Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022

Thứ ba - 25/01/2022 09:04
 I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
   1. Nông nghiệp
   Trồng trọt
   Cây hàng năm
   Sản xuất nông nghiệp trong tháng 01 tập trung chủ yếu vào cày ải làm đất chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới; một số vùng bà con nông dân tranh thủ thu hoạch mía nguyên liệu, khoai lang, sắn và các loại rau xanh. 
   Thời tiết trong tháng rét đậm, khô hạn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng vụ đông xuân. Tính đến ngày 15/01 diện tích gieo trồng một số cây vụ đông xuân ước đạt được như sau: cây thuốc lá trồng được 2.297,5 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 131,44% hay tăng 1.304,8 ha, thời điểm này cây đang trong giai đoạn hồi xanh, bà con tiếp tục trồng và chăm sóc để đảm bảo kế hoạch mùa vụ; Cây ngô trồng được 3,2 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 95,63% hay giảm 70,1 ha; cây mía trồng được 85 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 69,64% hay giảm 195 ha do trùng vào tháng Tết Nguyên đán nên người dân đang tập trung vào thu hoạch và sản xuất sản phẩm, sang tháng 02 mới bắt đầu trồng; cây khoai lang trồng được 104,95 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,95% hay tăng 34,95 ha; rau các loại trồng được khoảng 482,5 ha, tăng 22,79% hay tăng 89,55 ha so với cùng kỳ năm trước do bà con mở rộng diện tích trồng rau theo mô hình.
   Để phục vụ sản xuất vụ đông xuân và vụ mùa năm 2022 có hiệu quả, ngay từ những tháng đầu năm các ngành, các địa phương chủ động lập kế hoạch cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầy đủ và kịp thời đến bà con nông dân theo kế hoạch từng vụ. Bên cạnh đó, những hạng mục công trình thủy lợi đã và đang được quan tâm tu sửa, xử lý những vị trí xung yếu đảm bảo cung cấp đủ nước 100% diện tích gieo cấy vùng đồng bằng và có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, cung cấp đủ nước theo giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. 
   Cây lâu năm
   Trong tháng, các hộ gia đình tập trung thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường như cam, quýt, chuối, đu đủ, dứa, chanh, táo, bưởi… Đồng thời đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc một số cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng suất thấp và trồng mới các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn như bưởi, mít, na, xoài, mận… Cây ăn quả của địa phương chủ yếu là được trồng phân tán, phần lớn chỉ phục vụ cho gia đình, khối lượng sản phẩm trao đổi trên thị trường không nhiều.
   Tình hình sâu bệnh hại cây trồng
   Trong tháng, thời tiết khô hanh và kèm theo nhiều đợt rét kéo dài tạo điều kiện cho sâu, bệnh phát sinh trên cây trồng. Cây rau bị bệnh sâu xanh, sâu tơ; bệnh sương mai, rệp,… gây hại trên cây thuốc lá. 
   Chăn nuôi 
   Tình hình chăn nuôi trong tháng phát triển bình thường, công tác thú y trên địa bàn tỉnh thường xuyên được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, chủ động tiêm phòng gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý thường xuyên, chặt chẽ nhằm khống chế các dịch bệnh lây lan, thực hiện vùng an toàn dịch bệnh... Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra. Trong tháng bệnh Tụ huyết trùng và bệnh khác như tiêu chảy, phân trắng xảy ra rải rác tại các huyện (làm 52 con trâu, bò bị mắc bệnh và chết 05 con). Dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng giảm, tổng số mắc và tiêu hủy tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 17/01/2022 là 35 con lợn với trọng lượng là 1,324 tấn tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Quảng Hòa. Các bệnh thông thường như Tụ huyết trùng gây mắc 56 con lợn, chết 32 con xảy ra rải rác ở một số huyện, thành phố tuy nhiên vẫn được kiểm soát tốt. Hiện tại, ngành Thú y đang kết hợp với chính quyền địa phương các cấp triển khai rà soát số lượng và lập kế hoạch tiêm phòng vac xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2022.
   Tổng đàn trâu ước tính 101.865 con, tăng 0,16% hay tăng 160 con so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò ước tính 107.620 con, tăng 0,38% hay tăng 405 con so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn lợn ước tính 305.899 con, tăng 6,43% hay tăng 18.470 con, đàn lợn tăng so với cùng kỳ năm trước do dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát tốt và có chiều hướng giảm so với những tháng trước. Tổng đàn gia cầm ước tính có 2.935,45 nghìn con, tăng 2,1% hay tăng 60,25 nghìn con so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm tăng nhanh do có thị trường tiêu thụ, không có dịch bệnh lớn xảy ra nên người chăn nuôi yên tâm mở rộng quy mô đàn.
   Ước tính sản lượng thịt xuất chuồng tháng 01/2022: Thịt trâu 190,47 tấn, tăng 6,44%; thịt bò 194,67 tấn, tăng 2,80%; thịt lợn 2.254,62 tấn, tăng 15,25%; thịt gia cầm hơi các loại 534,69 tấn, tăng 0,83% so cùng kỳ năm trước.
    2. Lâm nghiệp 
   Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có; chuẩn bị mặt bằng, ươm và chăm sóc cây giống phục vụ Tết trồng cây xuân Nhâm Dần. Bên cạnh đó, các chủ rừng có diện tích rừng được giao khoán bảo vệ thường xuyên chăm sóc, phát quang và chặt tỉa… một số chủ rừng chuẩn bị cho công tác trồng dặm, trồng bổ sung một số diện tích rừng trồng khai thác từ năm trước. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng trong mùa khô được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình. Tuy nhiên, trong tháng xảy ra 05 vụ chặt phá rừng với diện tích 0,99 ha tại các huyện Quảng Hòa và Nguyên Bình.
   Ước tính sản lượng gỗ khai thác tháng 01 năm 2022 đạt 999,3 m³, bằng 73,80% so cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác 74.805,32 ste, bằng 99,98% so với cùng kỳ năm trước.
   3. Thuỷ sản 
   Trong tháng 01, các hộ nuôi trồng tiếp tục thu hoạch và có kế hoạch dự trữ các sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng đảm bảo nguồn cung đáp ứng cho thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh thu hoạch sản phẩm, nhiều hộ triển khai cải tạo, tu sửa hệ thống ao, hồ để thả giống cho vụ mới trong năm 2022. Khai thác thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì khá tốt.     Ước tính trong tháng thu được từ nuôi trồng là 62,97 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,11% hay tăng 0,69 tấn. Do những năm gần đây việc nuôi cá lồng trên sông, suối, hồ được người dân đầu tư, chú trọng phát triển.
   II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP 
   Nhìn chung, tháng 01 năm 2022 các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất nhưng một số doanh nghiệp lớn vẫn sản xuất ổn định. Là tháng Tết Nguyên đán các đơn vị hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung mọi nguồn lực, hoạt động tối đa công suất để sản xuất kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
   Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01 năm 2022 giảm 11,73% so tháng trước và tăng 13,09% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tăng chủ yếu ở ngành khai khoáng tăng 25,13% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 15,87%, nguyên nhân do là tháng tết nên các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống của người dân tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, phục vụ hàng tết của thị trường; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,25%. Riêng ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,07%.
   Trong tháng, các sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: manggan và sản phẩm của manggan tăng 244,48%; cát tự nhiên tăng 168,14%; Xi măng tăng 37,49%; sắt thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm tăng 17,64%; thiếc chưa gia công tăng 8,33%; nước uống được tăng 11,51%… Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Quặng manggan và tinh quặng manggan giảm 6,66%; cửa ra vào cửa sổ bằng sắt thép giảm 41,81%; gạch xây dựng giảm 4,77%; điện sản xuất giảm 1,93%,… 
   III. ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG
   Ước tính tháng 01 năm 2022 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 139,5 tỷ đồng, bằng 22,28% so với tháng trước, giảm 4,31% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 132,5 tỷ đồng, bằng 21,4%, giảm 1,65%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 7,0 tỷ đồng, giảm 1,2% so với tháng trước, giảm 36,25% so với tháng cùng kỳ năm 2021. 
   Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển của tỉnh tháng 01 năm 2021 ước đạt thấp so với tháng trước do Tết Nguyên đán năm nay đến sớm, công nhân nghỉ về quê ăn Tết từ giữa tháng. Đồng thời, do trong tháng chủ yếu vẫn thi công các công trình chuyển tiếp dở dang của năm trước. 
Các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên các đơn vị thi công tiếp tục hoàn thiện công trình, dự án và triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2022.
   IV. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ, GIÁ CẢ
   Tháng 01 năm 2022 là tháng Tết Nguyên đán nên hoạt động kinh doanh của các cơ sở thương mại, dịch vụ trong tháng diễn ra sôi động và nhộn nhịp, nhiều người dân đã chuẩn bị mua sắm dần hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng trong dịp tết. Thị trường hàng hóa, sản phẩm bán ra dồi dào, phong phú và đa dạng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh thu các ngành hoạt động đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
   1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
   Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 năm 2022 ước đạt 609,05 tỷ đồng, giảm 3,11% so với tháng trước và giảm 11,43% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:
   Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 520,84 tỷ đồng, giảm 3,96% so với tháng trước và giảm 6,79% so với cùng kỳ năm trước. Chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán doanh thu vẫn tăng cao so với tháng trước như: nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 16,87%; nhóm hàng may mặc tăng 27,48%; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 12,1%; nhóm hàng hóa khác tăng 10,71%.
   Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 59,97 tỷ đồng, tăng 3,52% so với tháng trước, giảm 33,19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú giảm 2,25%; dịch vụ ăn uống tăng 3,86% so với tháng trước. 
   Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 28,24 tỷ đồng, giảm 0,14% so với tháng trước và giảm 28,56% so với cùng kỳ năm trước.
   2. Hoạt động xuất, nhập khẩu 
   Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý tháng 01 năm 2022 ước tính đạt 131,5 triệu USD, tăng 87% so với tháng trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 65,7 triệu USD, tăng 571%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,6 triệu USD, giảm 60%; kim ngạch hàng giám sát, kho ngoại quan đạt 52,2 triệu USD, tăng 99% so với tháng trước.
   Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hàng rau quả đạt 0,100 triệu USD, nhân hạt điều đạt 0,631 triệu USD, chè đạt 0,035 triệu USD, hạt tiêu đạt 0,069 triệu USD.
   Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Hàng rau quả đạt 1,6 triệu USD; Than các loại đạt 0,234 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 0,271 triệu USD; mặt hàng Vải các loại 2,5 triệu USD.
   V. TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG
   1. Thu chi ngân sách 
  Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn duy trì tiến độ. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/01/2022 kết quả thu, chi ngân sách Nhà nước đạt được như sau:Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 124.485 triệu đồng, bằng 231% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 24.917 triệu đồng, bằng 56% so với cùng kỳ năm trước; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 99.568 triệu đồng, tăng 1191% so với cùng kỳ năm trước. 
   2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng 
   Hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng nhà nước và diễn biến của thị trường.
   Nguồn vốn trên địa bàn tăng trưởng tốt, cơ cấu nguồn vốn tiếp tục chuyển dịch tích cực, bền vững, tăng dần tỷ trọng, tiền gửi trong dân cư. Tổng nguồn vốn quản lý và huy động trên địa bàn tỉnh đến 31/01/2022 ước đạt 25.210 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 92 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,4%, trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 21.970 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 64 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,3%; nguồn vốn quản lý ước đạt 3.240 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 28 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,9%. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 31/01/2022 ước đạt 12.880 tỷ đồng, so với 31/12/2021 tăng 21 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,2%, trong đó nợ xấu đến 31/01/2022 ước là 104 tỷ đồng, chiếm 0,81% trong tổng dư nợ. 
   Hoạt động ngoại hối không có biến động lớn, các ngân hàng điều chỉnh tỷ giá mua bán USD trên cơ sở tỷ giá trung tâm do NHNN Việt Nam công bố hàng ngày và biến động thị trường. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua các tổ chức tín dụng. Từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước duy trì ổn định với mức mua vào - bán ra lần lượt là 60,6 triệu - 61,3 triệu đồng/lượng. Trên địa bàn, hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh hợp lý phù hợp với biến động của giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng.
   VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
   1. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
   Tình hình dịch Covid-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế và các ngành tăng cường công tác kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
   Từ ngày 13/12/2021 đến ngày 15/01/2022 tỉnh Cao Bằng ghi nhận, phát hiện 912 trường hợp mắc Covid-19, tăng 688 ca so với cùng kỳ tháng trước. Tính đến 17h00 ngày 19/01/2022 ghi nhận 1.259 ca bệnh, trong đó đang điều trị 361 ca, khỏi bệnh 896 ca, tử vong 02 ca. 
   Về hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện từ ngày 16/4/2021 đến ngày 19/01/2022 là 807.833 mũi.
   Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: ghi nhận 42 ca Adeno virút, Cúm thông thường 681 ca, Tiêu chảy 258 ca, 07 ca Viêm gan virút B, 06 ca Viêm gan virút C, 01 ca uốn ván khác. Các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời, không có tử vong.
   Phát hiện 02 trường hợp nhiễm mới HIV, trong đó 01 trường hợp là người ngoại tỉnh, không có trường hợp mới chuyển AIDS và không có người nhiễm HIV/AIDS tử vong.
   Trong tháng 01 năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
   2. Giáo dục
   Các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch năm học 2021-2022. Công tác phổ cập, xóa mù chữ thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm đẩy mạnh thực hiện.
   Dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt trên địa bàn Thành phố Cao Bằng, UBND Thành phố đã chỉ đạo cho học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, tiểu học và THCS, các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 30/12/2021 cho đến khi có thông báo mới. Trong thời gian học sinh nghỉ học, các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai dạy học trực tuyến đảm bảo theo kế hoạch năm học và chất lượng giảng dạy.
   3. Tình hình trật tự, an toàn giao thông
   Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/01/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 05 người, bị thương 03 người, giá trị thiệt hại tài sản ước tính 161,5 triệu đồng. So với tháng trước tai nạn giao thông giảm 12 vụ, tăng 03 người chết và giảm 21 người bị thương.
   4. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
   Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/01/2022, lực lượng chức năng phát hiện 32 vụ vi phạm môi trường, xử lý 16 vụ, phạt tiền 313,5 triệu đồng. So với tháng trước số vụ vi phạm phát hiện tăng 23 vụ, tăng 9 vụ vi phạm môi trường đã xử lý.
   Về tình hình cháy, nổ: Trong tháng xảy ra 01 vụ cháy tại huyện Bảo Lâm, không có thiệt hại về người, ước tính tổng giá trị thiệt hại 110 triệu đồng.
   Đánh giá chung:
   Trong tháng 01 năm 2022 sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu vào thu hoạch một số loại rau vụ đông, tranh thủ cày ải đất ruộng, làm đất chuẩn bị cho gieo trồng các loại cây vụ đông xuân, đồng thời chăm sóc, phòng dịch đàn gia súc, gia cầm trong những ngày đông giá rét; sản xuất công nghiệp được duy trì; thị trường cơ bản ổn định, hàng hóa lưu thông tốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn như tình hình thời tiết rét đậm, khô hạn; dịch tả lợn Châu Phi còn xảy ra; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh doanh dịch vụ.
   Trên cơ sở đánh giá, phân tích những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế của tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 02 năm 2022 cần tập trung những nội dung sau:
   Một là, tranh thủ thời tiết thuận lợi chuẩn bị đất, vật tư gieo trồng các cây trồng vụ xuân đảm bảo hết diện tích; sử dụng giống mới, ngắn ngày, năng suất cao đảm bảo hoàn thành sản xuất vụ đông xuân năm 2022 đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm.
   Hai là, các doanh nghiệp tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo nguồn hàng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu nhân dân trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán năm 2022.
   Ba là, các nhà thầu đẩy mạnh thi công ngay sau dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
   Bốn là, theo dõi diễn biến tình hình giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân; tăng cường thực hiện công tác quản lý, góp phần bình ổn giá cả thị trường.
   Năm là, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng Vắc xin phòng Covid-19; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; chủ động kiểm soát tình hình dịch trong bối cảnh biến thể Omicron có thể xâm nhập và lây lan./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây