I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
Tháng Bảy sản xuất nông nghiệp tập trung thu hoạch các cây trồng vụ đông xuân và gieo trồng vụ mùa; chăn nuôi phát triển tương đối ổn định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục tập trung vào công tác phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng. Sản lượng thủy sản giảm so với cùng kỳ năm trước.
1. Nông nghiệp
Cây hàng năm
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 7 trên địa bàn tập trung thu hoạch các cây trồng vụ đông xuân như lúa, ngô, đậu tương, lạc… đồng thời đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây trồng vụ mùa và chăm sóc các loại cây trồng sớm. Tình hình thời tiết trong tháng nắng nóng kéo dài thuận lợi cho công tác thu hoạch, phơi khô bảo quản sản phẩm của người dân, tuy nhiên cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng vụ mùa.
Ước tính đến ngày 15/7, toàn tỉnh thu hoạch được 2.957 ha lúa đông xuân, tăng 5,38% so với cùng kỳ năm trước và bằng 79,66% so với diện tích gieo trồng; ngô thu hoạch được 21.070 ha, tăng 2,15% và bằng 81,66% so với diện tích gieo trồng; khoai lang thu hoạch được 406 ha, tăng 10,63%; đậu tương thu hoạch được 500 ha, giảm 8,76%; lạc thu hoạch được 287 ha, giảm 3,37%; rau các loại thu hoạch được 1.910 ha, tăng 0,58%. Nhìn chung, tiến độ thu hoạch các cây trồng vụ đông xuân tăng so với cùng kỳ năm trước, bên cạnh công tác thu hoạch thì bà con nông dân vẫn đang đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây trồng vụ mùa như: lúa, ngô, lạc, đậu tương, rau màu các loại đảm bảo đúng kế hoạch mùa vụ.
Tiến độ gieo trồng vụ mùa ước tính đến ngày 15/7: cây lúa gieo trồng được 21.162 ha, tăng 3,39% hay tăng 694 ha so với cùng kỳ năm trước, diện tích gieo trồng tăng so với cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi, có mưa, nguồn nước tưới tiêu được đảm bảo thuận lợi cho khâu làm đất gieo cấy; cây ngô trồng được 9.562 ha, tăng 1,53% hay tăng 144 ha; cây đậu tương gieo trồng được 589 ha, giảm 3,12% hay giảm 19 ha; cây lạc trồng được 307 ha, tăng 0,66% hay tăng 2 ha; rau các loại trồng được 88 ha, tăng 2,33% hay tăng 2 ha so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả sơ bộ vụ đông xuân
Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 37.931 ha, tăng 0,7% hay tăng 264 ha so chính thức vụ đông xuân năm 2021. Diện tích tăng chủ yếu ở cây lúa, thuốc lá và cây hàng năm khác (ớt cay, gừng, nghệ, cỏ voi)... Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân năm 2022 ước đạt 125.228 tấn, tăng 0,13% hay tăng 166 tấn so cùng vụ năm trước, tăng 4,93% hay tăng 5.879 tấn so với kế hoạch. Cụ thể một số cây trồng chính như sau:
Diện tích lúa đông xuân gieo trồng được 3.712 ha, tăng 2,17% hay tăng 79 ha so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,49% so với kế hoạch; diện tích tăng chủ yếu ở các huyện: Thạch An, Hòa An, Bảo Lâm…do đầu vụ mưa nhiều và đều nên bà con chủ động làm đất, lấy nước để gieo cấy, bên cạnh đó một số hệ thống thủy lợi đã khơi thông như thủy lợi Khuổi Khoán… nhiều diện tích không đủ nước gieo trồng từ những năm trước đã được gieo trồng lúa trở lại. Năng suất bình quân ước đạt 51,7 tạ/ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 19.188 tấn, tăng 2,27% hay tăng 425 tấn và đạt 102,96% so với kế hoạch.
Cây ngô trồng được 25.802 ha, giảm 0,23% hay giảm 60 ha so cùng vụ năm trước và tăng 1,96% so với kế hoạch; cây ngô là loại cây dễ trồng, sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh do đó bà con nông dân thường gieo trồng hết diện tích; tuy nhiên đầu vụ thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, mưa nhiều nên khó khăn trong khâu làm đất, nhiều diện tích gieo trồng xong không mọc được vì vậy diện tích giảm so với cùng kỳ năm trước. Năng suất ước đạt 41,08 tạ/ha, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 106.006 tấn, giảm 0,26% hay giảm 274 tấn và đạt 105,26% so với kế hoạch.
Thuốc lá trồng được 3.291 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,76% hay tăng 237 ha và tăng 7,68% so với kế hoạch; diện tích thuốc lá tăng chủ yếu ở các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình… do năm nay việc cam kết thu mua sản phẩm cũng như việc đầu tư, hỗ trợ bà con nông dân được cải thiện, một số xã đã xây dựng được vùng nguyên liệu và mô hình thuốc lá chất lượng cao. Năng suất ước đạt 25,51 tạ/ha, tăng 0,24% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 8.396 tấn, tăng 8,03% hay tăng 624 tấn và đạt 110,71% so với kế hoạch.
Cây đậu tương trồng được 500 ha, giảm 8,76% hay giảm 48 ha do đậu tương hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều hộ có hướng giảm diện tích để tăng diện tích các loại cây trồng khác. Năng suất ước tính đạt 8,40 tạ/ha, giảm 0,47% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 420 tấn, giảm 9,09% hay giảm 42 tấn và đạt 74,25% so với kế hoạch.
Cây lạc trồng được 296 ha, giảm 1,99% hay giảm 6 ha, diện tích giảm là do đầu vụ mưa nhiều, một số nơi bị ngập úng không trồng được nên chuyển sang trồng cây hàng năm khác. Năng suất ước đạt 11,95 tạ/ha, giảm 0,17% so cùng vụ năm trước; sản lượng ước đạt 353 tấn, giảm 2,22% hay giảm 8 tấn và đạt 92,92% so với kế hoạch.
Cây lâu năm
Trong tháng, các hộ gia đình tiếp tục thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường như chuối, dứa, đu đủ, thanh long, chanh, ổi, nhãn, mác mật… Đồng thời, đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc các loại cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng suất thấp, sản phẩm kém chất lượng và trồng mới một số diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn như bưởi, mít, na, xoài…
Tình hình sâu bệnh hại cây trồng
Trong tháng thời tiết mưa, nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại đối với cây trồng xảy ra ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh như: bệnh sâu cuốn lá nhỏ, ốc bươu vàng trên cây lúa; bệnh khô vằn, sâu keo trên cây ngô; bệnh phấn trắng, bệnh thán thư, sâu đục cành, nhện đỏ, rệp sáp trên cây ăn quả... gây hại nhẹ đối với cây trồng. Các ngành chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng và khuyến cáo kịp thời người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.
Chăn nuôi
Trong tháng tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định; đàn gia súc, gia cầm được người dân đầu tư chăm sóc và phát triển. Công tác giám sát dịch bệnh được các địa phương quan tâm thực hiện, vì vậy các ổ dịch bệnh được phát hiện và xử lý kịp thời, không lây lan. Hiện nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định, chỉ xảy ra lẻ tẻ đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh tụ huyết trùng... Các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi đến các hộ chăn nuôi không để phát sinh thêm các ổ dịch mới.
Tổng đàn trâu hiện có 105.677 con, tăng 3,73% hay tăng 3.798 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò hiện có 106.941 con, giảm 2,63% hay giảm 2.884 con. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 7 đạt 136 tấn, tăng 1,49% hay tăng 2 tấn, lũy kế từ đầu năm 1.065 tấn, tăng 1,91% hay tăng 20 tấn; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tháng 7 đạt 159 tấn, tăng 0,23%, lũy kế từ đầu năm đạt 1.251 tấn, tăng 0,56% hay tăng 7 tấn.
Tổng đàn lợn ước tính 310.893 con, tăng 6,68% hay tăng 19.475 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 7 đạt 1.923 tấn, tăng 4,28% hay tăng 79 tấn, lũy kế từ đầu năm đạt 15.448 tấn, tăng 2,19% hay tăng 331 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn gia cầm ước tính 3.026,98 nghìn con, tăng 1,88% hay tăng 55,98 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 7 đạt 456 tấn, giảm 1,72% hay giảm 8 tấn, lũy kế từ đầu năm đạt 3.653 tấn, tăng 4,43% hay tăng 155 tấn so với cùng kỳ năm trước; sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 2.921 nghìn quả, tăng 0,17% hay tăng 5 nghìn quả, lũy kế từ đầu năm 21.817 nghìn quả, tăng 0,58% hay tăng 125 nghìn quả so cùng kỳ năm trước.
Tính từ ngày 16/6 đến ngày 15/7/2022, dịch tả lợn Châu Phi làm mắc và buộc tiêu hủy 195 con lợn ở huyện Hạ Lang, lũy kế từ đầu năm 618 con lợn; các ổ dịch được xử lý theo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương: 06 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy... lũy kế từ đầu năm là 54 con; 17 con lợn chết do tụ huyết trùng, lợn con phân trắng... lũy kế từ đầu năm là 156 con; 157 con gia cầm các loại chết do bệnh Newcastle, tụ huyết trùng... lũy kế từ đầu năm là 1.728 con.
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tháng 7 tập trung kiểm tra, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ diện tích rừng hiện có. Các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo và đôn đốc thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản và chặt phá rừng trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình vì vậy trong tháng không phát sinh vụ cháy rừng. Tính từ ngày 15/6 đến ngày 14/7/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ chặt phá rừng trái pháp luật với diện tích 0,62 ha tại huyện Hạ Lang.
Ước tính diện tích trồng rừng mới trong tháng là 183,94 ha, giảm 11,36% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm là 1.590,65 ha, giảm 15,17%; sản lượng gỗ khai thác ước tính khoảng 2.243,81 m3, giảm 30,72% so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm là 9.445,52 m3, giảm 36,1%; sản lượng củi khai thác khoảng 71.488,3 ste, tăng 0,66% so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 514.873,43 ste, tăng 0,27%.
3. Thuỷ sản
Trong tháng 7, nuôi trồng và khai thác thủy sản vẫn duy trì ổn định, các hộ gia đình tập trung vào chăm sóc diện tích nuôi trồng và khai thác những diện tích thả gối vụ từ cuối năm 2021. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt còn thấp. Tổng sản lượng thủy sản tháng 7 ước tính đạt 36,09 tấn, giảm 0,14% hay giảm 0,05 tấn so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 281,01 tấn, tăng 2,46% hay tăng 6,75 tấn, trong đó: Sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 9,44 tấn, tăng 2,61% hay tăng 0,24 tấn, lũy kế từ đầu năm đạt 57,04 tấn, tăng 6,2% hay tăng 3,33 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 26,65 tấn, giảm 1,08% hay giảm 0,29 tấn, lũy kế từ đầu năm đạt 223,97 tấn, tăng 1,55% hay tăng 3,42 tấn.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Sản xuất công nghiệp tháng 7/2022 có phần khởi sắc và sôi động hơn so với cùng kỳ năm trước khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 ước tính tăng 36,53%. Tính chung 7 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 21,39% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 7/2022 ước tính giảm 4,7% so với tháng trước và tăng 36,53% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất với mức tăng 83,97% do các đơn vị sản xuất sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác dự kiến tăng sản lượng sản phẩm sản xuất; ngành khai khoáng tăng 35,07%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 23,17%; ngành cung cấp nước, động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,21% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 21,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành sản xuất và phân phối điện tăng 57,22%; ngành khai khoáng tăng 32,27%; ngành chế biến, chế tạo giảm 8,04%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,28%.
Trong 7 tháng năm 2022, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước: điện sản xuất tăng 67,92%; quặng manggan và tinh quặng manggan tăng 51,6%; nước tinh khiết tăng 47,33%; manggan và các sản phẩm của manggan tăng 42,24%; gạch xây tăng 26,81%; điện thương phẩm tăng 15,29%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 75,11%; chiếu trúc, chiếu tre giảm 62%; đá xây dựng giảm 23,34%; cát tự nhiên các loại giảm 22,57%; xi măng giảm 22,48%; sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (phôi thép) giảm 18,9%; sản phẩm in khác giảm 9,55%; nước uống được giảm 2,02%.
III. ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG
Tháng 7 năm 2022 vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước tính đạt 217,55 tỷ đồng, tăng 13,68% so với tháng trước. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 201,75 tỷ đồng, tăng 14,78%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 15,80 tỷ đồng, tăng 1,22% so với tháng trước.
Trong tháng 7 năm 2022 các chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện các công trình được phép kéo dài của năm 2022 và đẩy mạnh đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công có công trình dự án được nhận thầu thực hiện lập hồ sơ và các thủ tục cần thiết hoàn thiện thiết kế, bản vẽ để triển khai thi công theo kế hoạch.
Các dự án chuyển tiếp có khối lượng thực hiện lớn trong tháng bao gồm: Đường tỉnh 208, từ thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An) - xã Cách Linh, Triệu Ẩu (huyện Phục Hòa) - xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (huyện Hạ Lang) - xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh), tỉnh Cao Bằng (Giai đoạn 2); Cấp nước sinh hoạt một số xã vùng cao tỉnh Cao Bằng; Bảo tàng tỉnh Cao Bằng; Đường giao thông quốc lộ 34 xã Phan Thanh khu du lịch Phia Oắc, Phia Đén xã Thành Công - Hưng Đạo; Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Cao Bằng và Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng.
Tính chung 7 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước tính thực hiện được 1.011,33 tỷ đồng, bằng 41,09% kế hoạch năm 2022, tăng 5,50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 932,32 tỷ đồng, tăng 6,15%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 79,01 tỷ đồng, giảm 1,60% so với cùng kỳ năm 2021.
IV. THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ
Tình hình hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ, vận tải, du lịch trên địa bàn tỉnh trong tháng 7 và 7 tháng năm 2022 đang từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, những biến động về giá xăng dầu, giá gas, giá các mặt hàng nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến nhiều ngành dịch vụ trên địa bàn.
1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 năm 2022 ước đạt 754,02 tỷ đồng, tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 23,79% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 620,50 tỷ đồng, tăng 3,69% so với tháng trước và tăng 22,54% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng doanh thu tăng cao so với tháng trước như: lương thực, thực phẩm tăng 5,77%; hàng may mặc tăng 4,85%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,69%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 20,09%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 5,13%; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 5,56%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 7,14%; doanh thu dịch vụ sửa chữa xe máy và xe có động cơ khác tăng 7,30%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 90,58 tỷ đồng, tăng 5,65% so với tháng trước, tăng 36,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước tính đạt 9,47 tỷ đồng, tăng 5,93%; dịch vụ ăn uống ước tính đạt 81,11 tỷ đồng, tăng 5,63% so với tháng trước.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 0,52 tỷ đồng, tăng 6,12% so với tháng trước và tăng 126,09% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đang trong mùa du lịch hè – mùa cao điểm du lịch nội địa. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, tỉnh đã tăng cường triển khai các giải pháp kích cầu du lịch, tập trung truyền thông, quảng bá, xây dựng điểm đến an toàn và hấp dẫn để chào đón, thu hút du khách đến với tỉnh Cao Bằng.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 42,42 tỷ đồng, tăng 5,0% so với tháng trước và tăng 17,18% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.648,49 tỷ đồng, tăng 9,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.872,52 tỷ đồng, tăng 10,31%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 529,48 tỷ đồng, tăng 13,37%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 2,46 tỷ đồng, giảm 1,72%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 244,03 tỷ đồng, giảm 5,29%.
2. Hoạt động xuất nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý tháng 7 năm 2022 ước đạt 58,3 triệu USD giảm 53% so với tháng trước. Trong đó: kim ngạch nhập khẩu đạt 33,6 triệu USD giảm 68%; kim ngạch xuất khẩu đạt 17,3 triệu USD tăng 26%; kim ngạch hàng giám sát, tạm nhập tái xuất đạt 7,4 triệu USD tăng 50% so với tháng trước. Luỹ kế từ đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 478,5 triệu USD tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: hạt điều đạt 8 triệu USD tăng 52% so với tháng trước; hạt tiêu đạt 2,4 triệu USD tăng 69%; gỗ đạt 2,5 triệu USD tăng 47%; kim loại thường khác và sản phẩm đạt 1,7 triệu USD giảm 35%; hàng rau quả đạt 0,117 triệu USD giảm 15% so với tháng trước.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Hàng rau quả đạt 0,394 triệu USD tăng 47% so với tháng trước; Than các loại đạt 2,5 triệu USD tăng 263% so với tháng trước; Vải các loại đạt: 4,2 triệu USD giảm 16% so với tháng trước; Máy móc thiết bị phụ tùng khác đạt 2,5 triệu USD giảm 36% so với tháng trước; Ô tô vận tải đạt 1,4 triệu USD giảm 87% so với tháng trước; ô tô tải tự đổ đạt 15,7 triệu USD giảm 75% so với tháng trước.
3. Hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải tháng 7 năm 2022 ước đạt 27,14 tỷ đồng, tăng 2,28% so với tháng trước và tăng 33,25% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, doanh thu vận tải hành khách tăng 4,8%, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 1,28% và doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 10,21%.
Vận tải hành khách
Ước tính tháng 7 năm 2022 vận chuyển hành khách đạt 84,9 nghìn lượt hành khách, tăng 6,66% so với tháng trước, tăng 5,72% so với cùng kỳ năm trước; ước tính hành khách luân chuyển đạt 5.990,5 nghìn lượt HK.km so với tháng trước tăng 7,23%, tăng 47,04% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách trong 7 tháng năm 2022 ước tính đạt 600,5 nghìn hành khách và đạt 36.485,0 nghìn lượt HK.km, so với cùng kỳ năm trước số hành khách vận chuyển giảm 25,69% và số hành khách luân chuyển giảm 22,44%.
Vận tải hàng hoá
Dự ước vận chuyển hàng hóa tháng 7 năm 2022 đạt 107,2 nghìn tấn hàng hóa và luân chuyển hàng hóa đạt 3.551,4 nghìn tấn.km, so với tháng trước tăng 4,69% hàng hóa vận chuyển và giảm 0,3% hàng hóa luân chuyển.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, vận tải hàng hóa ước tính đạt 707,3 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 39,52%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 22.953,6 nghìn tấn.km, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
V. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
1. Thu chi ngân sách
Hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 7 năm 2022 duy trì tiến độ. Thu ngân sách tăng khá so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu; chi ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo hoạt động chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/7/2022 đạt 2.606.624 triệu đồng, bằng 314% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 615.783 triệu đồng, bằng 87%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 1.986.046 triệu đồng, bằng 1.625%; thu từ các khoản huy động, đóng góp đạt 4.795 triệu đồng.
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/7/2022 đạt 3.077.365 triệu đồng, bằng 89% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi thường xuyên và mục tiêu sự nghiệp đạt 2.704.197 triệu đồng, bằng 91%; chi đầu tư phát triển 370.761 triệu đồng, bằng 78%; chi trả nợ lãi 1.106 triệu đồng, bằng 124% so với cùng kỳ năm trước; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính 1.300 triệu đồng.
2. Hoạt động tín dụng ngân hàng
Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng và nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền… cho các đối tượng khách hàng theo quy định. Nguồn vốn huy động tăng trưởng khá và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vay vốn hợp pháp của các tổ chức và cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh.
Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay duy trì ổn định, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1%-6,99% trên 1 năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên biến động từ 4,5%-11,65%; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7,5%-13% trên 1 năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói tín dụng.
Tổng vốn huy động và quản lý trên địa bàn ước tính đến 31/7/2022 đạt 25.800 tỷ đồng, tăng 2,7 % hay tăng 682 tỷ đồng so đầu năm, trong đó: nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 22.400 tỷ đồng, chiếm 86,8% tổng nguồn vốn và tăng 2,26% hay tăng 494 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 3.400 tỷ đồng, chiếm 13,2% tổng nguồn vốn, tăng 5,88% hay tăng 189 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 31/7/2022 ước đạt 13.645 tỷ đồng, tăng 786 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ xấu 170 tỷ đồng, chiếm 1,26% tổng dư nợ.
Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thanh khoản tốt, tỷ giá ngoại tệ diễn biến linh hoạt theo biến động của thị trường; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước; các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng. Từ đầu năm đến nay, giá vàng có xu hướng tăng, giảm theo biến động của thị trường, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao.
VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Hiện nay tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự xã hội, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chủ động kiểm soát nguy cơ dịch bệnh đảm bảo linh hoạt, hiệu quả; phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra.
Luỹ tích từ ngày 04/02/2020 đến ngày 13/7/2022, tỉnh Cao Bằng xét nghiệm sàng lọc Covid-19 được 565.525 mẫu, trong đó có 95.677 mẫu dương tính. Tính đến 17h00 ngày 13/7/2022, có 04 trường hợp bệnh đang được cách ly điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh, 37 trường hợp bệnh không có triệu chứng đang được cách ly, điều trị tại nhà, khỏi bệnh 95.574 người, chuyển tuyến trung ương 03 người và tử vong 59 người.
Tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Lũy tích số mũi tiêm đã thực hiện từ ngày 16/4/2021 đến ngày 13/7/2022 là 1.167.928 mũi.
Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: Trong tháng ghi nhận một số bệnh lưu hành như: Adeno 55 ca; Cúm 448 ca; Quai bị 01 ca; Thủy đậu 01 ca; Tiêu chảy 269 ca; Viêm gan vi rút khác 03 ca; 13 trường hợp Tay chân miệng; 03 trường hợp Rubella; 01 trường hợp Viêm gan B; 01 trường hợp Sốt xuất huyết dương tính xâm nhập tại Thành phố Cao Bằng; 01 trường hợp Uốn ván sơ sinh tại huyện Bảo Lạc.
Trong tháng phát hiện 7 trường hợp nhiễm HIV mới, không có trường hợp mới chuyển AIDS. Số trường hợp đang điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tính đến tháng 7/2022 là 2.055 người.
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong tháng 7 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 02 người mắc, 01 người đi viện, 01 người tử vong, địa điểm xảy ra ngộ độc tại xóm Bản Chang, xã Dân Chủ, huyện Hòa An. Nguyên nhân do uống rượu ngâm rễ cây rừng. Kết quả kiểm nghiệm sàng lọc chất có nguy cơ phát hiện Gelsemine và Koumine trong mẫu rượu ngâm rễ cây và mẫu rễ cây ngâm, đây là độc chất thường có trong cây lá ngón.
2. Giáo dục
Tiếp tục thực hiện rà soát, quy hoạch hệ thống trường, lớp học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.
Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 và thi tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022, bảo đảm các quy định phòng, chống dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra vào ngày 7 - 8/7/2022. Cùng với cả nước, các thí sinh của tỉnh đã hoàn thành kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Toàn tỉnh có 5.042 thí sinh dự thi trên tổng số 5.086 thí sinh đăng ký dự thi (5 thí sinh chỉ nộp học bạ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng mà không tham gia thi), đạt tỷ lệ 99,23%, trong số 39 thí sinh vắng thi, có 14 trường hợp được miễn thi. Là tỉnh miền núi địa hình chia cắt mạnh, ngoài 13 điểm thi tại trung tâm các huyện, thành phố; tỉnh bố trí 8 điểm thi tại các vùng có điều kiện địa lý khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi.
3. Tình hình trật tự, an toàn giao thông
Từ ngày 15/6/2022 đến ngày 14/7/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 02 người chết, 01 người bị thương. So với tháng trước tai nạn giao thông tăng 01 vụ, tăng 02 người chết; so với cùng kỳ năm trước giảm 01 vụ, giảm 03 người bị thương, tăng 01 người chết.
4. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/6/2022 đến ngày 14/7/2022 lực lượng chức năng phát hiện 08 vụ vi phạm môi trường, xử lý hành chính 04 vụ với số tiền xử phạt 24 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ vi phạm môi trường đã phát hiện giảm 09 vụ, giảm 09 vụ vi phạm môi trường đã xử lý.
Về tình hình cháy, nổ: Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra cháy, nổ.
5. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng 7 năm 2022 xảy ra 3 vụ thiên tai do mưa lớn, lũ, ngập lụt và lốc, sét làm 04 người chết do lũ cuốn trôi tại huyện Bảo Lâm; 113 nhà bị hư hại, 16,43 ha lúa và 61,42 ha hoa màu bị thiệt hại, 2 con gia súc và 45 con gia cầm bị chết, cuốn trôi và một số thiệt hại khác như: làm sạt lở, xói mòn các công trình giao thông, hư hỏng công trình thủy lợi… Tổng giá trị thiệt hại ước tính 1.700 triệu đồng. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền, các cơ quan đoàn thể và nhân dân đã hỗ trợ 162,6 triệu đồng để giúp đỡ, ủng hộ người dân bị thiệt hại.