Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý I năm 2022

Thứ sáu - 25/03/2022 10:05
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 được dự báo giảm so với các dự báo đã đưa ra trước đó. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định cuộc xung đột giữa Nga và U-cờ-rai-na đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc kinh tế nghiêm trọng làm tăng trưởng toàn cầu có thể giảm hơn 1 điểm phần trăm trong năm 2022, từ mức dự báo 4,5% đưa ra vào tháng 12/2021. Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 4,1% năm 2022 trong khi con số này của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 4,4%. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 vẫn có thể là mối nguy cơ tiếp tục tiềm ẩn những rủi ro đối với hoạt động kinh tế và thương mại. Đại dịch có thể tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung, làm tăng lạm phát, gia tăng áp lực thắt chặt hơn của chính sách tiền tệ ở nhiều nền kinh tế. Sự phục hồi các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi cũng có thể bị ảnh hưởng do thiên tai và các sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu. 
Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, nền kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trước đại dịch là 6,5% trong năm 2022, nhờ tiến độ tiêm chủng nhanh chóng, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một số động lực chính của tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau như: đại dịch vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và trên phạm vi toàn quốc; doanh thu bán lẻ tiếp tục giảm cho thấy sức cầu yếu và phục hồi chậm; nguồn thu ngân sách nhà nước không bền vững trong bối cảnh chi tiêu tăng lên, dẫn đến thâm hụt tài khóa cao hơn; giải ngân vốn đầu tư công chậm; một số trở ngại đối với doanh nghiệp; và tái cơ cấu nền kinh tế bị trì hoãn và sự gia tăng các khoản cho vay kém hiệu quả.
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 duy trì ổn định. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chủ động quyết liệt trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2022, tạo khí thế, động lực để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao trong năm 2022.
I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa kèm rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều địa phương xuất hiện băng giá và sương muối làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi phát triển bình thường, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã được khống chế; sản xuất lâm nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước; thủy sản phát triển ổn định.  
1. Nông nghiệp
Cây hàng năm
Trong tháng, thời tiết tương đối thuận lợi mưa, nắng xen kẽ tạo điều kiện cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng; bên cạnh đó bà con nông dân đang đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa đông xuân, đồng thời tiếp tục gieo trồng, làm cỏ, vun xới, bón phân cho các loại hoa màu khác như ngô, lạc, đậu tương...  
Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, trong quý I các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng và đơn vị kinh doanh trên địa bàn thực hiện kế hoạch cung ứng các loại giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và các điều kiện cần thiết để phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp với đất đai và thời tiết đảm bảo kế hoạch mùa vụ. Tính đến ngày 15 tháng 3 năm 2022, tiến độ gieo trồng các loại cây như sau: 
Cây lúa trồng được 643 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 26,09% hay giảm 227 ha, tiến độ gieo trồng giảm do đến thời vụ gặp thời tiết mưa nhiều kèm theo nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm ảnh hưởng đến khâu gieo mạ. Cây ngô trồng được 15.200 ha, giảm 11,98% hay giảm 2.069 ha; diện tích ngô giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước do khâu làm đất không thuận lợi, một số diện tích đã trồng xong do rét đậm, rét hại kéo dài không phát triển được nên phải gieo trồng lại. Cây thuốc lá trồng được 3.264 ha, tăng 6,88% hay tăng 210 ha so với cùng kỳ năm trước, hiện nay bà con nông dân đang tiếp tục chăm sóc, cây sinh trưởng và phát triển tốt; cây khoai lang trồng được 50 ha, giảm 18,03% hay giảm 11 ha; cây mía trồng được 477 ha, giảm 0,83% hay giảm 4 ha; cây đậu tương trồng được 555 ha, giảm 0,18% hay giảm 1 ha; cây lạc trồng được 120 ha, giảm 33,7% hay giảm 61 ha; rau các loại trồng được 1.200 ha, tăng 14,94% hay tăng 156 ha.
Cây lâu năm
Trong tháng, các hộ gia đình tiếp tục thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường; đồng thời đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc các loại cây vừa thu hoạch xong và trồng mới một số diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn như bưởi, mít, na, xoài, mận, quýt, lê… Cây ăn quả của địa phương đa số là được trồng phân tán, chỉ mang tính chất phục vụ gia đình và thị trường nhỏ lẻ tại địa phương. Ước tính trong quý, sản lượng thu hoạch một số cây trồng đạt được như sau: Cây chuối thu hoạch đạt 773 tấn, tăng 82 tấn so với cùng kỳ năm trước; cây dứa thu hoạch đạt 51 tấn, tăng 3 tấn; cây cam thu hoạch đạt 310 tấn, giảm 41 tấn...
Tình hình dịch bệnh trên cây trồng 
Trong quý, thời tiết mưa ẩm và kèm theo nhiều đợt sương muối tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh và gây hại trên cây trồng như: Cây thuốc lá bị bệnh khảm lá virus; cây ngô bị sâu xám, sâu gai, sâu keo mùa thu; cây rau, đậu các loại bị bệnh rệp, sâu xanh, sâu khoang, bệnh sương mai, sâu tơ, thối nhũn… gây hại nhẹ. Trên cây ăn quả bị nhiễm bệnh rệp muội, rệp sáp, ruồi đục quả, bọ xít, bệnh chảy gôm, bệnh greening, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng… gây hại nhẹ. Các ngành chức năng theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại trên cây trồng và kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng. 
Chăn nuôi 
Tình hình chăn nuôi trong quý I năm 2022 phát triển bình thường, đàn gia súc, gia cầm được người dân thường xuyên quan tâm, chăm sóc; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã được khống chế, dịch tả lợn Châu Phi vẫn xảy ra tại một số địa phương. Công tác thú y trên địa bàn tỉnh thường xuyên được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, chủ động tiêm phòng gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý chặt chẽ, thường xuyên nhằm khống chế các dịch bệnh lây lan. Các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi được tuyên truyền và hướng dẫn sâu, rộng đến từng hộ chăn nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra. 
Tổng đàn trâu ước tính 101.669 con, giảm 0,18% hay 180 con so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò ước tính 107.759 con, giảm 0,06% hay giảm 62 con so với cùng kỳ năm trước; đàn trâu, bò giảm nhưng không đáng kể. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 542,2 tấn, tăng 8,25% hay tăng 41,3 tấn so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 573,67 tấn, giảm 1,38% hay giảm 8,02 tấn so với cùng kỳ năm trước. 
Tổng đàn lợn ước tính 300.093 con, tăng 5,77% hay tăng 16.374 con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 7.033,53 tấn, giảm 1,47% hay giảm 104,83 tấn so với cùng kỳ năm 2021. 
Tổng đàn gia cầm ước tính 2.928,54 nghìn con, giảm 0,14% hay giảm 4,08 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 1.819 tấn, giảm 2,26% hay giảm 42 tấn; sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 7.330 nghìn quả, giảm 2,75% hay giảm 207 nghìn quả so cùng kỳ năm trước. 
Tính từ đầu năm đến ngày 14/3/2022, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra rải rác ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, làm mắc và buộc tiêu hủy 405 con lợn tại các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Thạch An, Hà Quảng... (riêng tháng 3 làm mắc và buộc tiêu hủy 77 con). Các ngành chức năng phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương: 20 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi... (riêng tháng 3 chết 08 con trâu, bò); 69 con lợn chết do bệnh dịch tả, tụ huyết trùng... (riêng tháng 3 chết 16 con); 861 con gia cầm các loại chết do bệnh Niucatxơn, tụ huyết trùng... (riêng tháng 3 chết 285 con).
2. Lâm nghiệp
Trong tháng sản xuất lâm nghiệp tập trung kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các hộ gia đình có diện tích rừng được giao khoán, bảo vệ thường xuyên chăm sóc, phát quang và chặt tỉa… Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng địa phương. 
Tính chung quý I năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung toàn tỉnh ước tính đạt 76,82 ha, giảm 39,9% so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu được trồng trong tháng 3. Sản lượng gỗ khai thác ước tính đạt 2.158,24 m³, giảm 65,93% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác ước tính đạt 223.861,83 Ster, tăng 0,52% so với cùng kỳ năm trước. Số cây lâm nghiệp phân tán trồng được khoảng 147,05 nghìn cây, chủ yếu là keo, lát, sa mộc, thông, xoan… trong đó: 31,28 nghìn cây trồng được do hưởng ứng hoạt động Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần 2022 của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.  
Trong quý, toàn tỉnh có 11,49 ha diện tích rừng bị thiệt hại bao gồm: 3,72 ha do cháy rừng tại huyện Hòa An; 7,77 ha do chặt phá rừng tại các huyện Hòa An, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Thạch An và Thành phố Cao Bằng.
3. Thuỷ sản
Sản xuất thủy sản tháng 3 phát triển ổn định, các hộ nuôi trồng thủy sản đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các loại thuỷ sản để cải tạo, tu sửa hệ thống ao, hồ kịp thời thả giống cho vụ mới. Việc khai thác các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt còn thấp do người dân dùng những phương tiện thô sơ để đánh bắt phục vụ gia đình, sản lượng trao đổi trên thị trường ít. 
Trong quý I, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 149,57 tấn, tăng 3,7% hay tăng 5,34 tấn so với quý I/2021 (riêng tháng 3 ước tính đạt 27,18 tấn) trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 133,47 tấn, tăng 3,82% hay tăng 4,91 tấn so với cùng kỳ (riêng tháng 3 ước tính đạt 21,97 tấn); sản lượng thu được từ khai thác 16,1 tấn, tăng 2,74% hay tăng 0,43 tấn so cùng kỳ năm trước (riêng tháng 3 ước tính đạt 5,21 tấn). 
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP 
Sản xuất công nghiệp tháng 3 và quý I năm 2022 ước tính tăng so với cùng kỳ năm trước, số tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện; ngành khai khoáng, ngành chế biến, chế tạo và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải hoạt động ổn định.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 3/2022 ước tính giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 11,35% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 25,04%; ngành chế biến, chế tạo tăng 20,95%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,81%; riêng ngành khai khoáng giảm 22,06%. 
Tính chung quý I năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,68% so với cùng kỳ năm trước, số tăng chủ yếu là ngành sản xuất phân phối điện và ngành khai khoáng. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 54,39% do các nhà máy thủy điện thuộc Công ty cổ phần năng lượng Bảo Lâm đi vào sản xuất ổn định, sản lượng tăng so với cùng kỳ; ngành khai khoáng tăng 31,21% do một số đơn vị đã được cấp phép khai thác trở lại; ngành chế biến, chế tạo giảm 3,56%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,13%.
Các sản phẩm sản xuất trong quý I năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021: manggan và các sản phẩm của manggan tăng 195,81%; điện sản xuất tăng 87,17%; quặng manggan và tinh quặng manggan tăng 55,71%; nước tinh khiết tăng 17,34%; sản phẩm in khác tăng 3,67%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt thép giảm 75,8%; chiếu trúc, chiếu tre giảm 66,85%; cát tự nhiên các loại giảm 42,79%; xi măng giảm 36,67%; đá xây dựng giảm 18,81%; sắt, thép không hợp kim giảm 16,59%; gạch xây giảm 7,12%; đường giảm 2,36%...
III. HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP
Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và cú sốc kinh tế toàn cầu làm cho giá cả các mặt hàng leo thang. Trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh kinh doanh và rút lui khỏi thị trường tăng lên đáng kể. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II/2022 với 68,42% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.
1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 
Từ ngày 19/02/2022-17/3/2022 có 16 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 52,8 tỷ đồng, tăng 77% về số doanh nghiệp và bằng tổng số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021; đăng ký hoạt động cho 08 đơn vị trực thuộc. Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp là 3,3 tỷ đồng. 
Từ đầu năm đến ngày 17/3/2022, có 40 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 141,4 tỷ đồng, tăng 33,3% về số doanh nghiệp và bằng tổng số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021; đăng ký hoạt động cho 16 đơn vị trực thuộc. Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp là 3,6 tỷ đồng. Ngoài ra, 27 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 52 doanh nghiệp và 13 đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng kinh doanh; 6 doanh nghiệp và 20 đơn vị trực thuộc giải thể tự nguyện; 10 doanh nghiệp thông báo giải thể tự nguyện.
2. Xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Về tình hình sản xuất kinh doanh, có 47,37% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2022 khó khăn hơn quý IV/2021; 52,63% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn. Dự kiến quý II/2022 so với quý I/2022, có 68,42% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ ổn định và tốt lên; 31,58% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. 
Về khối lượng sản xuất, có 47,37% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý I/2022 giảm so với quý IV/2021; 52,63% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và tăng. Xu hướng quý II/2022 so với quý I/2022, có 63,16% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng và ổn định; 36,84% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Về đơn đặt hàng, có 42,11% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý I/2022 giảm so với quý IV/2021; 57,89% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và tăng. Xu hướng quý II/2022 so với quý I/2022, 10,53% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 36,84% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 52,63% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.
Về giá bán bình quân, có 31,58% số doanh nghiệp có giá bán bình quân quý I/2022 tăng so với quý IV/2021; 68,42% số doanh nghiệp có giá bán bình quân ổn định. Xu hướng quý II/2022 so với quý I/2021, 36,84% số doanh nghiệp dự kiến giá bán bình quân tăng; 63,16% số doanh nghiệp giữ nguyên giá bán.
IV. VỐN ĐẦU TƯ 
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2022 đạt thấp hơn nhiều so với quý trước và giảm 11,12% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư giảm ở khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, tăng ở khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tuy nhiên khu vực này chiếm tỷ trọng rất nhỏ, không đáng kể trong tổng số vốn.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2022 theo giá hiện hành ước thực hiện được 1.201,99 tỷ đồng, bằng 41,3% so với quý trước và giảm 11,12% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt thấp do dịp Tết Nguyên đán công nhân nghỉ dài ngày, đồng thời do dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh đã làm gián đoạn nhiều hoạt động của các tổ chức doanh nghiệp, nhà nước và dân cư, vì vậy ảnh hưởng đến thời gian và tiến độ thi công các công trình.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2022 theo giá hiện hành bao gồm: Vốn đầu tư khu vực Nhà nước 729,74 tỷ đồng, giảm 7,51% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 472,16 tỷ đồng, giảm 16,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 0,09 tỷ đồng, tăng 139,47%.
Trong 322,38 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước có 319,38 tỷ đồng vốn địa phương quản lý, giảm 8,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 296,22 tỷ đồng, giảm 8,65%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 23,16 tỷ đồng giảm 18,37%.
Trong quý I năm 2022, tình hình thực hiện vốn khu vực Nhà nước tại tỉnh chủ yếu tiếp tục thi công các công trình chuyển tiếp và tập trung hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư các công trình mới theo kế hoạch vốn năm 2022. 
Một số dự án đầu tư công lớn được được thực hiện trong quý I: Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng; Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Cao Bằng; Kè sạt lở, ổn định dân cư bờ Trái Sông Bằng - TP Cao Bằng; Khu tái định cư phục vụ GPMB khu cửa khẩu Trà Lĩnh; Ổn định dân cư biên giới xóm Lũng Mần và cụm dân cư Lũng Rịa xã Đức Hạnh, Bảo Lâm; Đường quốc lộ 34 xã Phan Thanh, khu du lịch Phia Oắc, Phia Đén huyện Nguyên Bình.
V. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ
Tháng 3 năm 2022, các ngành hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã dần hồi phục, doanh thu ước đạt cao hơn so với tháng trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tính chung quý I năm 2022 doanh thu các ngành đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2022 đạt 595,45 tỷ đồng, tăng 9,58% so với tháng trước, tăng 6,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 496,11 tỷ đồng, tăng 5,48%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 67,58 tỷ đồng, tăng 19,21%; du lịch lữ hành ước đạt 0,28 tỷ đồng tăng 9,38%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 31,48 tỷ đồng, giảm 6,65% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính quý I năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.750,28 tỷ đồng, giảm 4,44% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động:
  Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 1.470,98 tỷ đồng, giảm 3,09% so với cùng kỳ năm trước. Đa số các nhóm ngành hàng doanh thu giảm so với cùng kỳ, chỉ có 04 nhóm doanh thu tăng. 
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 189,17 tỷ đồng, giảm 6,65% so với cùng kỳ năm trước (doanh thu lưu trú giảm 30,83%; doanh thu ăn uống giảm 4,05%). Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước tính đạt 0,64 tỷ đồng, giảm 47,91%. Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh thu giảm so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước tính đạt 89,49 tỷ đồng, giảm 18,51% so với cùng kỳ năm trước.
2. Hoạt động xuất, nhập khẩu 
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý từ đầu năm đến ngày 15/3/2022 ước tính đạt 63 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10% so với chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,2 triệu USD, giảm 81%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 32,1 triệu USD, tăng 116%; kim ngạch hàng giám sát, tạm nhập tái xuất đạt 19,7 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước.
3. Hoạt động vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Dự ước doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi quý I năm 2022 đạt 70,01 tỷ đồng, giảm 12,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu từ hoạt động vận tải hành khách đạt 16,79 tỷ đồng, giảm 14,16%; doanh thu từ hoạt động vận tải hàng hóa đạt 44,74 tỷ đồng, giảm 22,17%; doanh thu từ dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 8,48 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Vận tải hành khách
Vận tải hành khách tháng 3/2022 ước tính đạt 92,6 nghìn hành khách, giảm 0,11% so với tháng trước; hành khách luân chuyển đạt 5.257,9 nghìn lượt HK.Km, giảm 3,26%. Trong quý I năm 2022, vận tải hành khách ước tính đạt 301,7 nghìn hành khách và đạt 19.909,5 nghìn lượt HK.Km, so với cùng kỳ năm trước giảm 29,24% số hành khách vận chuyển và giảm 21,09% số hành khách luân chuyển. 
Vận tải hàng hoá 
Ước tính vận tải hàng hóa tháng 3/2022 đạt 86,9 nghìn tấn và đạt 2.678,7 nghìn tấn.km, so với tháng trước tăng 24,68% hàng hóa vận chuyển và tăng 14,96% hàng hóa luân chuyển. Sau thời gian nghỉ tết, các đơn vị thi công, các cơ sở sản xuất đã hoạt động trở lại nên các cơ sở vận tải có nhiều nguồn hàng vận chuyển.
Vận tải hàng hóa trong quý I ước tính đạt 268,8 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 59,7%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 8.047,4 nghìn tấn.km, giảm 25,43% so với cùng kỳ năm trước.
VI. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
1. Thu chi ngân sách Nhà nước 
Hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn quý I năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách tăng khá so với cùng kỳ năm trước, các giải pháp tăng thu được triển khai đồng bộ để tăng thu theo kế hoạch giao; chi ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến 15/3/2022 đạt 382.189 triệu đồng, bằng 131% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 223.337 triệu đồng, bằng 87% so với cùng kỳ năm trước; cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 158.352 triệu đồng, bằng 480% so với cùng kỳ năm trước; thu các khoản huy động, đóng góp 500 triệu đồng. 
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến 15/3/2022 đạt 903.860 triệu đồng, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 19.201 triệu đồng, bằng 16% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên và mục tiêu sự nghiệp đạt 884.640 triệu đồng, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước; chi trả nợ lãi 39 triệu đồng.  
2. Hoạt động tín dụng ngân hàng 
Hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, thông suốt, cung ứng đầy đủ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; đáp ứng mọi nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền, vay vốn… cho các đối tượng khách hàng đáp ứng đủ điều kiện, đúng quy định. Nhiều chương trình, chính sách tín dụng được các ngân hàng triển khai với lãi suất ưu đãi, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; đồng thời hỗ trợ, đồng hành cùng với khách hàng vượt qua khó khăn do dịch Covid -19 gây ra để duy trì sản xuất kinh doanh. 
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì ổn định, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1%-6,99% trên 1 năm, lãi suất tiền gửi online cao hơn tại quầy giao dịch từ 0,2-0,4% trên 1 năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên biến động từ 4,5%-12%; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7,6%-13% trên 1 năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói. 
Tổng vốn quản lý và huy động trên địa bàn ước tính đến 31/3/2022 đạt 25.290 tỷ đồng, tăng 0,68% hay tăng 172 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 22.105 tỷ đồng, tăng 0,91% hay tăng 199 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 3.185 tỷ đồng, giảm 0,84% hay giảm 27 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 31/3/2022 ước đạt 12.780 tỷ đồng, giảm 0,61% hay giảm 79 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ xấu 120 tỷ đồng, chiếm 0,94% tổng dư nợ.  
Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thanh khoản tốt, tỷ giá ngoại tệ diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Tính đến ngày 14/3/2022 tỷ giá trung tâm ở mức 23.178 VND/USD, tăng 0,14% so với đầu năm. 
Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng. Từ đầu năm đến nay, giá vàng có xu hướng tăng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao. 
VII. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội
Tình hình đời sống các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng quý I năm 2022 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn cơ bản ổn định. Trong những tháng đầu năm, nhân dân tập trung sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh đã gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách ổn định. Đời sống dân cư ở khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn do một số mặt hàng như: phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... đều tăng giá. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng như xăng dầu, ga... tăng cũng đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong tỉnh.
Trong dịp Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã thành lập các đoàn đi thăm, chúc tết và tặng 16.725 suất quà cho các hộ nghèo với số tiền 8.751,8 triệu đồng; tặng quà cho người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác với số tiền 6.115,7 triệu đồng; tặng quà cho các đối tượng người có công và thân nhân người có công là 19.860 suất quà với tổng số tiền 8.177,8 triệu đồng.
 Công tác cấp phát gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán đã thực hiện kịp thời: Đã cấp phát 624.660 kg gạo cứu đói tết cho 10.421 hộ với 41.644 nhân khẩu.
Cấp BHYT/sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng là 356.571 thẻ.
Thực hiện Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách, tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 116 nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với số tiền 3.710 triệu đồng.
2. Tình hình giáo dục đào tạo
Ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong toàn ngành, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các trường học và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 chất lượng, hiệu quả. 
Chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác coi thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022. Rà soát, hướng dẫn đăng ký trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022. Xây dựng kế hoạch Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025.
3. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp với số ca mắc có xu hướng tăng. Ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tập trung mọi nguồn lực để tổ chức, triển khai thần tốc tiêm vắc xin và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo các biện pháp y tế phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ.
Từ ngày 05/11/2021 đến 17h00 ngày 21/3/2022, tỉnh Cao Bằng ghi nhận 60.654 trường hợp mắc Covid-19, 37 trường hợp mắc covid-19 tử vong. Về hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện tính từ ngày 16/4/2021 đến ngày 13/3/2022 là 962.529 mũi.
Các bệnh truyền nhiễm khác có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước: Ghi nhận bệnh do Adeno vi rút 126 ca mắc, giảm 10 ca; Cúm thường 1.815 ca mắc, giảm 774 ca; Quai bị 22 ca mắc, giảm 01 ca; Thủy đậu 44 ca mắc giảm 157 ca; Tiêu chảy 1.093 ca mắc, giảm 235 ca. Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời, không có tử vong.
Phát hiện 06 trường hợp nhiễm mới HIV, trong đó 01 trường hợp là người ngoại tỉnh, không có người nhiễm HIV/AIDS tử vong, không có trường hợp mới chuyển AIDS.
Trong quý, trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
4. Hoạt động văn hóa, thể thao
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện tiêu biểu của tỉnh: Kỷ niệm 81 năm ngày Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941-28/01/2022), Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/02/1930-3/02/2022) và mừng Xuân Nhâm Dần 2022.
Chuẩn bị tổ chức Lễ phát động Tháng hoạt động thể dục thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân cấp tỉnh năm 2022. Tổ chức giải Quần vợt tỉnh Cao Bằng tranh cúp Ngôi sao xanh; phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao, Vụ Thể thao thành tích cao I tổ chức giải Vô địch các Câu lạc bộ Pencak Silat quốc gia năm 2022 tại tỉnh Cao Bằng.
Công tác đào tạo, thi đấu thể thao và nghệ thuật: Thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện và giảng dạy các đội tuyển theo kế hoạch đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Thực hiện công tác tuyển sinh các chỉ tiêu bổ sung, chỉ tiêu mới trong năm 2022. Tổ chức thi kiểm tra định kỳ các đội tuyển và tổng hợp kết quả thi theo kế hoạch. Xây dựng kế hoạch giảng dạy, chương trình đào tạo khung, quy trình kiểm tra tuyển chọn các đội tuyển năm 2022.
Thành lập đoàn vận động viên tham gia thi đấu các giải thể thao đạt thành tích: Giải vô địch Wushu các đội mạnh quốc gia đạt 01 huy chương bạc, 01 vận động viên đạt đẳng cấp kiện tướng quốc gia năm 2022; Giải Vô địch các Câu lạc bộ Pencak Silat quốc gia đạt 01 huy chương vàng, 03 huy chương bạc, 12 huy chương đồng; Giải Cúp các Câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao quốc gia đạt 04 huy chương vàng, 15 huy chương bạc và 11 huy chương đồng; Giải cờ vua thiếu nhi Thừa thiên Huế mở rộng năm 2022 theo hình thức trực tuyến.
5. Tình hình trật tự, an toàn xã hội
Tình hình an toàn giao thông
Từ ngày 15/2/2022 đến ngày 14/3/2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 01 người chết, 07 người bị thương, ước tính thiệt hại tài sản khoảng 1.298,5 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm, tổng số vụ tai nạn giao thông là 15 vụ (giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm chết 09 người (không tăng, không giảm), bị thương 18 người (giảm 04 người), thiệt hại tài sản ước tính 1.760 triệu đồng. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy tắc, quy định về giao thông đường bộ.
Tình hình an toàn cháy, nổ
Trong tháng 3 năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ cháy, nổ xảy ra. Trong quý I, xảy ra 03 vụ cháy, tổng giá trị thiệt hại ước tính 740 triệu đồng.
Vi phạm môi trường
Trong tháng phát hiện 9 vụ vi phạm môi trường, xử lý 8 vụ, phạt tiền 551 triệu đồng, so với tháng trước số vụ vi phạm môi trường đã phát hiện giảm 03 vụ, số vụ xử lý tăng 02 vụ. Tính chung quý I, số vụ vi phạm môi trường là 53 vụ, xử lý 30 vụ với số tiền xử phạt là 896 triệu đồng.
6. Tình hình thiệt hại do thiên tai
Trong quý I năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 05 vụ thiên tai do rét đậm, rét hại, mưa lớn ngập lụt, sạt lở lún đất. Thiên tai đã làm chết 1.057 con gia súc, 11,5 ha lúa và hoa màu bị hư hại, các thiệt hại khác như đường giao thông bị sạt lở, đổ cột điện hạ thế... Ước tính giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 11.836 triệu đồng.

Tác giả bài viết: Phòng Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây