I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
1. Nông nghiệp
Cây hàng năm
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 11 năm 2023 chủ yếu thu hoạch các loại cây trồng vụ mùa như: lúa, ngô, đậu tương, lạc, khoai lang… Đồng thời làm đất, gieo trồng các loại rau màu vụ đông xuân năm 2023-2024. Nhìn chung, thời tiết trong tháng khô hanh thuận lợi cho việc thu hoạch, phơi khô và bảo quản sản phẩm mới thu hoạch.
Tiến độ thu hoạch vụ mùa tính đến ngày 15/11/2023 như sau: cây lúa thu hoạch được 24.368 ha, bằng 93,22% so với diện tích gieo trồng và giảm 3,54% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng lúa thu hoạch đạt 111.375 tấn, giảm 0,37% so với cùng kỳ năm trước. Cây ngô thu hoạch được 12.027 ha, bằng 75,22% diện tích gieo trồng và tăng 12,22% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thu hoạch đạt 37.809 tấn, tăng 24,02%. Cây đậu tương thu hoạch được 987 ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thu hoạch được 1.028 tấn, giảm 2,93% so với cùng kỳ năm 2022. Cây lạc thu hoạch được 479 ha, giảm 27,31%; sản lượng thu hoạch được 688 tấn, giảm 26,02%. Khoai lang thu hoạch được 478 ha, tăng 7,42%; sản lượng thu hoạch được 3.622 tấn, giảm 14,03% so với cùng kỳ năm trước. Tiến độ thu hoạch các loại cây trồng chính vụ mùa đảm bảo kế hoạch mùa vụ; hiện nay các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11.
Sơ bộ vụ mùa năm 2023:
Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2023 đạt 57.936 ha, giảm 0,78% hay giảm 454 ha so với cùng vụ năm trước, giảm chủ yếu ở một số cây trồng như: lúa, sắn, đậu tương, lạc, nghệ, thạch đen và rau các loại. Nguyên nhân giảm do thời tiết đầu vụ không thuận lợi, nắng nóng và khô hạn kéo dài vì vậy một số diện tích không gieo trồng được. Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ mùa năm 2023 ước đạt 174.594 tấn, tăng 0,33% hay tăng 582 tấn so cùng vụ năm trước. Cụ thể một số cây trồng chính vụ mùa như sau:
Cây lúa gieo trồng được 26.139 ha, giảm 1,61% hay giảm 427 ha ở các huyện: Trùng Khánh (-219,82 ha), Nguyên Bình (-135,12 ha), Bảo Lạc (-121,7 ha), Hạ Lang (-104,06 ha)… Diện tích lúa giảm so với cùng vụ năm trước do đầu vụ thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài, thiếu nước sản xuất vì vậy nhiều diện tích xa nguồn nước không gieo cấy được, gần đến cuối vụ thời tiết mưa nhiều và đều nhưng mạ đã vàng, héo không thể tiếp tục gieo cấy được, đến thời điểm cuối tháng 8 có mưa lớn nhiều ngày tạo thành lũ quét làm vùi lấp 131 ha tại xã Cốc Pàng huyện Bảo Lạc, số diện tích này đã được bà con chuyển đổi sang trồng cây hàng năm khác. Năng suất ước đạt 46,31 tạ/ha, giảm 0,24%; sản lượng đạt 121.059 tấn, giảm 1,82% hay giảm 2.247 tấn so với cùng vụ năm trước.
Cây ngô gieo trồng được 15.989 ha, tăng 3,86% hay tăng 594 ha so cùng vụ năm trước. Năng suất ước đạt 33,48 tạ/ha, tăng 1,64%; sản lượng ước đạt 53.532 tấn, tăng 5,57% hay tăng 2.826 tấn so cùng vụ năm trước.
Cây sắn trồng được 3.355 ha, giảm 1,76% hay giảm 60 ha, diện tích sắn giảm chủ yếu ở huyện Bảo Lạc do thời tiết khô hạn nhiều diện tích sắn bị chết và ảnh hưởng của mưa lớn nhiều ngày tạo thành lũ quét, sạt lở vùi lấp nhiều diện tích sắn ở các xã Cốc Pàng, Thượng Hà, Hồng Trị, Hưng Thịnh huyện Bảo Lạc; năng suất ước đạt 147,98 tạ/ha, giảm 2,61% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 49.647 tấn, giảm 4,32% hay giảm 2.239 tấn so với vụ mùa 2022.
Cây đậu tương trồng được 1.493 ha, giảm 9,84% hay giảm 163 ha; năng suất ước đạt 10,16 tạ/ha, tăng 0,59% so với cùng vụ năm trước; sản lượng ước đạt 1.517 tấn, giảm 9,32% hay giảm 156 tấn so với vụ mùa 2022.
Cây lạc trồng được 1.379 ha, giảm 5,35% hay giảm 78 ha so cùng vụ năm trước; năng suất ước đạt 15,83 tạ/ha, tăng 3,33%; sản lượng ước đạt 2.183 tấn, giảm 2,2% hay giảm 49 tấn so với cùng vụ năm 2022 do diện tích gieo trồng giảm.
Cây mía trồng được 2.761 ha, giảm 0,61% hay giảm 17 ha so cùng vụ năm trước, do một số diện tích lưu gốc qua nhiều năm sản lượng không cao nên người dân phá bỏ chuyển sang trồng các loại cây hàng năm khác.
Cây lâu năm
Trong tháng, các hộ gia đình tiếp tục thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường như chuối, đu đủ, ổi, cam, quýt… Đồng thời đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc các loại cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng suất thấp, sản phẩm kém chất lượng và trồng mới một số diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Tình hình dịch bệnh
Trong tháng, thời tiết khô hanh, đêm và sáng sớm có sương mù tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại đối với cây trồng ở tất cả các huyện, thành phố như: bệnh rầy nâu, sâu đục thân, bọ xít, bệnh hoa cúc… trên cây lúa muộn; sâu keo mùa thu, bệnh khô vằn, châu chấu tre lưng vàng trên cây ngô; sâu đục thân, rệp sơ trắng trên cây mía; bệnh sâu keo, sâu gai, gây hại trên rau, đậu các loại… mức độ gây hại nhẹ và đã được cơ quan chức năng kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.
Chăn nuôi
Trong tháng tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, đàn gia súc, gia cầm được người dân đầu tư, quan tâm chăm sóc và phát triển. Các địa phương triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia để thúc đẩy công tác phát triển chăn nuôi trên địa bàn, thực hiện kế hoạch liên kết sản xuất chuỗi chăn nuôi trâu, bò, gia cầm vì vậy tổng đàn gia súc, gia cầm có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn trâu hiện có 106.888 con, tăng 0,66% hay tăng 705 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò hiện có 104.954 con, tăng 0,8% hay tăng 831 con; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 11 đạt 179 tấn, tăng 1,13% hay tăng 02 tấn so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế từ đầu năm 1.654 tấn, tăng 0,92% hay tăng 15 tấn; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tháng 11 đạt 192 tấn, tăng 2,67% hay tăng 05 tấn, lũy kế từ đầu năm đạt 1.965 tấn, giảm 0,25% hay giảm 05 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số lợn hiện có 334.874 con, tăng 3,99% hay tăng 12.854 con so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 11 đạt 2.120 tấn, tăng 3,11% hay tăng 64 tấn so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm đạt 22.369 tấn, tăng 2,94% hay tăng 638 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số gia cầm hiện có 3.032,74 nghìn con, tăng 2,5% hay tăng 74 nghìn con so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 11 đạt 707 tấn, tăng 4,12% hay tăng 28 tấn, lũy kế từ đầu năm đạt 5.746 tấn, tăng 2,57% hay tăng 144 tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 3.702 nghìn quả, tăng 1,48%, lũy kế từ đầu năm đạt 33.234 nghìn quả, tăng 2,13% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác theo dõi, giám sát dịch bệnh được các địa phương thực hiện thường xuyên, đa số các ổ dịch bệnh được phát hiện sớm và kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Công tác thú y trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, chủ động tiêm phòng gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý chặt chẽ nhất là giai đoạn cuối năm khối lượng vận chuyển ra, vào trên địa bàn tỉnh lớn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết giao mùa tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh phát sinh các ổ dịch bệnh: bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục...
Từ ngày 15/10 đến ngày 14/11/2023, bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại huyện Hà Quảng làm mắc 04 con bò; dịch tả lợn Châu Phi phát sinh 06 ổ dịch mới làm mắc và buộc tiêu huỷ 498 con rải rác ở các địa phương trên địa bàn tỉnh; các ngành chức năng phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương: 06 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng; 18 con lợn chết do bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, lợn con phân trắng...; 383 con gia cầm các loại chết do bệnh Niucatxơn, tụ huyết trùng...
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tháng 11 tập trung kiểm tra, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý kịp thời các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản và chặt phá rừng trái phép; tăng cường bám sát địa bàn, tuyên truyền rộng rãi đến người dân về hoạt động quản lý bảo vệ rừng và các phương án phòng chống cháy rừng tại địa phương. Tuy nhiên, trong tháng xảy ra 04 vụ chặt phá rừng trái phép với diện tích thiệt hại 0,51 ha.
Diện tích trồng rừng mới trong tháng tính đến ngày 15/11/2023 ước tính đạt 81,5 ha, giảm 44,63% hay giảm 65,7 ha so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm là 865,07 ha, giảm 54,19% hay giảm 1.023,5 ha, nguyên nhân giảm nhiều do Dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021-2025 thực hiện đúng trình tự theo quy định tại Luật đầu tư công vì vậy tiến độ trồng rừng mới chậm, hiện nay đang tiến hành cấp giống, phân bón để thực hiện trồng rừng năm 2023 theo kế hoạch. Sản lượng gỗ khai thác ước tính khoảng 2.102,87 m³, tăng 37,26% hay tăng 570,8 m³ so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm là 13.397,37 m³, giảm 15,52% hay giảm 2.461,05 m³; sản lượng củi khai thác khoảng 56.882,4 ste, tăng 4,05% hay tăng 2.211,9 ste so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 747.086,74 ste, tăng 0,98% hay tăng 7.282,54 ste.
3. Thuỷ sản
Trong tháng 11, nuôi trồng và khai thác thủy sản vẫn duy trì ổn định, các hộ nuôi trồng tập trung vào chăm sóc, phòng chống rét cho thuỷ sản và thu hoạch những diện tích thả từ trước. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối duy trì nhưng sản lượng còn thấp.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 11 ước tính đạt 57,56 tấn, giảm 0,66% hay giảm 0,38 tấn so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 407,81 tấn, giảm 0,52% hay giảm 2,12 tấn, trong đó: sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 9,78 tấn, tăng 1,56% hay tăng 0,15 tấn, lũy kế từ đầu năm 96,56 tấn, tăng 1,5% hay tăng 1,43 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 47,78 tấn, giảm 1,1% hay giảm 0,53 tấn so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 311,25 tấn, giảm 1,13% hay giảm 3,55 tấn.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Sản xuất công nghiệp tháng 11/2023 trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, tuy còn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất công nghiệp đã nhanh chóng khắc phục khó khăn để mở rộng sản xuất và kinh doanh có hiệu quả. Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tiêu thụ tăng hơn so với tháng trước như: ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, ngành sản xuất kim loại, ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn…
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 11/2023 ước tính tăng 4,89% so với tháng trước và tăng 15,15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 62,72%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,26%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1%; riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,45% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 3,58% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 38,35%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,67%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 26,95%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,22% so với cùng kỳ năm trước.
Các sản phẩm sản xuất 11 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022: quặng chì và tinh quặng chì tăng 128,29%; xi măng tăng 108,54%; cát tự nhiên các loại tăng 107,59%; sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (phôi thép) tăng 56,44%; chiếu trúc, chiếu tre tăng 23,14%; đá xây dựng tăng 18,33%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 14,81%; sản phẩm in khác tăng 14,6%... Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: quặng manggan và tinh quặng manggan giảm 50,97%; điện sản xuất giảm 31,74%; nước tinh khiết giảm 25,29%; manggan và các sản phẩm của manggan giảm 18,73%; nước uống được giảm 1,29%. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có thêm sản phẩm quặng niken và tinh quặng niken, ước tính đến hết tháng 11 khai thác đạt 32.822 tấn.
III. ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG
Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11 năm 2023 đạt 499,01 tỷ đồng, tăng 5,91% so với tháng trước. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 427,81 tỷ đồng, tăng 3,84%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 71,2 tỷ đồng, tăng 20,29% so với tháng trước.
Tính chung 11 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước tính thực hiện được 3.351,37 tỷ đồng, bằng 58,24% kế hoạch năm 2023, tăng 28,96% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, tiếp tục triển khai có hiệu quả một số dự án trọng điểm, các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương như: Trụ sở làm việc HĐND - UBND - Đoàn ĐBQH tỉnh; Trụ sở làm việc các sở, ban ngành tỉnh; Đường tỉnh 208 (giai đoạn 2); Cải tạo, nâng cấp đường từ thị trấn Xuân Hoà - thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng; Nâng cấp, cải tạo đường Nà Pồng - Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm; Cầu Bản Đe (Sông Gâm) kết nối Quốc lộ 34 - xã Quảng Lâm, xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm; Cải tạo nâng cấp đường giao thông Chu Trinh (thành phố Cao Bằng) - Hồng Nam (huyện Hoà An).
Trong những tháng cuối năm tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, tập trung công tác lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), phấn đấu khởi công dự án vào dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 -22/12/2023).
IV. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ, GIÁ CẢ
Tình hình thương mại, dịch vụ của tỉnh trong tháng 11 năm 2023 diễn ra sôi động, hàng hóa lưu thông thông suốt, nguồn cung, giá cả xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Doanh thu các ngành hàng có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.
1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 năm 2023 ước đạt 1.055,18 tỷ đồng, tăng 4,13% so với tháng trước và tăng 24,29% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 784,35 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,52% so với cùng kỳ năm trước. Đa số các nhóm hàng hóa có doanh thu ước tăng so với tháng trước, cụ thể: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 5,92%; nhóm hàng may mặc tăng 6,78%; nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 4,33%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 4,5%; nhóm phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 4,15%; nhóm xăng, dầu các loại tăng 5,78%; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 4,87%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 0,86%; nhóm hàng hóa khác tăng 2,29%; nhóm doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 11,67%. Riêng nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 1,93% so với tháng trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 202,86 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước, tăng 45,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước tính đạt 19,76 tỷ đồng, tăng 2,91%; dịch vụ ăn uống ước tính đạt 183,1 tỷ đồng, tăng 4,01% so với tháng trước.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 1,52 tỷ đồng, giảm 4,63% so với tháng trước và tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 66,45 tỷ đồng, tăng 4,24% so với tháng trước và giảm 3,14% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.975,64 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.525,47 tỷ đồng, tăng 23,53%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.788,27 tỷ đồng, tăng 82,77%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 10,7 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 651,2 tỷ đồng, tăng 30,45% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu các ngành hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước cho thấy dấu hiệu hồi phục tích cực của thị trường tiêu dùng; việc đổi mới phương pháp làm du lịch, xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch phong phú đã tạo động lực mạnh mẽ cho ngành dịch vụ du lịch, lữ hành phát triển; bên cạnh đó, các loại hình kinh doanh dịch vụ khác hoạt động ổn định, ngày càng phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
2. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 có biến động tăng so với tháng trước. Cụ thể: Chỉ số CPI chung trong tháng tăng 0,17% so với tháng trước; tăng 0,75% so với cùng tháng năm trước và tăng 1,45% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 1,27% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có 05 nhóm hàng có xu hướng tăng so với tháng trước, bao gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,28% (chủ yếu do các mặt hàng rượu mạnh tăng 0,69%; bia lon tăng 0,97%); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng nhẹ 0,01%; thuốc và dịch vụ y tế tăng cao 5,36% (nguyên nhân do nhu cầu của người dân đối với thuốc và dịch vụ y tế tăng cao dẫn đến chỉ số giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,05%; dịch vụ khám sức khỏe tăng 6,37% theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 17/11/2023 về quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh dẫn đến chỉ số giá nhóm khám chữa bệnh ngoại trú tăng 7,24% và khám chữa bệnh nội trú tăng 6,22% so với tháng trước); văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%.
Ngược lại, có 04 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,19% (do thịt gia súc giảm 1,22%, rau tươi, khô và chế biến giảm 3,85%); may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,16% (quần, áo cho nam, nữ giảm 0,25% - 1,08%); nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,40% (điện sinh hoạt giảm 2,25%); giao thông giảm 0,57% (do xăng giảm 1,40%; dầu diezel giảm 7,14%). Riêng nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục có chỉ số giá không tăng không giảm so với tháng trước.
Chỉ số giá vàng tháng 11 năm 2023 tăng 3,68% so với tháng 10 năm 2023, tăng 12,38% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 4,72% so với bình quân cùng kỳ.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 11 năm 2023 tăng 0,03% so với tháng trước và giảm 1,11% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 2,03% so với bình quân cùng kỳ.
3. Hoạt động vận tải
Tháng 11 năm 2023 các cơ sở kinh doanh vận tải, kho bãi, bưu chính chuyển phát hoạt động kinh doanh bình thường, thời tiết thuận lợi, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, doanh thu ước đạt 36,56 tỷ đồng bằng 102,82% so với tháng trước, bằng 117,08% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, doanh thu vận tải hành khách tăng 5,15%, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 1,22% và doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 3,8%. Lũy kế 11 tháng năm 2023 doanh thu vận tải ước đạt 378,95 tỷ đồng, tăng 31,39% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách
Ước tính tháng 11 năm 2023 vận chuyển hành khách đạt 217,4 nghìn lượt hành khách, tăng 0,74% so với tháng trước, tăng 43,28% so với cùng kỳ năm trước; ước tính hành khách luân chuyển đạt 13.497,2 nghìn lượt HK.km so với tháng trước tăng 2,44% và tăng 93,95% so với cùng kỳ năm trước.
Cộng dồn 11 tháng năm 2023 vận tải hành khách ước tính đạt 1.934,8 nghìn hành khách và đạt 132.612,3 nghìn lượt HK.km, so với cùng kỳ năm trước số hành khách vận chuyển tăng 17,53% và số hành khách luân chuyển tăng 51,99%.
Vận tải hàng hoá
Dự ước vận chuyển hàng hóa tháng 11 năm 2023 đạt 168,8 nghìn tấn hàng hóa và luân chuyển hàng hóa đạt 4.906,3 nghìn tấn.km, so với tháng trước tăng 5,66% hàng hóa vận chuyển và giảm 2,36% hàng hóa luân chuyển.
Tính chung 11 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước tính đạt 1.523 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 20,37%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 70.451,1 nghìn tấn.km, tăng 79,94% so với cùng kỳ năm trước.
V. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Trong tháng 11, sau khi dừng tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tỉnh tiếp tục hướng dẫn các đơn vị điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác, trong tháng 10/2023 ghi nhận một số bệnh lưu hành như: Adeno 1.218 ca; Cúm 4.044 ca; Thủy đậu 215 ca; Tiêu chảy 2.858 ca; Lỵ trực trùng 08 ca; Quai bị 11 ca; Viêm gan vi rút khác 26 ca; Tay chân miệng 36 trường hợp; Rubella lâm sàng 01 trường; Viêm gan vi rút B 03 trường hợp; 01 trường hợp tử vong Uốn ván sơ sinh; 01 trường hợp Lao phổi; 02 trường hợp Sốt xuất huyết lâm sàng.
Trong tháng phát hiện 07 trường hợp nhiễm HIV mới. Số trường hợp đang điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tính đến tháng 11/2023 là 1.230 người.
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong tháng 11 trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
2. Giáo dục
Tiếp nhận và phân bổ 2.662.500 kg gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh tỉnh Cao Bằng theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ học kỳ I năm học 2023-2024 bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, định mức và các quy định hiện hành. Hoàn thành chương trình quyên góp ủng hộ “Sóng và máy tính cho em với số tiền nhận được là 1.955,53 triệu đồng, mua sắm được 800 máy tính bảng và trao tặng cho 800 em học sinh gia đình có điều kiện hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh để phục vụ học tập. Ngoài ra, các trường tổ chức kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023).
3. Hoạt động văn hoá, thể thao
Trong tháng, các tổ, xóm, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cùng với hoạt động của phần lễ, ngày hội còn các hoạt động văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian, văn nghệ, được tổ chức đầm ấm, ý nghĩa, gắn kết mọi người trong cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, tổ chức thành công Giải Bóng bàn các cây vợt xuất sắc quốc gia năm 2023, tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XIII, khu vực I năm 2023.
4. Tình hình trật tự, an toàn giao thông
Từ ngày 15/10/2023 đến ngày 14/11/2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 06 người chết, 26 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 847 triệu đồng. So với tháng trước tai nạn giao thông tăng 06 vụ, tăng 05 người chết, tăng 11 người bị thương.
5. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 18/10/2023 đến ngày 17/11/2023 lực lượng chức năng phát hiện 11 vụ vi phạm môi trường, xử lý hành chính 04 vụ với số tiền xử phạt 50,5 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ vi phạm môi trường đã phát hiện tăng 03 vụ và số vụ bị xử lý hành chính tăng 03 vụ.
Về tình hình cháy, nổ: Trong tháng, không có vụ cháy, nổ nào xảy ra.
6. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng xảy ra 2 vụ thiên tai do mưa lớn, sạt lở đất, làm sập đổ 1 nhà, 1 người chết và sạt lở nhiều tuyến đường, tổng giá trị thiệt hại ước tính 2.521 triệu đồng, số tiền ủng hộ là 32,6 triệu đồng.
Cục thống kê tỉnh Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn