Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023

Thứ năm - 29/06/2023 09:52

Đa số các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo từ đầu năm 2023. WB nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và U-crai-na và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát. Những động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2023 dự kiến sẽ suy giảm trong các tháng cuối năm. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu cả năm 2023 sẽ chậm lại, phản ánh sự giảm tốc rõ rệt ở các nền kinh tế phát triển như: Hoa Kỳ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 1,1%; Khu vực đồng Euro đạt 0,4%; Nhật Bản đạt 0,8%.

Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng trưởng ở mức 6,5%. Tăng trưởng của Việt Nam bị hạn chế phần nào do suy thoái toàn cầu, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại giúp giảm thiểu những trở ngại này, đồng thời du lịch phục hồi, việc tăng lương có hiệu lực từ 01/7/2023 sẽ giúp tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng.

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương; trách nhiệm, bản lĩnh; sáng tạo, hiệu quả” và chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng Kế hoạch thực hiện của đơn vị mình. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm nay như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế  

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ước tính tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,29%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,47%, làm giảm 1,18 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,29%, đóng góp 3,89 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,34%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.  

Quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành đạt 10.673 tỷ đồng, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.187 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,49%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 2.121 tỷ đồng, chiếm 19,87%; khu vực dịch vụ đạt 5.950 tỷ đồng, chiếm 55,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 415 tỷ đồng, chiếm 3,89%.   

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết gây ra, tình trạng hạn hán kéo dài, thiếu nước sản xuất nghiêm trọng dẫn đến diện tích gieo trồng nhiều loại cây vụ đông xuân giảm so với cùng kỳ năm trước. Điểm sáng của sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm là cây thuốc lá, đây là một trong những cây trồng trọng điểm của tỉnh, cả diện tích và sản lượng đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước (diện tích tăng 14,55%, sản lượng tăng 14,91%).

Kết quả sơ bộ vụ đông xuân một số cây hàng năm

Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 38.129 ha, tăng 0,52% hay tăng 197 ha so chính thức vụ đông xuân năm 2022. Diện tích tăng chủ yếu ở cây thuốc lá, lạc và cây hàng năm khác (ớt cay, ngô cây, dây lang)... Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân năm 2023 ước đạt 118.925 tấn, giảm 4,83% hay giảm 6.041 tấn so cùng vụ năm trước, giảm 5,11% hay giảm 6.410 tấn so với kế hoạch, cụ thể một số cây trồng chính như sau:

Diện tích lúa đông xuân gieo trồng được 3.569 ha, giảm 3,85% hay giảm 143 ha so với cùng kỳ năm trước và giảm 4,37% so với kế hoạch; diện tích giảm chủ yếu ở các huyện: Thạch An, Hòa An, Bảo Lâm, Hà Quảng… do đầu vụ khô hạn, thiếu nước sản xuất nhiều diện tích ruộng xa nguồn nước không chủ động được khâu làm đất gieo cấy, đến thời kỳ trổ bông nắng nóng kéo dài, ít mưa ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng vì vậy bà con phá bỏ và chuyển đổi sang trồng các loại cây hàng năm ngắn ngày khác. Năng suất bình quân ước đạt 49,97 tạ/ha, giảm 2,69% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 17.833 tấn, giảm 6,43% hay giảm 1.226 tấn và đạt 91,63% so với kế hoạch. 

Cây ngô trồng được 25.645 ha, giảm 0,61% hay giảm 158 ha so cùng vụ năm trước và tăng 1,16% so với kế hoạch, diện tích giảm chủ yếu là ngô rẫy tại các huyện: Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hoà, Bảo Lạc... do nắng nóng, khô hạn kéo dài khó khăn trong khâu làm đất, nhiều diện tích gieo trồng xong không mọc được; đến thời kỳ xoáy nõn, trổ cờ, phun râu không có mưa nhiều diện tích bị khô, vàng lá không cho sản phẩm. Năng suất ước đạt 39,41 tạ/ha, giảm 3,97% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 101.074 tấn, giảm 4,55% hay giảm 4.815 tấn và đạt 95,47% so với kế hoạch. 

Thuốc lá trồng được 3.770 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 14,55% hay tăng 479 ha và tăng 7,41% so với kế hoạch; diện tích thuốc lá tăng chủ yếu ở các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Trùng Khánh… do giá cả thị trường cao, nhu cầu tiêu thụ lớn và việc cam kết thu mua sản phẩm cũng như việc đầu tư, hỗ trợ bà con nông dân vùng nguyên liệu được cải thiện. Hiện nay một số xã đã xây dựng được vùng, mô hình thuốc lá chất lượng cao, bà con sử dụng giống mới và áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên năng suất ngày càng cao, vì vậy người dân mở rộng quy mô gieo trồng. Năng suất ước đạt 26,1 tạ/ha, tăng 0,31% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 9.841 tấn, tăng 14,91% hay tăng 1.277 tấn và đạt 109,5% so với kế hoạch. 

Cây lạc trồng được 333 ha, tăng 12,5% hay tăng 37 ha, do giá bán sản phẩm tăng và ổn định nên nhiều hộ dân tăng diện tích gieo trồng. Năng suất ước đạt 12,49 tạ/ha, tăng 8,14% so cùng vụ năm trước; sản lượng ước đạt 416 tấn, tăng 21,99% hay tăng 75 tấn và đạt 87,96% so với kế hoạch. 

Sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm 6 tháng đầu năm 2023 như sau: chuối thu hoạch đạt 1.632 tấn, tăng 6,46% hay tăng 99 tấn so với cùng kỳ năm trước; dứa thu hoạch đạt 298 tấn, tăng 2,41% hay tăng 7 tấn; thanh long thu hoạch đạt 156 tấn, tăng 0,65% hay tăng 1 tấn; mận thu hoạch đạt 457 tấn, tăng 0,88% hay tăng 4 tấn; chè búp thu hoạch đạt 220 tấn, tăng 0,46% hay tăng 1 tấn; hồi thu hoạch đạt 973 tấn, tăng 1,78% hay tăng 17 tấn… 

Chăn nuôi

Tổng đàn trâu hiện có 106.289 con, giảm 0,29% hay giảm 306 con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 946 tấn, tăng 2,49% hay tăng 23 tấn so với cùng kỳ năm 2022. Tổng đàn bò ước tính 103.483 con, tăng 0,15% hay tăng 153 con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 1.133 tấn, tăng 1,61% hay tăng 18 tấn.

Tổng số lợn hiện có 325.713 con, tăng 3,89% hay tăng 12.188 con so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước tính đạt 14.534 tấn, tăng 4,74% hay tăng 658 tấn so với cùng kỳ năm trước. Đàn lợn đang trong đà khôi phục do dịch bệnh trên đàn lợn cơ bản được khống chế, giá lợn hơi ổn định và có xu hướng tăng, bên cạnh đó từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục diễn ra sôi nổi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn lớn vì vậy các hộ chăn nuôi đầu tư mở rộng quy mô dẫn đến tổng đàn và sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng.

Ước tính tổng đàn gia cầm hiện có 3.064,3 nghìn con, tăng 0,22% hay tăng 6,69 nghìn con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 3.103 tấn, tăng 0,55%; sản lượng trứng gia cầm đạt 19.584 nghìn quả, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

b. Lâm nghiệp   

Diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.002 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 42,51% hay giảm 741 ha. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ 190.322 ha, so với cùng kỳ năm trước không thay đổi. Diện tích rừng trồng được chăm sóc 7.022 ha, tăng 24,42% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số gỗ khai thác ước đạt 7.110 m3, so với cùng kỳ năm trước giảm 31,34% hay giảm 3.246 m³. Củi khai thác 402.474 ste, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,09% hay tăng 4.359 ste. 

c. Thuỷ sản

Tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 269,84 tấn, tăng 0,35% hay tăng 0,93 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 213,86 tấn, giảm 1,62% hay giảm 3,53 tấn; sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 55,98 tấn, tăng 8,66% hay tăng 4,46 tấn so với cùng kỳ năm trước.

3. Công nghiệp 

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 giảm 3,22% so với cùng kỳ năm, giảm chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện giảm 39,97% do thời tiết khô hạn, dung lượng nước thấp ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất điện; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,52%; ngành khai khoáng tăng 32,62% do một số đơn vị khai thác được cấp phép hoạt động trở lại và khai thác với công suất lớn hơn; ngành chế biến, chế tạo tăng 21,92%, tăng chủ yếu ở ngành sản xuất kim loại tăng 47,1% do năm trước Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng gặp sự cố lò buộc phải dừng sản xuất hai tháng và một phần do dịch bệnh Covid-19, năm nay hoạt động ổn định hơn nên sản lượng sản phẩm sản xuất tăng khá. 

Các sản phẩm sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022: xi măng tăng 223,01%; cát tự nhiên các loại tăng 91,75%; phôi thép tăng 58,22%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 43,02%; đá xây dựng tăng 26,5%; nước tinh khiết tăng 8,45%; gạch xây tăng 2,34%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: điện sản xuất giảm 46,71%; đường giảm 38,89%; quặng manggan và tinh quặng manggan giảm 33,87%; manggan và sản phẩm của manggan giảm 22,36%; điện thương phẩm giảm 5,48%; sản phẩm in khác giảm 1,33%...

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: có 37,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2023 tốt hơn quý I/2023; 37,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định; 25% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Dự kiến quý III/2023 so với quý II/2023, có 25% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn; 37,5% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh ổn định; 37,5% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

4. Đầu tư phát triển

Tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tính chung 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.022,29 tỷ đồng, giảm 11,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn khu vực Nhà nước đạt 1.802,87 tỷ đồng, chiếm 59,65%, tăng 24,19% so với cùng kỳ năm 2022; Vốn khu vực ngoài nhà nước đạt 1.219,42 tỷ đồng, chiếm 40,35%, giảm 36,94% so với cùng kỳ năm trước; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm không phát sinh. 

Trong vốn đầu tư khu vực Nhà nước thì vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước có 1.243,24 tỷ đồng, chiếm 68,96%. Trong đó 1.130,26 tỷ đồng là vốn địa phương quản lý, tăng 36,87% so với cùng kỳ năm trước, bằng 32,08% kế hoạch năm đã giao chi tiết, chủ yếu do vốn thực hiện các chương trình mục tiêu tăng so với các năm đầu trong giai đoạn 2021-2025. 

Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước giảm mạnh so với cùng kỳ do các dự án lớn vốn ngoài nhà nước đầu tư trên địa bàn tỉnh đều là các dự án chuyển tiếp, cơ bản đã hoàn thiện trong năm 2022, trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ hoàn thiện nốt công trình như: Dự án chung cư Hà Nội Phoenix Tower, dự án Khai thác lộ thiên khoáng sản Niken-Đồng khu vực xã Quang Trung và xã Hà Trì, huyện Hòa An. Bên cạnh đó, do lãi suất vay tăng cao trong thời gian qua cũng khiến cho các hộ gia đình, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn để đầu tư.

5. Thương mại, dịch vụ, giá 

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Trong 6 tháng đầu năm 2023, do không còn chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 nên nhu cầu tiêu dùng, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân tăng cao. Đồng thời, giá xăng dầu đã giảm so với cùng kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.198,22 tỷ đồng, tăng 38,85% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.945,74 tỷ đồng, tăng 28,00%; Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 895,51 tỷ đồng, tăng 104,03%; Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 4,36 tỷ đồng, tăng 124,55%; Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 352,61 tỷ đồng tăng 60,14%.

Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có biến động tăng so với tháng trước. Cụ thể: Chỉ số CPI chung trong tháng tăng 0,16% so với tháng trước; giảm 0,29% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng năm 2023 tăng 2,03% so với bình quân cùng kỳ.

Chỉ số CPI bình quân 6 tháng năm nay so với bình quân cùng kỳ năm trước tăng ở hầu hết các nhóm hàng, chỉ có 02 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm giao thông giảm 4,30% chủ yếu do nhóm nhiên liệu giảm 18,02% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,04% do một số mặt hàng thiết bị điện thoại di động giảm giá.

Chỉ số giá vàng và chỉ số Đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng tháng 6 năm 2023 giảm 0,75% so với tháng trước; tăng 3,18% so với cùng tháng năm trước; chỉ số giá vàng bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 1,23% so với bình quân cùng kỳ. 

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 6 năm 2023 tăng 0,12% so với tháng trước; tăng 0,43% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 2,76% so với bình quân cùng kỳ.

Hoạt động vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 205,68 tỷ đồng, tăng 50,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách 78,87 tỷ đồng, tăng 109,3%; doanh thu vận tải hàng hóa 123,13 tỷ đồng tăng 28,09%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 3,68 tỷ đồng, tăng 11,29% so với cùng kỳ năm 2022.

Số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 790,8 nghìn hành khách, tăng 12,52% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 66,19 triệu HK.Km, tăng 89,32% so với cùng kỳ năm trước. 

Vận chuyển hàng hoá ước đạt 764,4 nghìn tấn, tăng 27,38% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa luân chuyển ước đạt 42,73 triệu tấn.km, tăng 120,23% so với cùng kỳ năm trước. 

                                                                                                                                                                                                                                         CỤC THỐNG KÊ TỈNH CAO BẰNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây