I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
1. Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 8 chủ yếu tập trung vào gieo trồng và chăm sóc các loại cây trồng vụ mùa. Tình hình thời tiết trong tháng mưa nắng xen kẽ, thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.
Tiến độ gieo trồng vụ mùa tính đến ngày 15/8 toàn tỉnh gieo trồng được 25.976 ha lúa, tăng 1,66% hay tăng 424 ha so với cùng kỳ năm trước, hiện nay cây lúa đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh và phát triển tốt. Cây ngô gieo trồng được 15.183 ha, tăng 1,59% hay tăng 238 ha so với cùng kỳ năm trước; khoai lang trồng được 586 ha, tăng 1,03% hay tăng 6 ha; đậu tương trồng được 1.828 ha, giảm 1,61% hay giảm 30 ha; cây lạc trồng được 1.607 ha, giảm 0,19% hay giảm 3 ha; cây mía trồng được 2.949 ha, tăng 3,62% hay tăng 103 ha; rau các loại trồng được 2.515 ha, giảm 1,33% hay giảm 34 ha so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, tiến độ gieo trồng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước do đầu vụ thời tiết thuân lợi, chủ động được nguồn nước và khâu làm đất vì vậy những diện tích hạn hán không gieo trồng từ năm trước được bà con gieo trồng trở lại.
Chính thức Vụ đông xuân năm 2022:
Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 37.932 ha, tăng 0,7% hay tăng 265 ha so chính thức vụ đông xuân năm 2021. Diện tích tăng chủ yếu ở cây lúa, thuốc lá và cây hàng năm khác (ớt cay, gừng, nghệ, cỏ voi)... Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân năm 2022 đạt 124.966 tấn, giảm 0,08% hay giảm 96 tấn so cùng vụ năm trước và tăng 4,71% so với kế hoạch. Cụ thể một số cây trồng chính như sau:
Diện tích lúa đông xuân gieo trồng được 3.712 ha, tăng 2,17% hay tăng 79 ha so với cùng vụ năm trước và tăng 1,49% so với kế hoạch; diện tích tăng chủ yếu ở các huyện: Thạch An, Hòa An, Bảo Lâm… do đầu vụ mưa nhiều và đều nên bà con chủ động làm đất, lấy nước để gieo cấy, bên cạnh đó một số hệ thống thủy lợi đã khơi thông như thủy lợi Khuổi Khoán… nhiều diện tích không đủ nước gieo trồng từ những năm trước đã được gieo trồng lúa trở lại. Năng suất bình quân đạt 51,35 tạ/ha, giảm 0,58% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 19.059 tấn, tăng 1,58% hay tăng 296 tấn và đạt 102,26% so với kế hoạch.
Cây ngô trồng được 25.803 ha, giảm 0,23% hay giảm 59 ha so cùng vụ năm trước và tăng 1,96% so với kế hoạch; cây ngô là loại cây dễ trồng, sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh do đó bà con nông dân thường gieo trồng hết diện tích; tuy nhiên đầu vụ thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, mưa nhiều nên khó khăn trong khâu làm đất, nhiều diện tích gieo trồng xong không mọc được vì vậy diện tích giảm so với cùng kỳ năm trước. Năng suất đạt 41,04 tạ/ha, giảm 0,12% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 105.889 tấn, giảm 0,37% hay giảm 391 tấn và đạt 103,12% so với kế hoạch.
Thuốc lá trồng được 3.291 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,76% hay tăng 237 ha và bằng 107,68% so với kế hoạch; diện tích thuốc lá tăng chủ yếu ở các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình… do năm nay việc cam kết thu mua sản phẩm cũng như việc đầu tư, hỗ trợ bà con nông dân được cải thiện, một số xã đã xây dựng được vùng nguyên liệu và mô hình thuốc lá chất lượng cao. Năng suất đạt 26,02 tạ/ha, tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng đạt 8.564 tấn, tăng 10,19% hay tăng 792 tấn và đạt 112,92% so với kế hoạch.
Cây đậu tương trồng được 500 ha, giảm 8,76% hay giảm 48 ha do đậu tương hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều hộ có hướng giảm diện tích để tăng diện tích các loại cây trồng khác. Năng suất đạt 8,66 tạ/ha, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 433 tấn, giảm 6,28% hay giảm 29 tấn và đạt 76,55% so với kế hoạch.
Cây lạc trồng được 296 ha, giảm 1,99% hay giảm 6 ha, diện tích giảm là do đầu vụ mưa nhiều, một số nơi bị ngập úng không trồng được nên chuyển sang trồng cây hàng năm khác. Năng suất đạt 11,55 tạ/ha, giảm 3,51% so cùng vụ năm trước; sản lượng đạt 341 tấn, giảm 5,54% hay giảm 20 tấn và đạt 89,83% so với kế hoạch.
Cây lâu năm
Trong tháng, các hộ gia đình tiếp tục thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường như chuối, dứa, đu đủ, mít, thanh long, chanh, ổi, nhãn, na… Đồng thời, đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc các loại cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng suất thấp, sản phẩm kém chất lượng và trồng mới một số diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn.
Tình hình dịch bệnh
Trong tháng thời tiết mưa, nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại đối với cây trồng xảy ra ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh như: bệnh sâu đục thân, ốc bươu vàng, bệnh khô vằn, bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại trên cây lúa; bệnh sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô; bệnh sâu keo, sâu gai, gây hại trên rau, đậu các loại… Tuy nhiên mức độ gây hại trên cây trồng không lớn do đã được cơ quan chức năng kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.
Chăn nuôi
Trong 8 tháng đầu năm 2022, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được người chăn nuôi đầu tư chăm sóc và phát triển. Công tác theo dõi, giám sát dịch bệnh được các địa phương quan tâm thực hiện, đa số các ổ dịch bệnh được phát hiện sớm và kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định nhằm hạn chế các ổ dịch phát sinh và lây lan; việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch nội địa được quản lý chặt chẽ.
Tổng đàn trâu hiện có 105.862 con, tăng 4,36% hay tăng 4.423 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò hiện có 107.181 con, giảm 1,42% hay giảm 1.547 con; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 8 đạt 106 tấn, tăng 0,75% so với cùng kỳ năm 2021, lũy kế từ đầu năm 1.171 tấn, tăng 3,77%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tháng 8 đạt 125 tấn, tăng 4,81%, lũy kế từ đầu năm đạt 1.375 tấn, tăng 0,81%.
Tổng số lợn hiện có 312.350 con, tăng 5,55% hay tăng 16.427 con so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 8 đạt 2.074 tấn, tăng 9,47% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm đạt 17.523 tấn, tăng 3%.
Tổng số gia cầm hiện có 2.956,98 nghìn con, giảm 3,72% hay giảm 114,23 nghìn con so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 8 đạt 482 tấn, tăng 10,22%, lũy kế từ đầu năm đạt 4.136 tấn, tăng 5,09%; sản lượng trứng gia cầm đạt 2.681 nghìn quả, tăng 3,05%, lũy kế từ đầu năm đạt 24.497 nghìn quả, tăng 2,96%.
Tính từ ngày 16/7 đến ngày 15/8/2022, dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng phức tạp trở lại, xuất hiện thêm một số ổ dịch tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, làm mắc và buộc tiêu hủy 1.174 con lợn tập trung chủ yếu ở huyện Hạ Lang và huyện Trùng Khánh, lũy kế từ đầu năm 1.792 con lợn; các ổ dịch đã được xử lý theo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương: 03 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy... lũy kế từ đầu năm là 57 con; 18 con lợn chết do tụ huyết trùng, lợn con phân trắng... lũy kế từ đầu năm là 174 con; 226 con gia cầm các loại chết do bệnh Newcastle, tụ huyết trùng... lũy kế từ đầu năm là 1.954 con.
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tháng 8 tập trung kiểm tra, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo và đôn đốc thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản và chặt phá rừng trái phép; tăng cường bám sát địa bàn, tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình về hoạt động quản lý bảo vệ rừng và các phương án phòng chống cháy rừng tại địa phương. Tính từ ngày 15/7 đến ngày 14/8/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ chặt phá rừng trái pháp luật với diện tích 0,41 ha tại huyện Nguyên Bình.
Ước tính diện tích trồng rừng mới trong tháng là 71,81 ha, tăng 67,39% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm là 1.662,46 ha, giảm 13,33%; sản lượng gỗ khai thác ước tính khoảng 1.196,38 m3, giảm 21,48% so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm là 10.641,9 m3, giảm 34,73%; sản lượng củi khai thác khoảng 50.664,4 ste, giảm 1,66% so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 565.537,83 ste, tăng 0,09%.
3. Thuỷ sản
Trong tháng 8, nuôi trồng và khai thác thủy sản vẫn duy trì ổn định, các hộ gia đình tập trung vào chăm sóc diện tích nuôi trồng và thu hoạch các loại thủy sản thả từ năm trước. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt thấp do người dân dùng những phương tiện thô sơ để đánh bắt và chủ yếu mang tính chất tự cung tự cấp.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 8 ước tính đạt 22,38 tấn, tăng 3,04% hay tăng 0,66 tấn so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 304,43 tấn, giảm 2,61% hay giảm 8,17 tấn, trong đó: sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 9,59 tấn, tăng 1,8% hay tăng 0,17 tấn, lũy kế từ đầu năm 66,63 tấn, giảm 12,27% hay giảm 9,32 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 12,79 tấn, tăng 3,98% hay tăng 0,49 tấn, lũy kế từ đầu năm 237,8 tấn, tăng 0,49% hay tăng 1,15 tấn.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Sản xuất công nghiệp tháng 8/2022 tiếp tục đà phục hồi nhanh và mạnh khi giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào có dấu hiệu hạ nhiệt, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn và hoạt động tối đa công suất, huy động mọi nguồn lực để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 ước tính tăng 26,59% so với tháng trước và tăng 14,03% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,42% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 8/2022 ước tính tăng 26,59% so với tháng trước và tăng 14,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao nhất với mức tăng 22,67%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,37%, số tăng chủ yếu là ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 59,7% và ngành sản xuất kim loại tăng 7,78% do Công ty Cổ phần gang thép Cao Bằng tăng ca hoạt động và tăng thêm khối lượng sản phẩm sản xuất; ngành cung cấp nước, động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 15,93 % so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 15,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành sản xuất và phân phối điện tăng 41,49%; ngành khai khoáng tăng 17,12%; ngành chế biến, chế tạo giảm 6,63%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,93%.
Trong 8 tháng năm 2022, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước: nước tinh khiết tăng 48,55%; điện sản xuất tăng 43,45%; manggan và các sản phẩm của manggan tăng 39,91%; gạch xây tăng 32,36%; quặng manggan và tinh quặng manggan tăng 31,81%; điện thương phẩm tăng 30,98%, sản phẩm in khác tăng 3,49%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 75,57%; chiếu trúc, chiếu tre giảm 53,91%; xi măng giảm 35,49%; đá xây dựng giảm 24,58%; cát tự nhiên các loại giảm 24,13%; sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm giảm 16,57%; nước uống được giảm 1,43%.
III. ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG
Tháng 8 năm 2022 vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước tính đạt 202,4 tỷ đồng, tăng 3,71% so với tháng trước. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 193,9 tỷ đồng, tăng 3,50%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 8,5 tỷ đồng, tăng 8,70% so với tháng trước.
Tháng 7 năm 2022, do mưa nhiều, thời tiết không thuận lợi nên khối lượng thực hiện đạt thấp hơn so với dự tính. Trong tháng 8, các chủ đầu tư chủ yếu tiếp tục thực hiện các công trình chuyển tiếp.
Các dự án chuyển tiếp có khối lượng thực hiện lớn trong tháng bao gồm: Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng; Đường tỉnh 208, từ thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An) - xã Cách Linh, Triệu Ẩu (huyện Phục Hòa) - xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (huyện Hạ Lang) - xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh), tỉnh Cao Bằng (Giai đoạn 2); Nâng cấp, cải tạo đường Nà Pồng -Đức Hạnh (cầu qua sông Gâm) huyện Bảo Lâm; Bảo tàng tỉnh Cao Bằng; Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Cao Bằng.
Tính chung 8 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước tính thực hiện được 1.191,34 tỷ đồng, bằng 48,41% kế hoạch năm 2022, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 1.111,82 tỷ đồng, tăng 0,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 79,52 tỷ đồng, giảm 14,78% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, tỉnh Cao Bằng vẫn nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của cả nước. Trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công tại các phiên họp UBND tỉnh thường kỳ; ban hành các văn bản chỉ đạo; Tổ chức Hội nghị xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và triển khai kế hoạch thực hiện vốn đầu tư công năm 2022 tại các huyện, thành phố và một số chủ đầu tư nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm.
IV. THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ, GIÁ CẢ
Tình hình hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ, vận tải trên địa bàn tỉnh trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực, kết quả đạt được tăng so với cùng kỳ năm trước.
1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 năm 2022 ước đạt 756,80 tỷ đồng, tăng 8,37% so với tháng trước và tăng 24,92% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 617,36 tỷ đồng, tăng 9,22% so với tháng trước và tăng 20,19% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng doanh thu tăng cao so với tháng trước như: nhóm lương thực, thực phẩm tăng 16,22% do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Rằm tháng 7 tăng cao; các nhóm hàng may mặc tăng 12,91% và nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 31,32% do nhiều gia đình đã mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới. Ngoài ra, các nhóm khác tăng như: nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,77%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 10,75%; nhóm phương tiện đi lại trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 4,04%; nhóm xăng, dầu các loại tăng 1,9%; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 4,88%; nhóm đá quý, kim loại và sản phẩm tăng 4,65%; nhóm hàng hóa khác tăng 12,20%. Riêng nhóm doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, me máy và xe có động cơ khác giảm 1,49%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 94,21 tỷ đồng, tăng 4,96% so với tháng trước, tăng 61,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước tính đạt 8,52 tỷ đồng, giảm 5,52%; dịch vụ ăn uống ước tính đạt 85,68 tỷ đồng, tăng 6,13% so với tháng trước.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 0,55 tỷ đồng, giảm 1,96% so với tháng trước và tăng gấp 37 lần so với cùng kỳ năm trước. Từ sau khi mở cửa lại du lịch, tình hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch đã diễn ra sôi động trên khắp các địa phương trong tỉnh. Để chào đón, thu hút du khách, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và kích cầu du lịch trong tình hình mới.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 44,68 tỷ đồng, tăng 4,32% so với tháng trước và tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.349,64 tỷ đồng, tăng 10,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.434,61 tỷ đồng, tăng 10,20%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 622,87 tỷ đồng, tăng 18,57%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 3,05 tỷ đồng, tăng 21,14%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 289,11 tỷ đồng, tăng 2,70%.
2. Hoạt động xuất nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý tháng 8 năm 2022 ước đạt 88,3 triệu USD tăng 51% so với tháng trước. Trong đó: kim ngạch nhập khẩu đạt 54,4 triệu USD tăng 215%; kim ngạch xuất khẩu đạt 23 triệu USD giảm 32%; kim ngạch hàng giám sát, tạm nhập tái xuất đạt 10,9 triệu USD tăng 47% so với tháng trước. Luỹ kế từ đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 566,8 triệu USD tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: hạt điều đạt 9,2 triệu USD tăng 52% so với tháng trước; hạt tiêu đạt 2,3 triệu USD tăng 69%; gỗ đạt 1,3 triệu USD tăng 47%; kim loại thường khác và sản phẩm đạt 2,6 triệu USD giảm 35%; hàng rau quả đạt 0,049 triệu USD giảm 15% so với tháng trước.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Hàng rau quả đạt 0,556 triệu USD giảm 32% so với tháng trước; Than các loại đạt 1,3 triệu USD giảm 72%; Vải các loại đạt 4,5 triệu USD giảm 19%; Máy móc thiết bị phụ tùng khác đạt 19,6 triệu USD giảm 56%; Ô tô vận tải đạt 3,3 triệu USD tăng 699%; ô tô tải tự đổ đạt 20,9 triệu USD tăng 298% so với tháng trước.
3. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2022 tăng 0,39% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tăng do có 07/11 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ số giá tăng cao nhất với mức tăng 2,92%, nguyên nhân chỉ số giá nhóm này tăng do tại địa phương dịp Rằm tháng 7 âm lịch nhu cầu mua sắm các loại lương thực, thực phẩm tăng cao; đồng thời do giá thịt lợn hơi tăng dẫn đến giá thịt và các sản phẩm từ thịt tăng, một số loại rau củ hết mùa vụ nên nguồn cung giảm dẫn đến giá tăng.
Ngoài ra, các nhóm khác có chỉ số giá tăng như: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,27%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,03%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; Giáo dục tăng 0,02%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,32%; Hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,02%.
Bên cạnh đó, có 02 nhóm hàng hoá chỉ số giá giảm: May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,15%; Giao thông giảm 5,20% so với tháng trước. Các nhóm Thuốc và dịch vụ y tế, Bưu chính viễn thông có chỉ số giá không tăng không giảm so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2022 tăng 3,7% so với tháng 12 năm 2021 (sau 8 tháng), tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 0,3% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 8, chỉ số giá vàng giảm 0,97% so với tháng trước, tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá vàng bình quân 8 tháng tăng 2,33% so với bình quân cùng kỳ. Chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,49% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân 8 tháng tăng 0,17% so với bình quân cùng kỳ.
4. Hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải tháng 8 năm 2022 ước đạt 28,65 tỷ đồng, tăng 3,23% so với tháng trước và tăng 32,43% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, doanh thu vận tải hành khách tăng 8,01%, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 0,93% và doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 11,99%.
Vận tải hành khách
Ước tính tháng 8 năm 2022 vận chuyển hành khách đạt 185,3 nghìn lượt hành khách, tăng 5,76% so với tháng trước, tăng 127,87% so với cùng kỳ năm trước; ước tính hành khách luân chuyển đạt 10.121,0 nghìn lượt HK.km so với tháng trước tăng 9,14%, tăng 146,21% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách trong 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 876,2 nghìn hành khách và đạt 49.889,3 nghìn lượt HK.km, so với cùng kỳ năm trước số hành khách vận chuyển giảm 1,49% và số hành khách luân chuyển giảm 2,47%.
Vận tải hàng hoá
Dự ước vận chuyển hàng hóa tháng 8 năm 2022 đạt 108,4 nghìn tấn hàng hóa và luân chuyển hàng hóa đạt 3.301,8 nghìn tấn.km, so với tháng trước tăng 5,86% hàng hóa vận chuyển và tăng 0,45% hàng hóa luân chuyển.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, vận tải hàng hóa ước tính đạt 810,9 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 36,86%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 25.991,0 nghìn tấn.km, giảm 10,52% so với cùng kỳ năm trước.
V. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
1. Thu chi ngân sách
Hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 8 năm 2022 duy trì tiến độ. Thu ngân sách tăng khá so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu; chi ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo hoạt động chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/8/2022 đạt 2.880.087 triệu đồng, bằng 171% so với dự toán Trung ương giao; bằng 143% so với dự toán Hội đồng nhân dân giao và bằng 300% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 705.303 triệu đồng, bằng 86%; thu thuế xuất, nhập khẩu đạt 2.169.989 triệu đồng, bằng 1.638% so với cùng kỳ năm trước (tăng đột biến nhập khẩu các mặt hàng: ô tô nguyên chiếc, vải các loại, máy móc thiết bị phụ tùng khác).
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/8/2022 đạt 3.818.017 triệu đồng, bằng 36% so với dự toán Trung ương giao; bằng 35% so với dự toán Hội đồng nhân dân giao và bằng 91% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi thường xuyên và mục tiêu sự nghiệp đạt 3.192.172 triệu đồng, bằng 91% so với cùng kỳ năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 623.372 triệu đồng, bằng 93%; chi trả nợ lãi 1.174 triệu đồng, bằng 130%; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính đạt 1.300 triệu đồng.
2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng
Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng và nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền… cho các đối tượng khách hàng theo quy định. Nguồn vốn huy động tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vốn hợp pháp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được duy trì ổn định, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1%-6,7% trên 1 năm, một số ngân hàng có chương trình cạnh tranh, lãi suất cao hơn mức lãi suất bình quân; lãi suất tiền gửi online cao hơn mức lãi suất niêm yết tại quầy giao dịch từ 0,1-0,4%/năm để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên biến động từ 4,5%-11,65%; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7,5%-13% trên 1 năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói tín dụng.
Tổng vốn huy động và quản lý trên địa bàn ước tính đến 31/8/2022 đạt 25.700 tỷ đồng, tăng 2,3% hay tăng 582 tỷ đồng so đầu năm, trong đó: nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 22.300 tỷ đồng, chiếm 86,77% tổng nguồn vốn và tăng 1,8% hay tăng 393 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 3.400 tỷ đồng, chiếm 13,23% tổng nguồn vốn, tăng 5,88% hay tăng 189 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước tính đến 31/8/2022 đạt 13.600 tỷ đồng, tăng 741 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ xấu 160 tỷ đồng, chiếm 1,18% tổng dư nợ.
Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thanh khoản tốt, tỷ giá ngoại tệ diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước; các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng. Từ đầu năm đến nay, giá vàng có xu hướng tăng, giảm theo biến động của thị trường, tính đến ngày 17/8/2022 giá vàng trong nước ở mức mua vào - bán ra lần lượt là 66,1 - 67,1 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao.
VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống dịch Covid-19, chủ động kiểm soát nguy cơ dịch bệnh đảm bảo linh hoạt, hiệu quả; phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra.
Luỹ tích từ ngày 04/02/2020 đến ngày 14/8/2022, tỉnh Cao Bằng xét nghiệm sàng lọc Covid-19 được 567.177 mẫu, trong đó có 95.902 mẫu dương tính. Tính đến 17h00 ngày 14/8/2022, có 04 trường hợp bệnh đang được cách ly điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh, 62 trường hợp bệnh không có triệu chứng đang được cách ly, điều trị tại nhà, khỏi bệnh 95.774 người, chuyển tuyến trung ương 03 người và tử vong 59 người.
Tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Lũy tích số mũi tiêm đã thực hiện từ ngày 16/4/2021 đến ngày 14/8/2022 là 1.223.082 mũi.
Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: Trong tháng ghi nhận một số bệnh lưu hành như: Adeno 41 ca; Cúm 660 ca; Quai bị 02 ca; Thủy đậu 05 ca; Tiêu chảy 287 ca; 06 trường hợp Tay chân miệng; 01 trường hợp Rubella; 01 trường hợp Viêm gan B; 01 trường hợp nghi sởi.
Trong tháng phát hiện 02 trường hợp nhiễm HIV mới, không có trường hợp mới chuyển AIDS. Số trường hợp đang điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tính đến tháng 8/2022 là 2.055 người.
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong tháng trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
2. Giáo dục
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại tỉnh Cao Bằng, tỷ lệ học sinh (không bao gồm thí sinh tự do) tốt nghiệp THPT là 98,62%, giáo dục thường xuyên là 88,39%; trong đó có 08 trường THPT có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 100%. Điểm thi tốt nghiệp nhìn chung chênh lệch thấp so với điểm học bạ của học sinh, điều này phản ánh công tác kiểm tra, đánh giá của các trường thực hiện nghiêm túc, đúng thực chất và năng lực của học sinh. Đến ngày 30/7/2022 các đơn vị trường học đã hoàn thành việc in và cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh.
Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học, tổ chức dọn dẹp vệ sinh trong và ngoài lớp học; chỉ đạo các lớp trang trí lớp học và rà soát, bổ sung đồ dùng, đồ chơi cho các lớp đảm bảo điều kiện tốt nhất cho năm học 2022 - 2023.
3. Tình hình trật tự, an toàn giao thông
Từ ngày 15/7/2022 đến ngày 14/8/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 04 người chết, 09 người bị thương. So với tháng trước tai nạn giao thông tăng 04 vụ, tăng 02 người chết, tăng 08 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 01 vụ, giảm 01 người chết, tăng 02 người bị thương.
4. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/7/2022 đến ngày 14/8/2022 lực lượng chức năng phát hiện 12 vụ vi phạm môi trường, xử lý hành chính 08 vụ với số tiền xử phạt 92,25 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ vi phạm môi trường đã phát hiện tăng 04 vụ và tăng 04 vụ vi phạm môi trường đã xử lý.
Về tình hình cháy, nổ: Trong tháng, xảy ra 02 vụ cháy nhà (tăng 02 vụ so với tháng trước). Hậu quả: không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản ước tính 300 triệu đồng.
5. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng 8 năm 2022 xảy ra 03 vụ thiên tai do mưa kèm lốc cục bộ, làm 24 ngôi nhà bị tốc mái; 04 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 02 công trình nhà văn hóa, 01 công trình nhà để xe bị tốc mái; lưới điện hạ thế tại UBND xã Hồng An huyện Bảo Lạc bị đứt dây, gây mất điện cục bộ. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 114,15 triệu đồng.