Thông cáo báo chí tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022 tỉnh Cao Bằng

Thứ tư - 29/06/2022 10:02
Tại thời điểm tháng 6 năm 2022, kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định sau hơn hai năm đại dịch Covid-19 cùng với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2022. Ngoài xung đột, việc thực hiện các biện pháp phong tỏa thường xuyên và trên phạm vi rộng ở Trung Quốc có thể gây ra những tắc nghẽn mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Áp lực giá cao hơn dẫn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia. Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng được dự báo sẽ giảm khoảng một nửa trong năm nay, từ mức 6,6% năm 2021 xuống còn 3,4% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2022. 
Các tổ chức kinh tế thế giới dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2022 duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cao, sự chuyển đổi sang cách tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt, mở rộng thương mại và đặc biệt là việc ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, ngay từ đầu năm Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm nay như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế  
Trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát ở những tháng đầu năm theo chiều hướng phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh và những tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine, lệnh trừng phạt kinh tế của các nước đối với Nga. Trước những khó khăn đó nền kinh tế của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng là thắng lợi của toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,07%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,44%, đóng góp 2,42 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 4,16%, đóng góp 2,26 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,12%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.  
Quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành đạt 9.581 tỷ đồng, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.104 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 1.923 tỷ đồng, chiếm 20,08%; khu vực dịch vụ đạt 5.169 tỷ đồng, chiếm 53,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 385 tỷ đồng, chiếm 4,01%.   
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh bùng phát mạnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến trồng trọt như giá cả vật tư, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn ở mức cao, hàng hóa nông sản, đặc biệt là mặt hàng rau tiêu thụ bị hạn chế... Những tháng đầu năm thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, ở một số địa phương xuất hiện băng giá làm cho đàn trâu bò bị chết rét dẫn đến tình trạng nhiều hộ nông dân thiếu sức kéo, ảnh hưởng đến tiến độ làm đất gieo trồng. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả nên kết quả sản xuất nông nghiệp đạt khá, sản lượng lương thực có hạt, sản lượng cây lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi phát triển tốt, tăng cả về số lượng đầu con và sản lượng thịt hơi xuất chuồng; sản xuất lâm nghiệp và sản xuất thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước. 
a. Nông nghiệp
Cây hàng năm
Trong 6 tháng đầu năm 2022 trước bối cảnh thời tiết có diễn biến xấu, mưa nhiều và kèm theo rét đậm, rét hại kéo dài ngay đúng thời điểm gieo trồng các cây trồng chính, đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nói chung. Để sản xuất vụ đông xuân năm 2022 có hiệu quả, ngay từ những tháng đầu năm được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và ban ngành liên quan, các địa phương chủ động lập kế hoạch cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầy đủ và kịp thời đến bà con nông dân theo kế hoạch, chú trọng đến lịch thời vụ để đảm bảo sản xuất, cùng với sự nỗ lực của nhân dân khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành kế hoạch sản xuất đã đề ra, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh lương thực - thực phẩm.  
Kết quả sơ bộ vụ đông xuân
Sơ bộ vụ đông xuân năm 2022 toàn tỉnh gieo trồng được 37.931 ha, tăng 0,7% hay tăng 264 ha so với chính thức vụ đông xuân năm trước. Diện tích tăng chủ yếu ở cây lúa, thuốc lá và cây hàng năm khác (ớt cay, gừng, nghệ, cỏ voi)...   
Cây lúa gieo cấy được 3.712 ha, tăng 2,17% hay tăng 79 ha so với chính thức vụ đông xuân năm trước và tăng 1,49% so với kế hoạch. Ngay từ đầu vụ thời tiết có mưa nhiều nên bà con nông dân chủ động làm đất, lấy nước để gieo cấy và một số hệ thống thủy lợi đã khơi thông như thủy lợi Khuổi Khoán… nhiều diện tích không đủ nước gieo trồng của các năm trước sang năm nay đã gieo trồng lúa trở lại. 
Cây ngô trồng được 25.802 ha, giảm 0,23% hay giảm 60 ha so chính thức đông xuân năm 2021 và tăng 1,96% so với kế hoạch. Diện tích giảm do thời tiết  rét đậm, rét hại và mưa nhiều kéo dài nên khó khăn trong khâu làm đất, nhiều diện tích gieo trồng xong không mọc được. Diện tích giảm chủ yếu là diện tích ngô rẫy do trong năm nhiều diện tích được bà con nông dân chuyển sang gieo trồng các loại cây trồng khác như cây gừng, nghệ, một số diện tích được dùng để chuyên trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, trồng các loại rau, đậu phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Cây đậu tương trồng được 500 ha, giảm 8,76% hay giảm 48 ha so với cùng kỳ, so với kế hoạch giảm 17,12%. Diện tích gieo trồng đậu tương giảm do người dân trồng chủ yếu bằng giống địa phương năng suất đạt thấp và hiệu quả kinh tế không cao so với cây trồng khác nên một số diện tích được chuyển sang trồng các loại cây khác như cây cỏ voi, cây sắn… 
Cây lạc trồng được 296 ha, giảm 1,99% hay giảm 6 ha và giảm 6,62%, diện tích giảm do thời tiết có mưa nhiều một số nơi bị ngập úng không trồng được, bên cạnh đó một số huyện có mô hình trồng lạc và áp dụng các tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cho năng suất cao, giá bán sản phẩm tăng và có hướng ổn định nên nhiều hộ nông dân tăng diện tích gieo trồng.
Cây thuốc lá trồng được 3.291 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,76% hay tăng 237 ha, so với kế hoạch tăng 7,68%. Là một trong những cây trồng góp phần nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ gia đình, diện tích tăng chủ yếu ở các huyện như: Hà Quảng (+43,3 ha), Quảng Hòa (+27,3 ha), Hòa An (+28,29 ha), Nguyên Bình (+25,17 ha) do năm nay việc thực hiện cam kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các chủ đầu tư và nông dân được cải thiện, tạo được tâm lý an tâm sản xuất cho bà con nông dân vùng trồng nguyên liệu. Một số xã hiện nay đã xây dựng được vùng thuốc lá chất lượng cao và mô hình thuốc lá chất lượng cao, bà con sử dụng giống mới và ngày càng biết áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng thuốc lá nguyên liệu.
Cây rau các loại trồng được 2.138 ha, giảm 1,88% hay giảm 41 ha so với cùng kỳ năm trước, do thời tiết mưa nhiều một số diện tích bị ngập úng. Ngoài ra, diện tích trồng cây kiệu giảm do năm trước trồng mô hình không đem lại hiệu quả kinh tế nên người dân đã chuyển sang trồng cây khác.
Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân năm 2022 ước đạt 125.228 tấn, tăng 0,13% hay tăng 166 tấn so cùng vụ năm trước, tăng 4,93% hay tăng 5.879 tấn so với kế hoạch. Cụ thể năng suất, sản lượng các loại cây trồng chính như sau: 
Cây lúa năng suất bình quân ước đạt 51,7 tạ/ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 19.188 tấn, tăng 2,27% hay tăng 425 tấn và đạt 102,96% so với kế hoạch do diện tích lúa tăng. Để nâng cao năng suất và sản lượng lúa thì cần lựa chọn các giống lúa chịu hạn tốt, có năng suất cao, chất lượng tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu để đưa vào sản xuất. 
Cây ngô năng suất ước đạt 41,08 tạ/ha, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 106.006 tấn, giảm 0,26% hay giảm 274 tấn và đạt 105,26% so với kế hoạch. Trong vụ sản xuất bà con nông dân đã sử dụng giống ngô lai năng suất cao và chịu hạn tốt nhưng đến thời kỳ trổ bông thời tiết mưa nhiều nên ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. 
Cây đậu tương năng suất ước tính đạt 8,40 tạ/ha, giảm 0,47% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 420 tấn, giảm 9,09% hay giảm 42 tấn và đạt 74,25% so với kế hoạch.
Cây lạc năng suất ước đạt 11,95 tạ/ha, giảm 0,17% so cùng vụ năm trước; sản lượng ước đạt 353 tấn, giảm 2,22% hay giảm 8 tấn và đạt 92,92% so với kế hoạch. 
Cây thuốc lá năng suất ước đạt 25,51 tạ/ha, tăng 0,24% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 8.396 tấn, tăng 8,03% hay tăng 624 tấn và đạt 110,71% so với kế hoạch. Tuy nhiên, trong thời kỳ thu hoạch thời tiết mưa ẩm kéo dài ảnh hưởng đến việc thu, sấy cũng như chất lượng thuốc lá.
Cây lâu năm   
Diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh chủ yếu được bà con trồng phân tán mang tính chất tự cung tự cấp, chưa hình thành vùng nguyên liệu trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay các huyện đã lựa chọn những loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng để trồng tập trung như: cây cam, quýt trồng nhiều ở huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Hòa An, Thạch An,...; thanh long được trồng tại huyện Nguyên Bình, Hòa An, Thành Phố Cao Bằng,... ; lê trồng chủ yếu ở huyện Thạch An, Nguyên Bình, Trùng khánh,... Một số loại cây có giá trị kinh tế cao như cây hồi được trồng tại huyện Trùng Khánh, Thạch An thu sản phẩm là hoa hồi, cây hồi trồng ở huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc thu sản phẩm lá để chưng cất tinh dầu; một số cây đang được đưa vào trồng thử nghiệm nhưng chưa có sản phẩm thu hoạch như mắc ca, hồ đào, hà thủ ô, sâm...
Ước tính tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có là 9.123 ha, tăng 13,29% hay tăng 1.070 ha so cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu ở nhóm cây dược liệu, đặc biệt là cây hồi. Trong đó: cây gia vị, cây dược liệu lâu năm diện tích hiện có 5.759 ha, tăng 19,31% hay tăng 932 ha; cây ăn quả hiện có 2.753 ha, tăng 5,4% hay tăng 141 ha so với cùng kỳ; chè và cây lấy quả chứa dầu diện tích hiện có 212 ha, giảm 0,93% hay giảm 2 ha; cây lâu năm khác diện tích hiện có 399 ha, giảm 0,25% hay giảm 1 ha so với cùng kỳ.
 Sản lượng thu hoạch một số cây trồng chính 6 tháng đầu năm như sau: cây chuối thu hoạch đạt 1.533 tấn, tăng 3,09% hay tăng 46 tấn so với cùng kỳ năm trước; cây thanh long thu hoạch đạt 155 tấn, tăng 46,23% hay tăng 49 tấn; cây dứa thu hoạch đạt 291 tấn, tăng 43,35% hay tăng 88 tấn; cây xoài sản lượng đạt 138 tấn, giảm 3,5% hay giảm 5 tấn; ổi thu hoạch đạt 48 tấn, tăng 4,35% hay tăng 2 tấn; mận thu hoạch đạt 453 tấn, tăng 1,57% hay tăng 7 tấn; chè búp thu hoạch đạt 167 tấn, tăng 9,15% hay tăng 14 tấn, cây chè búp hiện nay đang được đầu tư, phát triển nhiều tại huyện Nguyên Bình, Quảng Hòa nên sản lượng thu hoạch đạt khá cao, còn các huyện khác chủ yếu duy trì số diện tích cũ, không đầu tư chăm sóc, thu hoạch nên đã bỏ hoang hoặc phá bỏ chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị hơn; hồi thu hoạch đạt 1.095 tấn, tăng 10,05% hay tăng 100 tấn…
Chăn nuôi
Tình hình sản xuất chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 tương đối ổn định. Bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi về cơ bản đã được kiểm soát, công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang được triển khai thuận lợi. Đầu năm thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ở một số địa phương xuất hiện băng giá gây thiệt hại cho đàn gia súc làm chết 1.043 con. Tuy nhiên, tỉnh đã chỉ đạo triển khai kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân vay vốn với giá ưu đãi để đầu tư mở rộng chuồng trại, mua giống thức ăn và phòng trừ dịch bệnh.
Tổng đàn trâu có 106.334 con, tăng 4,42% hay tăng 4.497 con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 939 tấn, tăng 2,18% hay tăng 20 tấn so với cùng kỳ năm 2021. 
Tổng đàn bò có 105.929 con, giảm 2,89% hay giảm 3.157 con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 1.110 tấn, tăng 1,28% hay tăng 14 tấn. Tổng đàn bò giảm do bệnh Viêm da nổi cục năm 2021 có diễn biến phức tạp, nhiều hộ gia đình có bò nhiễm bệnh hoặc chết vì bệnh chưa dám tái đàn dẫn đến đàn bò giảm. Đồng thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động vỗ béo và xuất bán bò bị chững lại, nhiều hộ dân nuôi bò thời gian dài khiến số con xuất chuồng của bò giảm nhưng trọng lượng xuất chuồng bình quân một con bò tăng lên.
Tổng đàn lợn hiện có 310.133 con, tăng 5,7% hay tăng 16.735 con so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước tính đạt 13.821 tấn, tăng 3,79% hay tăng 505 tấn so với cùng kỳ năm trước. 
Ước tính tổng đàn và sản lượng thịt gia cầm tiếp tục tăng, tổng số gia cầm hiện có 3.048,11 nghìn con, tăng 1,09% hay tăng 32,97 nghìn con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 3.075 tấn, tăng 1,25%; sản lượng trứng gia cầm đạt 19.574 nghìn quả, giảm 0,15%
* Tình hình dịch bệnh tính đến ngày 15/6/2022 
- Đối với đàn trâu bò: Tình hình dịch bệnh trên đàn trâu bò tương đối ổn định, không có ổ dịch lớn xảy ra, chỉ mắc rải rác đối với bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, phân trắng bê nghé… làm chết 48 con. Trong tháng 6, bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò tái phát trở lại tại xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm từ ổ dịch cũ của năm 2021 làm mắc 07 con bò.
- Đối với đàn lợn: Tính từ đầu năm đến ngày 15/6/2022 dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra rải rác tại một số huyện trên địa bàn tỉnh làm mắc và buộc tiêu hủy 423 con lợn các loại với tổng trọng lượng là 17.529 kg. Ngoài ra, bệnh tụ huyết trùng, dịch tả… xảy ra rải rác tại các địa phương làm chết 139 con. 
- Đối với đàn gia cầm: Tính đến nay chưa phát hiện có ổ dịch Cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh, chủ yếu đàn gia cầm mắc rải rác đối với bệnh Newcastle, tụ huyết trùng… làm chết 1.571 con gia cầm các loại. 
b. Lâm nghiệp   
Trong 6 tháng đầu năm 2022 thời tiết mưa nhiều, thuận lợi cho sản xuất lâm nghiệp. Diện tích rừng trồng mới tăng so với cùng kỳ năm trước do dân tự mua cây giống về trồng trên diện tích rừng sản xuất được nhận giao khoán bảo vệ và trồng mới trên diện tích rừng sau khai thác. Các chương trình dự án trồng rừng sản xuất như: Dự án Bảo vệ và phát triển rừng và các dự án trồng rừng khác diện tích được giao không nhiều. Tổng diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 1.423,58 ha (trong đó, dân tự mua giống cây về trồng 1.150,28 ha), tăng 11,35% hay tăng 145,09 ha so với cùng kỳ năm trước. 
Tổng số gỗ khai thác ước 6 tháng đầu năm 2022 là 9.548 m3, giảm 26,09% hay giảm 3.406 m3, sản lượng khai thác gỗ giảm do thời tiết mưa nhiều, các chủ rừng không khai thác được. Gỗ khai thác chủ yếu là thông, keo, sa mộc, mỡ, xoan ta, lát... được khai thác chủ yếu là từ rừng trồng, các cây phân tán.
Sản lượng củi khai thác ước đạt 398.115 ste, tăng 0,6% hay tăng 2.370 ste. Củi khai thác hiện nay phần lớn được tận thu từ cành, ngọn cây khi khai thác gỗ, chuẩn bị hiện trường trồng rừng. Sản lượng khai thác củi tăng so với cùng kỳ năm trước do ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh củi vẫn được thu nhặt thường xuyên để phục vụ sấy thuốc lá lá, nấu nướng và chế biến thức ăn gia súc. 
 c. Thuỷ sản
Trong 6 tháng đầu năm 2022 tình hình sản xuất thuỷ sản ổn định. Những tháng đầu năm mưa khá nhiều nên lượng nước trong các sông, suối, ao, hồ tương đối ổn định đã tạo điều kiện cho các loại thủy sản phát triển và thuận lợi cho việc đánh bắt, đồng thời những người chuyên đánh bắt thuỷ sản hiện nay cũng đầu tư hơn cho việc khai thác như đóng thuyền, xuồng kích thước nhỏ để thuận tiện di chuyển vào những vùng nước sâu có trữ lượng cá lớn, dùng lưới bát quái, mảng,... 
Tổng diện tích nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 364,52 ha, tăng 1,44% so cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 265,28 tấn, tăng 1,17% hay tăng 3,07 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 213,28 tấn, giảm 0,48% hay giảm 1,02 tấn; sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 52 tấn, tăng 8,54% hay tăng 4,09 tấn so với cùng kỳ năm trước.
3. Sản xuất công nghiệp 
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực và dần lấy lại tốc độ phát triển (IIP năm 2021 giảm 2,06%, IIP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 12,28% so với cùng kỳ năm trước) trong đó: ngành sản xuất và phân phối điện, ngành khai khoáng là 2 ngành chủ lực với tốc độ tăng cao; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; ngành chế biến, chế tạo giảm so với cùng kỳ năm trước. 
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,28% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 13,28%, quý II tăng 11,31%), số tăng chủ yếu là ngành sản xuất và phân phối điện, ngành khai khoáng. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 54,03% (quý I tăng 62,07%, quý II tăng 48,84%) do thời tiết mưa nhiều và đều, dung lượng nước lớn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy thủy điện hoạt động có hiệu quả hơn, sản lượng tăng so với cùng kỳ; ngành khai khoáng tăng 20,28% (quý I tăng 20,87%, quý II tăng 19,69%), chỉ số tăng ở ngành khai thác quặng kim loại, tăng 37,93% do một số đơn vị khai thác mỏ được cấp phép hoạt động trở lại và khai thác với công suất lớn hơn; ngành chế biến, chế tạo giảm 13,71% (quý I giảm 8,34%, quý II giảm 20,36%), chủ yếu giảm ở ngành sản xuất kim loại giảm 19,9% (chiếm trên 60% giá trị sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) do Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng gặp sự cố lò, thời gian bảo dưỡng định kỳ kéo dài hơn năm trước vì vậy sản lượng phôi thép trong 6 tháng đầu năm đạt thấp; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,73% (quý I giảm 0,42%, quý II giảm 2,92%). 
Các sản phẩm sản xuất 6 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021: điện sản xuất tăng 64,91%; nước tinh khiết tăng 56,96%; manggan và các sản phẩm của manggan tăng 52,55%; quặng manggan và tinh quặng manggan tăng 37,93%; gạch xây tăng 19,28%; điện thương phẩm tăng 18,70%; đường tăng 8,78%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: chiếu trúc, chiếu tre giảm 65,82%; cát tự nhiên các loại giảm 30,84%; sắt, thép không hợp kim (phôi thép) giảm 28,78%; xi măng giảm 24,48%; đá xây dựng giảm 20,26%; sản phẩm in khác giảm 4,71%; nước uống được giảm 2,75%.  
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022, giảm 22,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ 6 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại đúc sẵn giảm 76,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 64,55%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 32,84%... Riêng ngành sản xuất đồ uống có chỉ số tiêu thụ tăng 67,44%.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 6 năm 2022 tăng 204,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng so với cùng kỳ năm trước: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 205,84%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 105,06%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 79,61%; sản xuất kim loại tăng 65,39%... Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 26,63%; sản xuất đồ uống giảm 2,68%...
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 giảm 4,12%, số giảm chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 5,82%. 
Xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Về tình hình sản xuất kinh doanh, có 33,33% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2022 khó khăn hơn quý I/2022; 66,67% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn. Dự kiến quý III/2022 so với quý II/2022, có 72,22% doanh nghiệp đánh giá xu hướng ổn định và tốt hơn; 27,78% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Về khối lượng sản xuất, có 44,44% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý II/2022 giảm so với quý I/2022; 55,56% doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất ổn định và tăng lên. Xu hướng quý III/2022 so với quý II/2022, có 72,22% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất ổn định và tăng; 27,78% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm. 
Về đơn đặt hàng mới, có 35,29% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng mới quý II/2022 giảm so với quý I/2022; 64,71% có đơn đặt hàng mới ổn định và tăng. Xu hướng này được các doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục ở quý tiếp theo.
Về giá bán bình quân, có 38,89% doanh nghiệp có giá bán bình quân quý II/2022 tăng so với quý I/2022; 55,56% doanh nghiệp giữ nguyên giá bán bình quân. Xu hướng quý III/2022 so với quý II/2022, có 44,44% doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân tăng; 50% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên giá bán bình quân.
4. Đầu tư phát triển
Tổng số vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tính chung 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3.517,68 tỷ đồng, tăng 13,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn khu vực Nhà nước đạt 1.755,62 tỷ đồng, chiếm 49,91%, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021; Vốn khu vực ngoài nhà nước đạt 1.761,87 tỷ đồng, chiếm 50,09%, tăng 18,67% so với cùng kỳ năm trước; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát sinh nhưng không đáng kể. 
Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2022 vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đều tăng ở tất cả các khu vực và tăng so với cùng kỳ năm trước. Bước sang quý II năm 2022, các biện pháp hạn chế phòng chống dịch dần được nới lỏng, hoạt động kinh doanh được trở lại, các hoạt động kinh tế và thương mại đã có bước khởi sắc đáng kể kéo theo hoạt động đầu tư cũng gia tăng. Trong quý I/2022 các doanh nghiệp tập trung đầu tư sửa chữa, bổ sung vốn lưu động để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh. Quý II/2022 hoạt động xây dựng tại các công trình diễn ra thuận lợi hơn, không bị gián đoạn do dịch Covid-19 mặc dù giá nguyên vật liệu xây dựng vẫn đang ở mức cao theo xu hướng chung của thị trường, nhờ những chính sách thiết thực của Chính phủ. Hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại để giảm mặt bằng lãi suất cho vay đã giúp cho cả doanh nghiệp và hộ dân cư tiếp cận các khoản vay đầu tư dễ dàng hơn.
Về tình hình triển khai kế hoạch giải ngân, thực hiện vốn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2022: Đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn đầu tư công năm 2022 tỉnh Cao Bằng đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư thực hiện là 2.461,05/3.739,71 tỷ đồng, bằng 65,8%, chưa phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư thực hiện là 1.278,66 tỷ đồng, chiếm 34,2% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu chưa phân bổ là do dồn lực cho dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) chưa đủ điều kiện giao vốn theo quy định. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý quý II ước đạt 465,534 tỷ đồng, cộng dồn 6 tháng đầu năm đạt 792,98 tỷ đồng, ước đạt 32,22% kế hoạch năm đã giao chi tiết. 
5. Thương mại, dịch vụ, giá 
Từ quý II năm 2022, công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện để các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ hồi phục; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch.
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Ước tính 6 tháng năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.916,33 tỷ đồng, tăng 7,93% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.272,84 tỷ đồng, tăng 8,94%; Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 439,88 tỷ đồng, tăng 9,77% (doanh thu lưu trú giảm 3,27%; doanh thu ăn uống tăng 11,29%); Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 2,0 tỷ đồng, giảm 11,96%; Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 201,61 tỷ đồng, giảm 8,97% so với cùng kỳ năm trước.
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, từ ngày 15/3/2022 ngành du lịch cả nước chính thức mở cửa trở lại, các tỉnh, thành phố chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tỉnh Cao Bằng đã có những dấu hiệu khởi sắc, hứa hẹn nhiều triển vọng tích cực trong năm 2022.
Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2022 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có biến động tăng so với tháng trước. Cụ thể: Chỉ số CPI chung trong tháng tăng 0,73% so với tháng trước; tăng 1,59% so với cùng tháng năm trước; Chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2022 giảm 0,31% so với bình quân cùng kỳ.
Nguyên nhân làm CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 giảm so với bình quần cùng kỳ chủ yếu là do ảnh hưởng của nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 8,73% (Trong đó: Thực phẩm giảm 12,90%) cụ thể một số mặt hàng như thịt lợn và một số loại rau củ quả có nguồn cung dồi dào, giá giảm dẫn đến chỉ số chung nhóm này giảm.
Ngoài ra, chịu ảnh hưởng của thị trường xăng, dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng từ đầu năm dẫn đến giá của các hoạt động dịch vụ vận tải hành khách tăng, làm cho chỉ số giá nhóm Giao thông trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh 17,42% so với bình quân cùng kỳ.
Chỉ số giá Vàng tháng 6 năm 2022 giảm 1,21% so với tháng trước; tăng 2,66% so với cùng tháng năm trước; Chỉ số giá vàng bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,33% so với bình quân cùng kỳ.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 6 năm 2022 tăng 1,57% so với tháng trước; tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước; Tuy nhiên, chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân 6 tháng đầu năm 2022 giảm 0,50% so với bình quân cùng kỳ.
Hoạt động vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 137,33 tỷ đồng, giảm 10,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách 36,7 tỷ đồng, giảm 3,19%; doanh thu vận tải hàng hóa 97,3 tỷ đồng giảm 13,3%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 3,33 tỷ đồng, tăng 17,83% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 517,4 nghìn hành khách, giảm 28,91% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 30,74 triệu HK.Km, giảm 28,46% so với cùng kỳ năm trước. 
Vận chuyển hàng hoá ước đạt 608,0 nghìn tấn, giảm 43,07% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa luân chuyển ước đạt 19,28 triệu tấn.km, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. 
Đánh giá chung
Trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế của tỉnh chịu nhiều tác động bất lợi từ trong và ngoài nước. Với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực: Toàn nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng; kết quả sản xuất nông nghiệp đạt khá, sản lượng lương thực có hạt tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi phát triển tốt, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò cơ bản đã được khống chế; sản xuất công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại đều tăng so với cùng kỳ năm trước; hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch dần hồi phục; hàng hóa, dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian tới, cần tập trung một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các cây trồng vụ đông xuân, đồng thời khuyến khích, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm các loại cây trồng và chuẩn bị đầy đủ các vật tư phục vụ cho vụ mùa sắp tới. Đối với chăn nuôi, tập trung phát triển chăn nuôi đàn lợn, trâu, bò vỗ béo và đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đàn vật nuôi, đặc biệt là văc xin phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Tăng cường công tác trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Hai là, lựa chọn, ưu tiên một số ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh phát triển theo hướng: khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị, có ý nghĩa nền tảng, tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đang thực hiện, rà soát bổ sung các cơ chế phù hợp với thực tế và khả năng nguồn lực của tỉnh.
Ba là, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục khởi công mới để đảm bảo giao vốn kịp thời, đúng quy định.
Bốn là, tăng cường theo dõi diễn biến giá cả thị trường, tổ chức thực hiện những giải pháp nhằm góp phần bình ổn giá cả thị trường.
Năm là, tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, tiết kiệm, hiệu quả. Các tổ chức tín dụng có kế hoạch tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Sáu là, tiếp tục thực hiện các quy định hiện nay về phòng chống Covid-19; tăng cường tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhắc lại và bổ sung cho người 18 tuổi trở lên; triển khai đúng kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Bảy là, theo dõi tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, các chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số và vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây