Đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã khiến bức tranh kinh tế thế giới năm 2020 hết sức u ám. Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính đều đồng loạt nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy thoái sâu trong năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm giữa tháng 12, khi phần lớn các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch bệnh Covid-19, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho rằng kinh tế toàn cầu có xu hướng phục hồi sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hoạt động kinh tế toàn cầu phục hồi kiên cường bất chấp sự trỗi dậy của đại dịch. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2020 giảm 4,4%, mức giảm ít nghiêm trọng hơn so với dự báo đưa ra trong tháng 6 năm 2020 (-4,9%). Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng đại dịch Covid-19 tiếp tục gây thiệt hại đáng kể cho các nền kinh tế và xã hội. Với những tiến bộ đạt được trong phát triển vắc xin, tổ chức này nhận định kinh tế thế giới sẽ thoát khỏi khủng hoảng, tuy vẫn còn nhiều rủi ro trong ngắn hạn.
Tại Việt Nam, nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ có các biện pháp đối phó chủ động, sáng tạo ở các cấp, kinh tế vĩ mô và tài khóa ổn định nên kinh tế Việt Nam có sức chống chịu đáng kể. Bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2,91% so với năm trước, tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành các cấp, các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 15/01/2020 của UBND tỉnh Cao Bằng ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Đặc biệt, để ứng phó với những tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành kế hoạch số 1070/KH-UBND ngày 28/4/2020 về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và kế hoạch số 1180/KH-UBND ngày 13/5/2020 về kế hoạch hành động, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19. Xác định năm 2020 là năm đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, vì vậy các ngành, các cấp đã nỗ lực thực hiện kịp thời, có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh ổn định; đẩy mạnh công tác thu, chi ngân sách và xây dựng nông thôn mới; đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện trên tất cả các lĩnh vực trong từng tháng, từng quý phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch đề ra. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong năm 2020 như sau:
I. Tăng trưởng kinh tế
Ước tính tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 tăng 4,76% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng thấp trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng dương là thắng lợi của toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả tăng trưởng khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế ứng phó với tác động của dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,97%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giữ mức tăng trưởng cao tăng 11,46%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 3,52%, đóng góp 1,87 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,98%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP.
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 23,13%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,35% (riêng khu vực công nghiệp chiếm 8,83%); khu vực dịch vụ chiếm 52,87%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,65%.
II. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Năm 2020, nhìn chung tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động của thời tiết lốc sét, mưa đá, hạn hán và dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Các hình thức tổ chức sản xuất mang tính chất nhỏ, lẻ, phân tán; mặc dù đã được đầu tư, mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được xu thế phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức, áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới chịu hạn tốt, năng suất cao vào sản xuất. Vì vậy tổng sản lượng lương thực có hạt tăng so với cùng kỳ năm trước; sản lượng các loại cây lâu năm tăng cao; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; đàn lợn đang dần khôi phục; lâm nghiệp phát triển bền vững; sản xuất thủy sản tăng quy mô và sản lượng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.
1. Sản xuất nông nghiệp
Cây hàng năm: Trong năm 2020 sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thời tiết không thuận lợi; vụ đông xuân bị ảnh hưởng của lốc sét, mưa đá; vụ mùa hạn hán, nắng nóng kéo dài đã làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và quá trình phát triển của cây trồng. Nhiều diện tích đất không thể sản xuất được xảy ra ở hầu khắp các huyện trong tỉnh như huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Bảo Lạc, Hòa An….
Về diện tích gieo trồng: Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh sơ bộ đạt 92.425,58 ha, bằng 99,48% (-486,74 ha) so với năm 2019. Vụ đông xuân tổng diện tích gieo trồng tăng 0,34% hay tăng 126,16 ha so với cùng kỳ năm trước; do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 các cửa khẩu bị cấm biên giới không xuất nhập khẩu được hàng hóa dẫn đến nhu cầu về vận tải, bốc vác hàng hóa giảm mạnh, thiếu việc làm và không sang Trung Quốc làm thuê được nên người dân quay trở lại đầu tư sản xuất nông nghiệp. Nhưng đến thời điểm gieo trồng vụ mùa gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, hạn hán không có nước để gieo cấy vì vậy tổng diện tích gieo trồng giảm 1,1% hay giảm 612,92 ha; diện tích giảm chủ yếu là cây lúa.
Nhóm cây lương thực có hạt năm 2020 đạt 69.790,33 ha. Trong đó diện tích cây lúa cấy được 29.023,57 ha, bằng 96,03% (-1.200,83 ha), so với kế hoạch đạt 97,92% (-615,63 ha). Diện tích cây ngô ước đạt 40.733,93 ha bằng 103,27% (+1.290,33 ha), so với kế hoạch tăng 4,79% (+1.860,93 ha). Cây lúa diện tích giảm nhiều ở vụ mùa do bị hạn, không chủ động được nước tại một số huyện như: Quảng Hòa giảm nhiều nhất 515,5 ha (152,3 ha hạn hán và ngập nước do đắp 02 đập thủy điện; 63,1 ha chuyển mục đích sử dụng sang làm đường 208 và đường nội đồng; 297,10 ha do không có nước cấy nên bà con chuyển sang trồng ngô, dong riềng và cây hằng năm khác); Hòa An giảm 231,47 ha; Thạch An giảm 125,79 ha; Trùng Khánh giảm 284,98 ha...
Nhóm cây lấy củ có chất bột trồng được 4.154,18 ha, bằng 88,8% (-523,88 ha) so với năm 2019; diện tích giảm nhiều ở cây sắn, giảm 19,23% hay giảm 531,43 ha, số giảm chủ yếu ở các huyện: Bảo Lạc, Trùng Khánh, Nguyên Bình... Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại một số vùng giáp biên không xuất bán sang Trung Quốc được, giá cả thấp. Bên cạnh đó, diện tích cây dong riềng tăng nhiều vì đem lại hiệu quả kinh tế cao và phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến miến dong, sản phẩm miến dong được người tiêu dùng ưa chuộng nên bà con nông dân tiếp tục mở rộng thêm diện tích gieo trồng.
Cây mía: Diện tích ước trồng được 2.948,17 ha bằng 88,77% (-373,08 ha) so với vụ mùa năm trước giảm, so với kế hoạch bằng 94,97% (-156,23 ha), diện tích giảm chủ yếu ở huyện Quảng Hòa (-346,3 ha)… Nguyên nhân do năm trước mất giá và khả năng thu mua của nhà máy đường giảm vì vậy người dân chuyển sang trồng các loại cây hàng năm khác như ngô, dong riềng.
Cây thuốc lá trồng được 3.025,77 ha, so với vụ đông xuân năm 2019 giảm 2,76% (-85,96 ha), so với kế hoạch giảm 8,48%, (-280,23 ha). Là một trong những cây trồng trọng điểm để phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng diện tích trồng thuốc lá năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 do năm trước trong giai đoạn cây thuốc lá đang phát triển thời tiết mưa nhiều, đến thời điểm thu hoạch và sấy thuốc lá không được đẹp, nhiều hộ dân đã đăng ký diện tích gieo trồng với doanh nghiệp từ đầu vụ tuy nhiên lực lượng lao động ở nông thôn trên địa bàn các huyện hiện nay thiếu do lao động trẻ có xu hướng đi làm công nhân tại các khu công nghiệp miền xuôi nên phải chuyển đổi cơ cấu sang trồng lúa và ngô, sắn…
Nhóm cây có hạt chứa dầu ước đạt 4.535,77 ha, bằng 97,42% (-120,19 ha) so với năm 2019. Trong đó, diện tích cây đỗ tương ước đạt 2.464,96 ha, bằng 87,46% (-353,36 ha) so với năm 2019, so với kế hoạch ước đạt 80,45% (-598,94 ha). Diện tích cây lạc ước đạt 2.044,3 ha, bằng 112,21% (+222,39 ha) so với năm 2019, so với kế hoạch đạt 100,36% (+7,4 ha).
Về năng suất, sản lượng:
Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 ước đạt 281.963,05 tấn bằng 101,09% (+3.050,42 tấn) so với năm 2019, cụ thể năng suất, sản lượng một số cây chủ yếu như sau:
Cây lúa: Năng suất cả năm ước đạt 45,57 tạ/ha bằng 101,34% (+0,60 tấn) so với năm 2019, so với kế hoạch ước đạt 101,53% (+0,69 tạ/ha). Sản lượng ước đạt 132.269,53 tấn bằng 97,32% (-3.644,92 tấn) so với năm 2019, so với kế hoạch ước đạt 99,42% (-774,47 tấn). Trong quá trình sinh trưởng thời tiết có mưa cây lúa phát triển tốt nên năng suất cao hơn, sản lượng giảm vì diện tích gieo trồng giảm.
Cây ngô: Năng suất ước đạt 36,75 tạ/ha, bằng 101,37% (+0,50 tạ/ha) so với năm 2019, so với kế hoạch ước đạt 101,33% (+0,48 tạ/ha). Sản lượng ước đạt 149.678,96 tấn, bằng 104,68% (+6.698,62 tấn) so với năm 2019, so với kế hoạch tăng 106,18% (+8.712,76 tấn).
Cây khoai lang: Năng suất ước đạt 77 tạ/ha bằng 102,36% (+1,77 tạ/ha) so với năm 2019. Sản lượng ước đạt 9.544,65 tấn bằng 97,26% (-268,4 tấn) so với năm 2019.
Cây mía: Năng suất ước đạt 627,8 tạ/ha bằng 100,72% (+4,51 tạ/ha) so với năm 2019, so với kế hoạch ước đạt 100,7% (+4,38 tạ/ha). Sản lượng ước đạt 185.085,93 tấn bằng 89,41% (-21.925,85 tấn) so với năm 2019, so với kế hoạch ước đạt 95,63% (-8.449,37 tấn).
Cây thuốc lá: Năng suất đạt 24,28 tạ/ha, bằng 95,26% (-1,21 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch tăng 1,79%, hay tăng 0,43 tạ/ha. Sản lượng đạt 7.346,18 tấn, bằng 92,62% (-585 tấn) so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch giảm 6,83%, hay giảm 538,92 tấn.
Cây đỗ tương: Năng suất ước đạt 9,46 tạ/ha, bằng 99,97% (-0,01 tạ/ha) so với năm 2019, so với kế hoạch ước đạt 102,98% (+0,27 tạ/ha). Sản lượng ước đạt 2.332,54 tấn, bằng 87,43% (-335,24 tấn) so với năm 2019, so với kế hoạch ước đạt 82,85% (-482,76 tấn).
- Cây lạc: Năng suất ước đạt 15,42 tạ/ha, bằng 103,04% (+0,46 tạ/ha) so với năm 2019, so với kế hoạch bằng 101,86% (+0,28 tạ/ha). Sản lượng ước đạt 3.151,53 tấn, bằng 115,62% (+425,8 tấn) so với năm 2019, so với kế hoạch ước đạt 102,23% (+68,73 tấn).
Ngoài các nhóm cây chủ yếu ra các nhóm cây khác cũng được bà con nông dân trồng để phục vụ hàng ngày cho ngư¬ời dân nh¬ư cây cỏ voi, cây bon, cây ngô trồng dày, mục đích để phục vụ chăn nuôi trâu, bò, lợn.
Cây lâu năm: Nhìn chung diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng phân tán mang tính tự cung, tự cấp. Các chương trình, dự án của Nhà nước và Doanh nghiệp về hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống đã được đẩy mạnh nhưng còn ít và chưa được nhân rộng diện tích trồng tập trung theo hướng hàng hóa chưa nhiều...
Trong năm 2020, thời tiết tương đối thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển các loại cây ăn quả và các loại cây lâu năm khác. Sơ bộ diện tích trồng cây lâu năm đạt 7.851,07 ha, tăng 0,56% hay tăng 43,63 ha so với năm 2019. Trong đó nhóm cây gia vị, cây dược liệu lâu năm đạt 4.535,57 ha, tăng 0,29% hay tăng 13,21 ha chủ yếu là cây dược liệu hà thủ ô; nhóm cây ăn quả đạt 2.664,97 ha, tăng 2,35% hay tăng 61,22 ha, một số cây ăn quả trọng điểm của tỉnh đang chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa vì vậy diện tích, sản lượng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước như sản lượng cam, quýt, bưởi ước đạt 2.218,95 tấn, tăng 318 tấn, cây thanh long ước đạt 389,9 tấn, tăng 63,42 tấn, cây mận ước đạt 765,6 tấn, tăng 32,83 tấn, cây lê/cọt ước đạt 935,9 tấn, tăng 359 tấn... Nhóm cây lâu năm khác đạt 393,5 ha, giảm 7,19% hay giảm 30,5 ha; nhóm cây chè đạt 256,75 ha, tăng 3,49% hay tăng 8,65 ha.
2. Chăn nuôi
Tổng số trâu: Có 102.323 con, so với thời điểm 01/01/2020 bằng 99,77% (giảm 0,23% hay giảm 234 con). Đàn trâu giảm và sản lượng xuất chuồng của trâu tăng do các bãi chăn thả bị thu hẹp để chuyển sang trồng các loại cây lâu năm, cây lâm nghiệp. Tổng số bò: Có 110.650 con, so với thời điểm 01/01/2020 bằng 100,18% (tăng 0,18% hay tăng 196 con). Đàn bò tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do trong năm trên địa bàn tỉnh có dự án hỗ trợ chăn nuôi bò thịt ở một số huyện cùng với chương trình hỗ trợ hiệu quả chăn nuôi nông hộ, hỗ trợ bò đực giống dẫn đến đàn bò tăng. Tổng đàn lợn: Có 285.180 con, so với thời điểm 01/01/2020 bằng 103,04% (tăng 3,04% hay tăng 8.408 con). Đàn lợn tăng so với cùng kỳ năm trước là do dịch tả lợn Châu Phi phần nào đã được khống chế, giá thịt lợn hơi cao và ổn định khuyến khích người dân chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, do tâm lý lo ngại dịch bệnh có thể tái bùng phát nên người dân chỉ tái đàn với quy mô nhỏ lẻ, do đó đàn lợn tăng nhưng không đáng kể so với cùng thời điểm năm trước.
Tổng số gia cầm có 2.989,5 nghìn con, so với thời điểm 01/01/2020 bằng 107,95% (tăng 7,95% hay tăng 220,21 nghìn con); Tổng đàn gia cầm năm 2020 tăng nhiều do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi làm chuyển dịch cơ cấu từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm khác thay thế, nhiều chuồng trại lợn được tận dụng để nuôi gà, vịt làm tổng đàn gia cầm tăng cao, đồng thời do giá thịt lợn tăng mạnh nên nhiều hộ gia đình có xu hướng sử dụng thịt gia cầm thay thế thịt lợn trong bữa ăn, điều này làm sản lượng xuất chuồng nói chung của gia cầm tăng cao so với năm trước.
Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2020 ước đạt 2.182,78 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ; Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 2.075,18 tấn, giảm 3,44% hay giảm 73,9 tấn, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động trao đổi hàng hóa ở cửa khẩu bị hạn chế, các hộ chăn nuôi giãn việc vỗ béo đàn bò để bán sang Trung Quốc khiến sản lượng xuất chuồng giảm; Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 24.089,98 tấn, giảm 5,64% hay giảm 1.439,18 tấn; Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6.570,38 tấn, tăng 11,62% hay tăng 684,12 tấn do người tiêu dùng sử dụng thịt gia cầm các loại để thay thế thịt lợn; sản lượng trứng đạt 36.302,26 nghìn quả, tăng 15,58% so với cùng kỳ năm trước.
* Tình hình dịch bệnh
Bệnh viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra tại huyện Hạ Lang, Hòa An, Trùng Khánh, Bảo Lạc,… Từ ngày 16/11 đến ngày 24/12 đã mắc 343 con trâu bò các loại, trong đó có 43 con chết và từ ngày 28/10 đến ngày 24/12 trên địa bàn toàn tỉnh đã có 582 con gia súc mắc, trong đó chết 69 con. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cơ quan chuyên môn kết hợp với chính quyền địa phương các cấp đã triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng, thành lập nhiều đoàn công tác kiểm tra tình hình dịch bệnh và lấy mẫu bệnh phẩm để kịp thời phát hiện sớm, xử lý, ban hành các văn bản hướng phòng chống bệnh viêm da nổi cục. Nhận định trong thời gian tới dịch bệnh vẫn có chiều hướng lây lan nên cần tiếp tục thực hiện các tốt các biện pháp phòng chống dịch.
Dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn phát sinh thêm ổ dịch mới vì vậy các địa phương cần tiếp tục chủ động thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tính từ ngày 19/11 đến ngày 24/12 làm mắc và tiêu hủy 156 con ở Hòa An, Hạ Lang, Trùng Khánh... lũy kế từ đầu năm 5.791 con với trọng lượng trên 286 tấn, đã được chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy và xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật.
Ngoài ra, trong tháng các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương như bệnh tụ huyết trùng, phân trắng, tiêu chảy, viêm phổi làm chết 14 con trâu, bò lũy kế từ đầu năm là 110 con.
Bệnh ở lợn: dịch tả, tụ huyết trùng... làm chết 23 con, chết lũy kế từ đầu năm là 403 con.
Đàn gia cầm phát triển bình thường, không có dịch bệnh lớn xảy ra, lác đác tại các địa phương dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra ở một số nơi do công tác phòng dịch chưa được chú trọng và thường xuyên, như bệnh Tụ huyết trùng, Niucatxơn, Phân trắng… làm chết khoảng 185 con gia cầm, lũy kế từ đầu năm 3.638 con.
3. Lâm nghiệp
Ước năm 2020, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 2.465,90 ha, so với năm trước bằng 91,06% (giảm 8,94% hay giảm 242,01 ha). Các huyện có diện tích rừng trồng mới nhiều như: Thạch An, Bảo Lạc, Trùng Khánh,... Các loại giống cây lâm nghiệp được đưa vào trồng chủ yếu là thông, mỡ, sa mộc, keo, lát,... Diện tích rừng trồng mới giảm do các Dự án Bảo vệ phát triển rừng và dự án trồng rừng khác diện tích được giao không nhiều, diện tích rừng trồng mới chủ yếu là của các hộ dân tự mua cây giống về trồng trên diện tích các hộ được nhận giao khoán bảo vệ. Số cây trồng phân tán ước toàn tỉnh trồng được 1.507,01 nghìn cây, bao gồm các loại như lát, sa mộc, xoan hôi, xoan ta, bạch đàn, keo, mỡ, nghiến... so với cùng kỳ năm trước bằng 88,57% (giảm 11,43% hay giảm 194,51 nghìn cây).
Tổng số gỗ khai thác ước năm 2020 đạt 23.851,51 m3, bằng 104,96% so với cùng kỳ năm trước (tăng 4,96% hay tăng 1.126,51 m3). Sản lượng khai thác gỗ hiện nay chủ yếu là từ rừng trồng, còn sản lượng gỗ tự nhiên hiện rất ít, chủ yếu được tận thu từ việc mở đường giao thông và cây phân tán. Sản lượng gỗ tăng chủ yếu do diện tích rừng trồng từ các năm trước đến tuổi được cấp phép khai thác nên sản lượng gỗ khai thác tăng hơn.
Củi khai thác ước năm 2020 đạt 714.790,00 ste, so với cùng kỳ năm trước bằng 102,35% (tăng 2,35% hay tăng 16.397,36 ste). Sản lượng củi tăng do hiện nay phần lớn được tận thu từ cành và ngọn cây khi khai thác gỗ rừng trồng là chủ yếu.
4. Thủy sản
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước năm 2020 có 380,10 ha, so với năm trước bằng 103,99% (tăng 3,99% hay tăng 14,58 ha).
Tổng sản lượng thủy sản ước năm 2020 đạt 546,63 tấn, bằng 101,50% so với năm 2019 (tăng 1,50% hay tăng 8,09 tấn).
Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước năm 2020 là 435,27 tấn, bằng 101,37% so với năm 2019 (tăng 1,37% hay tăng 5,87 tấn). Trong đó: sản lượng cá nuôi nội địa là 433,73 tấn, bằng 101,36% (tăng 1,36% hay tăng 5,80 tấn); sản lượng thủy sản khác nuôi nội địa là 1,54 tấn. Sản lượng nuôi trồng trên địa bàn tỉnh không có nhiều chủng loại, chủ yếu là các loại cá phù hợp với điều kiện khí hậu của đại phương như: trắm, chép, rô phi, trôi, mè và một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá lăng, dầm xanh, ếch, ba ba.
Sản lượng thủy sản khai thác ước năm 2020 là 111,36 tấn, bằng 102,03% so với năm 2019 (tăng 2,03% hay tăng 2,22 tấn). Trong đó: Sản lượng cá là 98,62 tấn bằng 100,94% (tăng 0,94% hay tăng 0,92 tấn); sản lượng tôm 2,08 tấn bằng 98,58% (giảm 1,42% hay giảm 0,03 tấn); sản lượng thủy sản khác khai thác nội địa 10,66 tấn, bằng 114,26% (tăng 14,26% hay tăng 1,33 tấn).
Một số mô hình và dự án nông, lâm nghiệp và thủy sản:
Trong năm 2020, tiếp tục triển khai các mô hình và dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như sau: mô hình ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống lúa Đoàn kết xác nhận 1 ở huyện Hòa An, xã Đức Long năng suất lúa đạt 5,5 tấn/ha, đạt tiêu chuẩn làm giống; Mô hình trồng cây Bưởi diễn với quy mô 9,0 ha, tại huyện Hoà An (trong đó: xã Bạch Đằng là 5,5 ha và xã Quang Trung là 3,5 ha), cây sinh trưởng phát triển bình thường, hiện đang bén rễ hồi xanh, tỉ lệ sống đạt trên 95%; Mô hình nuôi cá Rô phi đơn tính trong lồng hồ chứa thủy điện với quy mô 90 m3 tại xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa). Đến thời điểm này tỷ lệ nuôi sống đạt 90%. Cá sinh trưởng khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc bệnh, cỡ cá trung bình trên 500g/con...
III. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng khá, giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng 12,68% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng khá; ngành cung cấp nước, hoạt động xử lý rác thải giữ mức tăng trưởng ổn định; ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành khai khoáng tăng trưởng âm do thiếu nguyên vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Nhìn chung, hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì sản xuất. Tuy còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 nhưng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất công nghiệp đã cố gắng, nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn, huy động tối đa nguồn lực để sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế; tìm kiếm đối tác kinh doanh mới… đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tăng sản lượng và giá trị sản xuất công nghiệp so với năm 2019.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 tăng 4,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện là điểm sáng của khu vực này với mức tăng cao nhất 39,83% do có một số nhà máy thủy điện hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định; Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,93%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,57%; Ngành khai khoáng giảm 9,83%.
Trong năm 2020, các sản phẩm tăng so với cùng kỳ: Điện sản xuất tăng 49%; gạch xây dựng tăng 15,17%; cát tự nhiên tăng 13,35%; đá xây dựng tăng 6,53%; nước uống được tăng 6,06%; điện thương phẩm tăng 5,66%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 1,66%... Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Đường giảm 48,78%; xi măng giảm 24,83% do giá cả không cạnh tranh với xi măng Quang Sơn, xi măng La Hiên của tỉnh Thái Nguyên, được các doanh nghiệp nhập về bán với giá thấp hơn vì vậy các đơn vị sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh giảm sản lượng sản xuất; quặng manggan và tinh quặng manggan giảm 15,91%; sắt thép không hợp kim giảm 2,47%; nước tinh khiết giảm 2,06%.
IV. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện năm 2020 tăng 5,72% so với năm 2019, vốn đầu tư tăng chủ yếu ở khu vực kinh tế Nhà nước với mức tăng 12,65%. Vốn đầu tư khu vực Nhà nước tăng cao do tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Các công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và đưa vào sử dụng, chào mừng các sự kiện lớn của tỉnh.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2020 theo giá hiện hành ước thực hiện được 10.510,6 tỷ đồng, tăng 5,72% so với năm 2019 và bằng 55,36% GRDP. Chia theo nguồn vốn:
Vốn Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện được 6.804,25 tỷ đồng, so với năm 2019 tăng 12,65% là điểm sáng trong vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020, bao gồm: Vốn đầu tư thuộc trung ương quản lý ước đạt 535,87 tỷ đồng, giảm 51,59% so với năm 2019; Vốn đầu tư thuộc địa phương quản lý ước thực hiện được 6.268,38 tỷ đồng, tăng 27,06%. Năm 2020, vốn đầu tư có bước tiến lớn về mặt đầu tư công, với nhiều công trình dự án có số vốn lớn làm thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng của tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện các công trình, dự án trọng điểm và các công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
Vốn đầu tư ngoài Nhà nước bao gồm khu vực doanh nghiệp tư nhân và hộ dân cư ước thực hiện được 3.705,8 tỷ đồng, giảm 4,94% so với năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vốn đầu tư của các tổ chức doanh nghiệp, dân cư đầu tư cho quá trình sản xuất, kinh doanh giảm mạnh so với năm 2019. Mặc dù tỉnh Cao Bằng không có ca nhiễm nào nhưng nhìn chung thu nhập dân cư giảm, người dân thắt chặt chi tiêu kéo theo vốn đầu tư giảm so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm, do đó kỳ vọng vốn đầu tư cho mục đích sửa chữa lớn nhà cửa, bổ sung vốn lưu động doanh nghiệp nhằm tăng nguồn cung cho sản xuất kinh doanh sẽ tăng để phục vụ nhu cầu cho dịp Tết Nguyên đán 2021.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn không phải thế mạnh của tỉnh nên có tỷ lệ rất thấp và giảm so với năm 2019, ước thực hiện được 0,55 tỷ đồng, giảm 83,48% so với năm 2019.
V. Thương mại, dịch vụ, giá cả
Hoạt động thương mại, dịch vụ trong năm 2020 chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Các ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải doanh thu sụt giảm đáng kể, tuy nhiên doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn đạt tăng trưởng khá so với năm 2019 nhờ thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường, một số cơ sở kinh doanh kịp thời thay đổi phương thức bán hàng theo xu hướng mua sắm trực tuyến hiện nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt 8.980,02 tỷ đồng, tăng 7,24% so với năm 2019. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.284,2 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tăng ở hầu hết các nhóm hàng, một số nhóm tăng cao như: lương thực, thực phẩm tăng 16,64%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 15,89%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 23,32%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 22,48%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 18,39%; hàng hóa khác tăng 19,67%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.202,57 tỷ đồng, giảm 5,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 14,76%; doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 4,54%. Doanh thu dịch vụ ăn uống trong năm giảm còn do người dân có ý thức trong việc thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nên nhu cầu tiêu dùng rượu, bia tại các nhà hàng ăn uống giảm.
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 6,15 tỷ đồng, giảm 50,48% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh giảm mạnh so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt tại nước ta, tỉnh đã tăng cường triển khai các giải pháp kích cầu du lịch, tập trung truyền thông, quảng bá, xây dựng điểm đến an toàn và hấp dẫn để chào đón, thu hút khách du lịch đến với tỉnh Cao Bằng. Các tháng cuối năm hoạt động du lịch đã có những tín hiệu tích cực, nhu cầu tham quan, du lịch của du khách đã khởi động trở lại. Tuy nhiên, lượng khách đến với các khu, điểm du lịch vẫn giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu là khách du lịch nội địa.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 487,1 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động của các ngành dịch vụ được đẩy mạnh theo hướng ngày càng phong phú và đa dạng, cải thiện chất lượng để phục hồi và phát triển.
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2020 giảm 0,55% so với tháng trước. Chỉ số giá trong tháng giảm chủ yếu do có 05/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ chỉ số giá giảm, trong đó giảm nhiều nhất ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,31% bởi nhóm thực phẩm giảm mạnh ở một số mặt hàng thịt lợn, rau xanh, hoa quả đang vào vụ. Bốn nhóm chỉ số giá giảm ít hơn: may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,24%; nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 1,17%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%. Riêng nhóm giao thông chỉ số giá tăng cao 2,59% do giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng. Các nhóm hàng hóa còn lại chỉ số giá ổn định hoặc tăng không đáng kể.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2020 giảm 2,08% so với tháng 12/2019. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2020 tăng 4,89% so với năm 2019.
Trong tháng 12, giá vàng giảm 0,37% so với tháng trước, giá Đô la Mỹ giảm 0,15%. Bình quân năm 2020, giá vàng tăng 26,41%, giá Đô la Mỹ tăng 0,18% so với năm 2019.
VI. Dân số, lao động
Dân số trung bình năm 2020 của cả tỉnh ước tính 533.086 người, tăng 2.230 người, tương đương tăng 0,42% so với năm 2019. Trong tổng dân số, dân số thành thị 126.032 người, chiếm 23,64%; dân số nông thôn 407.054 người, chiếm 76,36%; dân số nam 267.014 người, chiếm 50,1%; dân số nữ 266.072 người, chiếm 49,9%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2020 là 100,4 nam/100 nữ.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả tỉnh năm 2020 ước tính là 350.428 người, tăng 1.503 người so với năm trước (bằng 0,43%), trong đó: Lao động nam 178.718 người, chiếm 51% tổng số và lao động nữ 171.710 người, chiếm 49%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 73.590 người, chiếm 21%; khu vực nông thôn là 276.838 người, chiếm 79%.
Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính năm 2020 là 347.195 người, bằng 99,08% lực lượng lao động trên 15 tuổi của cả tỉnh. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2020 tăng so với năm 2019 là 0,2 điểm phần trăm; Trong tổng số lao động đang làm việc thì lao động trong ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 71,6%; Lao động trong ngành Công nghiệp, Xây dựng chiếm 3,6% và Lao động trong các ngành dịch vụ chiếm 24,8%
VII. Kết quả điều tra doanh nghiệp
Doanh nghiệp là đơn vị kinh tế hạch toán kinh tế độc lập, có đủ tư cách pháp nhân, được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc theo hoặc theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài bao gồm các loại hình doanh nghiệp:
+ Khu vực kinh tế trong nước
Doanh nghiệp nhà nước: gồm có Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và Doanh nghiệp có vốn nhà nước >50%.
Doanh nghiệp ngoài nhà nước: gồm Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần.
+ Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo kết quả Điều tra doanh nghiệp năm 2020 (tính đến thời điểm 31/12/2019): Toàn tỉnh Cao Bằng có 836 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh (có doanh thu, chi phí sản xuất kinh doanh). Các doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh trên thành phố và các huyện không đồng đều chủ yếu đăng ký ở Thành phố Cao Bằng.
Số doanh nghiệp có đến 31/12/2019 phân theo tình trạng hoạt động: Doanh nghiệp hoạt động xây dựng 246 doanh nghiệp chiếm 29,42 % so với tổng số; Doanh nghiệp hoạt động bán buôn, bán lẻ 241 doanh nghiệp chiếm 28,83% so với tổng số doanh nghiệp; Doanh nghiệp hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 122 doanh nghiệp chiếm 14,6 % so với tổng số doanh nghiệp; Doanh nghiệp hoạt động khai khoáng 31 doanh nghiệp chiếm 3,7% so với tổng số doanh nghiệp; Doanh nghiệp hoạt động chế biến, chế tạo 75 doanh nghiệp chiếm 8,97% so với tổng số doanh nghiệp; Doanh nghiệp hoạt động vận tải 47 doanh nghiệp chiếm 5,62% so với tổng số doanh nghiệp; Doanh nghiệp hoạt động lưu trú và ăn uống 24 doanh nghiệp chiếm 2,87% so với tổng số doanh nghiệp; Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản 11 doanh nghiệp chiếm 1,31% so với tổng số doanh nghiệp. Còn lại các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành khác không nhiều.
Hợp tác xã: Theo kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2020 (tính đến thời điểm 31/12/2019) toàn tỉnh Cao Bằng có 153 hợp tác xã đang hoạt động sản xuất kinh doanh có doanh thu, giá trị sản xuất phân bố không đồng đều tại các huyện, thành phố: Thành phố Cao Bằng có 35 HTX, chiếm 22,8% trên tổng số HTX; Hà Quảng có 28 HTX, chiếm 18,3% trên tổng số HTX; Trùng Khánh có 15 HTX, chiếm 9,8% trên tổng số HTX; Hòa An có 14 HTX, chiếm 9,1% trên tổng số HTX; còn lại các huyện khác số lượng HTX không nhiều.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Đến ngày 15/12/2020, toàn tỉnh có 159 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.235 tỷ đồng, giảm 1,24% về số doanh nghiệp và giảm 38,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số dự án được cấp mới chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư là 15 dự án với tổng vốn đăng ký là 206,8 tỷ đồng. Các hồ sơ đăng ký kinh doanh, thay đổi đăng ký kinh doanh thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và rút ngắn thời gian so với quy định.
Kết quả Điều tra đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ Tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Tổng cục Thống kê đã bổ sung thêm phiếu thu thập thông tin đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cuộc điều tra được tiến hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2020 đến ngày 20 tháng 4 năm 2020, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 603 doanh nghiệp trả lời, chiếm 71,48%.
Tỷ lệ doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 kéo dài thì 38,67% doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động ổn định; 31,1% cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 27,38% tạm ngừng hoạt động SXKD; phá sản 2,85%.
Tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp để đối phó với dịch bệnh Covid-19: 28,31% đẩy mạnh thương mại điện tử; 17,17% chuyển đổi sản phẩm chủ lực; 22,27% đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề của người lao động; 16,94% tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào; 38,28% tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống; 11,3% trả lời khác.
Những khó khăn của doanh nghiệp:
Dịch bệnh Covid-19 đã và ảnh hưởng sâu, rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, kéo theo hàng loạt những vấn đề mà doanh nghiệp phải đối mặt như: Thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD, thị trường cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, hoạt động xuất nhập khẩu bị đình trệ, doanh thu giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người lao động.