở khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 13,7% so với 9 tháng năm 2021, tương ứng tăng khoảng 901 nghìn đồng, tiếp đến lao động làm việc trong khu vực dịch vụ tăng 11,5%, tương ứng tăng 805 nghìn đồng. Lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng thu nhập bình quân thấp nhất, tăng 7,6%, tương ứng tăng 271 nghìn đồng.
          Thu nhập của lao động làm công hưởng lương 9 tháng năm 2022 là 7,5 triệu đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 805 nghìn đồng). Lao động nam làm công hưởng lương có mức thu nhập bình quân tháng là 7,9 triệu đồng, cao hơn 1,13 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ làm công hưởng lương (7,0 triệu đồng). Lao động làm công hưởng lương tại khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân tháng cao hơn 1,24 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ở khu vực nông thôn, tương ứng 8,4 triệu đồng so với 6,8 triệu đồng.
          Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là gần 1,08 triệu người, giảm 251 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35%, giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. 
          Số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp 9 tháng năm 2022 là khoảng 413,0 nghìn người, chiếm 37,5% tổng số người thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 9 tháng năm 2022 là 7,86%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,65%, giảm 1,14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
          Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu 9 tháng đầu năm 2022 là gần 4,5 triệu người, cao hơn 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn. 
          Gần 2/3 số lao động tự sản tự tiêu là nữ giới (chiếm 63,1%). Số lao động nữ giới làm công việc tự sản tự tiêu 9 tháng năm 2022 tăng hơn 100 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.            Đây là nhóm lao động yếu thế và chịu nhiều ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ngay cả khi thị trường lao động mở cửa trở lại. Trong tổng số hơn 4,5 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, gần 2,4 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 52,2%).
          Tại buổi họp báo, Lãnh đạo Vụ Thống kê Dân số, Lao động (TCTK) và một số Vụ Thống kê chuyên ngành đã trả lời các câu hỏi của các Phóng viên, Biên tập viên các báo, đài để làm rõ thêm một số vấn đề về tình hình lao động, việc làm, thất nghiệp, thu nhập của người lao động trong quý III và 9 tháng năm 2022.

Tác giả bài viết: PHÒNG THỐNG KÊ XÃ HỘI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây