Đa số các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo từ đầu năm 2023. WB nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và U-crai-na và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát. Những động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2023 dự kiến sẽ suy giảm trong các tháng cuối năm. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu cả năm 2023 sẽ chậm lại, phản ánh sự giảm tốc rõ rệt ở các nền kinh tế phát triển như: Hoa Kỳ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 1,1%; Khu vực đồng Euro đạt 0,4%; Nhật Bản đạt 0,8%.
Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng trưởng ở mức 6,5%. Tăng trưởng của Việt Nam bị hạn chế phần nào do suy thoái toàn cầu, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại giúp giảm thiểu những trở ngại này, đồng thời du lịch phục hồi, các dự án đầu tư công mới được khởi công, việc tăng lương có hiệu lực từ 01/7/2023 sẽ giúp tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng.
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương; trách nhiệm, bản lĩnh; sáng tạo, hiệu quả” và chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng Kế hoạch thực hiện của đơn vị mình. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm nay như sau:
I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine, lạm phát và lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, những thách thức về biến đổi khí hậu, năng lượng… Trước những khó khăn và thách thức đó nền kinh tế của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng cho thấy hiệu quả trong quyết sách, chỉ đạo điều hành của hệ thống chính trị các cấp và sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,29%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,47%, làm giảm 1,18 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,29%, đóng góp 3,89 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,34%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành đạt 10.673 tỷ đồng, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.187 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,49%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 2.121 tỷ đồng, chiếm 19,87%; khu vực dịch vụ đạt 5.950 tỷ đồng, chiếm 55,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 415 tỷ đồng, chiếm 3,89%.
II. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, khô hạn và nắng nóng kéo dài, thiếu nước sản xuất nghiêm trọng ảnh hưởng đến trồng trọt; một số diện tích đã gieo trồng như lúa, ngô có khả năng chịu ảnh hưởng của hạn hán, sinh trưởng và phát triển của cây trồng bị hạn chế. Chăn nuôi phát triển tốt, số lượng đầu con và sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng; sản xuất lâm nghiệp giảm; sản xuất thuỷ sản tăng so với cùng kỳ năm trước.
1. Nông nghiệp
Cây hàng năm
Trong tháng, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là chăm sóc và thu hoạch một số cây trồng chính vụ đông xuân, đồng thời làm đất gieo mạ vụ mùa. Thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho việc thu hoạch các loại cây trồng, tiến độ thu hoạch tính đến ngày 15/6 được như sau:
Lúa đông xuân thu hoạch được 28 ha, tăng 3,7% hay tăng 1 ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 113 tấn, tăng 1,8%. Ngô thu hoạch được 5.297 ha, giảm 13,41% hay giảm 820 ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 19.164 tấn, giảm 18,01%. Thuốc lá thu hoạch được 3.770 ha, tăng 14,55% hay tăng 479 ha; sản lượng ước đạt 9.841 tấn, tăng 14,91%. Đậu tương thu hoạch được 239 ha, giảm 17,87% hay giảm 52 ha; sản lượng ước đạt 212 tấn, giảm 14,52%. Lạc thu hoạch được 48 ha, tăng 9,09% hay tăng 4 ha; sản lượng ước đạt 59 tấn, tăng 31,11%. Rau các loại thu hoạch được 1.636 ha, giảm 6,35% hay giảm 111 ha; sản lượng ước đạt 13.099 tấn, giảm 0,67%. Nhìn chung, tiến độ thu hoạch các loại cây trồng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước do năm nay nhuận hai tháng 02 nên mùa vụ diễn ra muộn hơn so với với năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết gây ra, tình trạng hạn hán kéo dài, thiếu nước sản xuất nghiêm trọng dẫn đến diện tích gieo trồng nhiều loại cây vụ đông xuân giảm so với cùng kỳ năm trước; ước tính khoảng 9.151 ha (lúa 314 ha, ngô 8.837 ha) có khả năng chịu ảnh hưởng của hạn hán, sinh trưởng và phát triển cây trồng bị hạn chế. Điểm sáng của sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm là cây thuốc lá, đây là một trong những cây trồng trọng điểm của tỉnh, cả diện tích và sản lượng đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước (diện tích tăng 14,55%, sản lượng tăng 14,91%), giá trị sản xuất cây thuốc lá chiếm tỷ trọng 14,13% trong ngành nông nghiệp và 12,39% trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.
Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 38.129 ha, tăng 0,52% hay tăng 197 ha so chính thức vụ đông xuân năm 2022. Diện tích tăng chủ yếu ở cây thuốc lá, lạc và cây hàng năm khác (ớt cay, ngô cây, dây lang)... Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân năm 2023 ước đạt 118.925 tấn, giảm 4,83% hay giảm 6.041 tấn so cùng vụ năm trước, giảm 5,11% hay giảm 6.410 tấn so với kế hoạch, cụ thể một số cây trồng chính như sau:
Diện tích lúa đông xuân gieo trồng được 3.569 ha, giảm 3,85% hay giảm 143 ha so với cùng kỳ năm trước và giảm 4,37% so với kế hoạch; diện tích giảm chủ yếu ở các huyện: Thạch An, Hòa An, Bảo Lâm, Hà Quảng… do đầu vụ khô hạn, thiếu nước sản xuất nhiều diện tích ruộng xa nguồn nước không chủ động được khâu làm đất gieo cấy, đến thời kỳ trổ bông nắng nóng kéo dài, ít mưa ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng vì vậy bà con phá bỏ và chuyển đổi sang trồng các loại cây hàng năm ngắn ngày khác. Năng suất bình quân ước đạt 49,97 tạ/ha, giảm 2,69% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 17.833 tấn, giảm 6,43% hay giảm 1.226 tấn và đạt 91,63% so với kế hoạch.
Cây ngô trồng được 25.645 ha, giảm 0,61% hay giảm 158 ha so cùng vụ năm trước và tăng 1,16% so với kế hoạch, diện tích giảm chủ yếu là ngô rẫy tại các huyện: Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hoà, Bảo Lạc... do nắng nóng, khô hạn kéo dài khó khăn trong khâu làm đất, nhiều diện tích gieo trồng xong không mọc được; đến thời kỳ xoáy nõn, trổ cờ, phun râu không có mưa nhiều diện tích bị khô, vàng lá không cho sản phẩm. Năng suất ước đạt 39,41 tạ/ha, giảm 3,97% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 101.074 tấn, giảm 4,55% hay giảm 4.815 tấn và đạt 95,47% so với kế hoạch.
Thuốc lá trồng được 3.770 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 14,55% hay tăng 479 ha và tăng 7,41% so với kế hoạch; diện tích thuốc lá tăng chủ yếu ở các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Trùng Khánh… do giá cả thị trường cao, nhu cầu tiêu thụ lớn và việc cam kết thu mua sản phẩm cũng như việc đầu tư, hỗ trợ bà con nông dân vùng nguyên liệu được cải thiện. Hiện nay một số xã đã xây dựng được vùng, mô hình thuốc lá chất lượng cao, bà con sử dụng giống mới và áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên năng suất ngày càng cao vì vậy người dân mở rộng quy mô gieo trồng. Năng suất ước đạt 26,1 tạ/ha, tăng 0,31% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 9.841 tấn, tăng 14,91% hay tăng 1.277 tấn và đạt 109,5% so với kế hoạch.
Cây đậu tương trồng được 460 ha, giảm 8% hay giảm 40 ha do đậu tương hiệu quả kinh tế không cao so với cây trồng khác nên nhiều hộ dân có hướng giảm diện tích để tăng diện tích các loại cây hàng năm khác như thuốc lá, lạc, cỏ voi... Năng suất ước tính đạt 8,64 tạ/ha, giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 398 tấn, giảm 8,08% hay giảm 35 tấn và đạt 75,61% so với kế hoạch.
Cây lạc trồng được 333 ha, tăng 12,5% hay tăng 37 ha, do giá bán sản phẩm tăng và ổn định nên nhiều hộ dân tăng diện tích gieo trồng. Năng suất ước đạt 12,49 tạ/ha, tăng 8,14% so cùng vụ năm trước; sản lượng ước đạt 416 tấn, tăng 21,99% hay tăng 75 tấn và đạt 87,96% so với kế hoạch.
Cây lâu năm
Trong tháng 6 chủ yếu tập trung thu hoạch một số cây ăn quả phục vụ thị trường và hộ gia đình như: Dứa, chuối, xoài, vải, mận, mít... đồng thời tiếp tục chăm sóc các loại cây trồng vừa thu hoạch xong và trồng mới một số diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Để tạo nguồn lực phát triển kinh tế bền vững cho người dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, trong những năm gần đây tỉnh đã đưa các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao về trồng thử nghiệm. Một số loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng được mở rộng quy mô theo hướng “sản xuất trồng trọt thông minh ứng dụng công nghệ cao”, dần xoá bỏ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, phân tán mang tính tự cung, tự cấp để hình thành vùng trồng chuyên canh các loại cây có giá trị kinh tế cao, phát triển sản phẩm cây ăn quả, cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa như: lê, mận, macca, hà thủ ô, cát sâm, ú tầu, hồi… vì vậy diện tích và sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính tổng diện tích các loại cây lâu năm 6 tháng đầu năm 2023 hiện có là 10.275 ha, tăng 9,86% hay tăng 922 ha so cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu ở nhóm cây dược liệu, đặc biệt là cây hồi. Trong đó: cây gia vị, cây dược liệu lâu năm diện tích hiện có 6.682 ha, tăng 16,03% hay tăng 923 ha; cây ăn quả hiện có 2.955 ha, tăng 0,07% hay tăng 2 ha so với cùng kỳ; cây lâu năm khác diện tích hiện có 411 ha, giảm 0,96% hay giảm 4 ha so với cùng kỳ; chè và cây lấy quả chứa dầu diện tích hiện có 227 ha, tăng 0,44% hay tăng 1 ha. Sản lượng thu hoạch một số cây trồng chính 6 tháng đầu năm như sau: cây chuối thu hoạch đạt 1.632 tấn, tăng 6,46% hay tăng 99 tấn so với cùng kỳ năm trước; cây thanh long thu hoạch đạt 156 tấn, tăng 0,65% hay tăng 1 tấn; cây dứa thu hoạch đạt 298 tấn, tăng 2,41% hay tăng 7 tấn; mận thu hoạch đạt 457 tấn, tăng 0,88% hay tăng 4 tấn; chè búp thu hoạch đạt 220 tấn, tăng 0,46% hay tăng 1 tấn; hồi thu hoạch đạt 973 tấn, tăng 1,78% hay tăng 17 tấn…
Tình hình dịch bệnh
Tính đến ngày 15/6 thời tiết mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại đối với cây trồng ở tất các huyện, thành phố như: ốc bươu vàng, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân gây hại trên cây lúa; bệnh sâu keo, sâu gai, sâu xám, dế mèn, bọ ban miêu gây hại trên cây ngô; bệnh khảm lá virus, đốm mắt cua, sâu xanh gây hại trên cây thuốc lá. Cây ăn quả bị nhiễm bệnh rệp muội, rệp sáp, ruồi đục quả, bọ xít, ngoài ra còn bệnh chảy gôm, bệnh greening, bệnh sẹo, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng... gây hại nhẹ. Ngành chức năng theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại trên cây trồng và kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.
Chăn nuôi
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tốt, tăng cả về số lượng đầu con hiện có và sản lượng thịt hơi xuất chuồng. Tổng đàn gia súc, gia cầm ước tính đến cuối tháng 6 năm 2023 như sau:
Tổng đàn trâu hiện có 106.289 con, giảm 0,29% hay giảm 306 con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 946 tấn, tăng 2,49% hay tăng 23 tấn so với cùng kỳ năm 2022 (quý I tăng 3,07%, quý II tăng 1,83%). Tổng đàn bò ước tính 103.483 con, tăng 0,15% hay tăng 153 con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 1.133 tấn, tăng 1,61% hay tăng 18 tấn (quý I tăng 2,52%; quý II tăng 0,61%).
Tổng số lợn hiện có 325.713 con, tăng 3,89% hay tăng 12.188 con so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước tính đạt 14.534 tấn, tăng 4,74% hay tăng 658 tấn so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 4,09%, quý II tăng 5,5%). Đàn lợn đang trong đà khôi phục do dịch bệnh trên đàn lợn cơ bản được khống chế, giá lợn hơi ổn định và có xu hướng tăng, bên cạnh đó từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục diễn ra sôi nổi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn lớn vì vậy các hộ chăn nuôi đầu tư mở rộng quy mô dẫn đến tổng đàn và sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng.
Ước tính tổng đàn gia cầm hiện có 3.064,3 nghìn con, tăng 0,22% hay tăng 6,69 nghìn con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 3.103 tấn, tăng 0,55% (quý I giảm 1,08%, quý II tăng 2,4%); sản lượng trứng gia cầm đạt 19.584 nghìn quả, giảm 3,2% (quý I giảm 2,52%, quý II giảm 3,4%).
Công tác thú y trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, chủ động tiêm phòng gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý chặt chẽ, thường xuyên nhằm khống chế các dịch bệnh lây lan. Từ đầu năm đến ngày 15/6/2023, dịch tả lợn Châu Phi phát hiện và ghi nhận 02 ổ dịch tại huyện Nguyên Bình và huyện Hà Quảng làm mắc và tiêu huỷ 13 con với trọng lượng 750kg; bệnh lở mồm long móng ở trâu, bò, lợn làm chết 17 con; bệnh tai xanh được xuất hiện tại Thành phố Cao Bằng làm chết 75 con với trọng lượng 1.389kg; bệnh cúm gia cầm xảy ra 01 ổ dịch tại huyện Thạch An làm mắc và buộc tiêu huỷ 450 con. Ngoài ra các dịch bệnh thông thường xảy ra lác đác tại các địa phương: 28 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi; 162 con lợn chết do bệnh dịch tả, tụ huyết trùng...; 854 con gia cầm các loại chết do bệnh Niucatxơn, tụ huyết trùng.
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023 tập trung kiểm tra, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các dự án trồng cây lâm nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện và đẩy nhanh tiến độ. Ngành chức năng tăng cường chỉ đạo và đôn đốc thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản và chặt phá rừng trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình nhất là trong mùa nắng nóng kéo dài. Tính từ đầu năm đến ngày 15/6/2023 trên địa bàn tỉnh có 45,42 ha diện tích rừng bị thiệt hại, trong đó: 25,12 ha do cháy rừng; 20,3 ha do chặt phá rừng trái phép.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 1.002 ha, giảm 42,51% hay giảm 741 ha so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 71,5%, quý II giảm 53,64%); sản lượng gỗ khai thác ước đạt 7.110 m3, giảm 31,34% (quý I tăng 21,8%, quý II giảm 67%); sản lượng củi khai thác ước đạt 402.474 ste, tăng 1,09% (quý I tăng 0,16%, quý II tăng 2,04%). Số cây lâm nghiệp trồng phân tán trồng được 270,29 nghìn cây.
Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ 190.322 ha, so với cùng kỳ năm trước không thay đổi. Diện tích rừng trồng được chăm sóc 7.022 ha, tăng 24,42% so với cùng kỳ năm trước.
3. Thuỷ sản
Sản xuất thủy sản trong tháng 6 các hộ nuôi trồng tập trung vào chăm sóc diện tích hiện có và thu hoạch các loại thủy sản phục vụ thị trường. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt còn thấp, chủ yếu phục vụ gia đình, sản lượng trao đổi trên thị trường không nhiều.
Trong 6 tháng đầu năm thời tiết khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất nuôi trồng thuỷ sản nhưng lại thuận lợi cho việc đánh bắt và khai thác thuỷ sản trên sông, suối. Ngành chức năng đã phổ biến và hướng dẫn đến người dân các biện pháp kỹ thuật ứng phó với nắng nóng, biến động thất thường của thời tiết để ổn định môi trường ao nuôi, lồng nuôi nâng cao sức đề kháng cho các loài thủy sản, tuy nhiên, do tình hình thời tiết khắc nghiệt nên năng suất, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 269,84 tấn, tăng 0,35% hay tăng 0,93 tấn so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 1,52%, quý II giảm 1,04%) trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 213,86 tấn, giảm 1,62% hay giảm 3,53 tấn (quý I tăng 1,44%, quý II giảm 5,32%); sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 55,98 tấn, tăng 8,66% hay tăng 4,46 tấn (quý I tăng 1,89%, quý II tăng 15,83%) so với cùng kỳ năm trước.
III. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Hoạt động sản xuất ngành công nghiệp chủ lực suy giảm khiến cho chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 giảm 3,22% so với cùng kỳ năm trước. Ngành sản xuất và phân phối điện giảm sâu so với cùng kỳ năm trước do khô hạn, dung lượng nước thấp ảnh hưởng đến sản lượng điện sản xuất; ngành cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm nhẹ; ngành khai khoáng và ngành chế biến, chế tạo tăng so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 6 năm 2023 ước tính tăng 54,43% so với tháng trước và giảm 14,84% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành sản xuất và phân phối điện giảm 32,1%; ngành khai khoáng giảm 5,72%; ngành chế biến, chế tạo tăng 14,66%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,22% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,91%, quý II giảm 9,49%), chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện giảm 39,97% (quý I giảm 31,66%, quý II giảm 44,92%) do thời tiết khô hạn, dung lượng nước thấp ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất điện; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,52% (quý I giảm 3,77%, quý II tăng 2,63%); ngành khai khoáng tăng 32,62% (quý I tăng 45,16%, quý II tăng 22,12%) do một số đơn vị khai thác được cấp phép hoạt động trở lại và khai thác với công suất lớn hơn; ngành chế biến, chế tạo tăng 21,92% (quý I tăng 14,77%, quý II tăng 31,11%), tăng chủ yếu ở ngành sản xuất kim loại tăng 47,1% do năm trước Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng gặp sự cố lò buộc phải dừng sản xuất hai tháng và một phần do dịch bệnh Covid-19, năm nay hoạt động ổn định hơn vì vậy sản lượng sản phẩm sản xuất tăng khá.
Các sản phẩm sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022: xi măng tăng 223,01%; cát tự nhiên các loại tăng 91,75%; sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (phôi thép) tăng 58,22%; chiếu trúc, chiếu tre tăng 55,51%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 43,02%; đá xây dựng tăng 26,5%; nước tinh khiết tăng 8,45%; gạch xây tăng 2,34%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: điện sản xuất giảm 46,71%; đường giảm 38,89%; quặng manggan và tinh quặng manggan giảm 33,87%; manggan và sản phẩm của manggan giảm 22,36%; điện thương phẩm giảm 5,48%; sản phẩm in khác giảm 1,33%; nước uống được giảm 0,39%.
IV. HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP
Khu vực doanh nghiệp vẫn là khu vực dễ bị tổn thương nhất khi nền kinh tế có nhiều biến động, lạm phát và rủi ro tài chính tăng cao... Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 6 tháng đầu năm 2023 giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2023 có 25% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn; 37,5% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh ổn định; 37,5% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn xo với quý II/2023.
1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Tính đầu năm đến ngày 15/6/2023, có 57 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 562 tỷ đồng, giảm 35% về số doanh nghiệp và tăng 34,44% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp là 9,8 tỷ đồng. Ngoài ra, số dự án được cấp mới Chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư là 02 dự án với tổng vốn đăng ký 325,43 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, có 40 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và 120 doanh nghiệp rút lui khỏi thị thường (8 doanh nghiệp giải thể, 25 doanh nghiệp thông báo giải thể, 87 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh)
2. Xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Về tình hình sản xuất kinh doanh, có 37,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2023 tốt hơn quý I/2023; 37,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định; 25% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Dự kiến quý III/2023 so với quý II/2023, có 25% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn; 37,5% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh ổn định; 37,5% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Về khối lượng sản xuất, có 25% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý II/2023 giảm so với quý I/2023; 75% doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất ổn định và tăng lên. Xu hướng quý III/2023 so với quý II/2023, có 31,25% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm; 68,75% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất ổn định và tăng.
Về đơn đặt hàng mới, có 20% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng mới quý II/2023 giảm so với quý I/2023; 80% có đơn đặt hàng mới ổn định và tăng. Xu hướng quý III/2023 so với quý II/2023, có 31,25% doanh nghiệp dự báo đơn đặt hàng mới giảm; 68,75% doanh nghiệp dự báo đơn đặt hàng mới ổn định và tăng.
Về giá bán bình quân, có 25% doanh nghiệp có giá bán bình quân quý II/2023 tăng so với quý I/2023; 62,5% doanh nghiệp giữ nguyên giá bán bình quân; 12,5% doanh nghiệp giảm giá bán bình quân. Xu hướng quý III/2023 so với quý II/2023, có 18,75% doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân tăng; 68,75% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên giá bán bình quân; 12,5% doanh nghiệp giảm giá bán bình quân.
V. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm chủ yếu ở vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước thực hiện được 3.022,29 tỷ đồng, giảm 11,08% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn đầu tư khu vực Nhà nước 1.802,87 tỷ đồng, tăng 24,19% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 1.219,42 tỷ đồng, giảm 36,94%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong kỳ không thực hiện đầu tư.
Trong vốn đầu tư khu vực Nhà nước thì vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước có 1.243,24 tỷ đồng, chiếm 68,96%. Trong đó 1.130,26 tỷ đồng là vốn địa phương quản lý, tăng 36,87% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.077,89 tỷ đồng, tăng 41,35%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 52,37 tỷ đồng giảm 17,14%.
Nhìn chung, tình hình thực hiện vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng ở khu vực Nhà nước do vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tăng so với những năm đầu trong giai đoạn 2021-2025; khu vực ngoài nhà nước giảm mạnh so với cùng kỳ do các dự án lớn vốn ngoài nhà nước đầu tư trên địa bàn tỉnh đều là các dự án chuyển tiếp, cơ bản đã hoàn thiện trong năm 2022, trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ hoàn thiện nốt công trình như: Dự án chung cư Hà Nội Phoenix Tower, dự án Khai thác lộ thiên khoáng sản Niken-Đồng khu vực xã Quang Trung và xã Hà Trì, huyện Hòa An. Bên cạnh đó, lãi suất vay tăng cao trong thời gian qua cũng khiến cho các hộ gia đình, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn để đầu tư.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng đầu năm không phát sinh do tỉnh có ít doanh nghiệp nước ngoài và đều là các doanh nghiệp nhỏ đã hoạt động lâu nên không có phát sinh đầu tư. Hiện nay việc thông thương tại các cửa khẩu vẫn còn hạn chế nên không có doanh nghiệp nước ngoài thành lập mới.
VI. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ, GIÁ CẢ
Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh khởi sắc và đạt được nhiều kết quả tích cực, các ngành đều có doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 năm 2023 đạt 904,25 tỷ đồng, tăng 2,30% so với tháng trước, tăng 29,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 671,70 tỷ đồng, tăng 18,42%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 171,90 tỷ đồng, tăng 100,52%; du lịch lữ hành ước đạt 0,82 tỷ đồng tăng 67,28%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 59,84 tỷ đồng, tăng 35,77% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.198,22 tỷ đồng, tăng 38,85% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 3.945,74 tỷ đồng, tăng 28,00% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng doanh thu tăng cao so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 27,61%; hàng may mặc tăng 89,24%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 42,18%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 105,07%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 43,93%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 41,25%; đá quý, kim loại và sản phẩm tăng 25,37%; hàng hoá khác tăng 88,9%; dịch vụ sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 38,58%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 895,51 tỷ đồng, tăng 104,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu lưu trú tăng 128,73%; doanh thu ăn uống tăng 101,53%.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước tính đạt 4,36 tỷ đồng, tăng 124,55%.
Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 352,61 tỷ đồng, tăng 60,14% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá xăng dầu đã giảm so với cùng kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hoạt động bán lẻ diễn ra nhộn nhịp, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Các ngành kinh doanh dịch vụ ngày càng phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân.
2. Hoạt động xuất, nhập khẩu
Tính đến ngày 31/5/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt 254,19 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 40% KH. Trong đó: kim ngạch nhập khẩu đạt 71,04 triệu USD, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước, đạt 18% KH; kim ngạch xuất khẩu đạt 127,37 triệu USD, tăng 944% so với cùng kỳ năm trước, đạt 96% KH; kim ngạch giám sát đạt 55,78 triệu USD, tăng 143% so với cùng kỳ năm trước, đạt 51% KH năm.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hàng thuỷ sản 23 triệu USD; hàng rau quả đạt 30,5 triệu USD; nhân hạt điều đạt 26 triệu USD, cà phê đạt 2,8 triệu USD; hạt tiêu đạt 8,8 triệu USD; sắn và sản phẩm từ sắn 6,5 triệu USD.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Ô tô các loại 40,7 triệu USD; hàng rau quả 0,91 triệu USD; than các loại 3,1 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 1,93 triệu USD.
3. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2023 tăng 0,16% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 06 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, 04 nhóm hàng giảm giá và 01 nhóm chỉ số giá ổn định, không tăng, không giảm.
Sáu nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng bao gồm: nhóm hàng ăn và dich vụ ăn uống tăng 1,12% do giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng như: gạo tăng 0,73%, ngũ cốc khác tăng 1,13%, thịt gia súc tăng 3,77%, thuỷ sản chế biến tăng 2,12%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,2% do nhóm hàng rượu, bia tăng 0,45%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,29%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,13%.
Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm: nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,47% do nhóm hàng may mặc giảm 0,50%, nhóm hàng giày dép giảm 0,51%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,27%; nhóm giao thông giảm 1,23% chủ yếu do nhóm phương tiện đi lại giảm 2,65%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,57% do nhóm thiết bị điện thoại giảm 1,37%. Riêng nhóm giáo dục chỉ số giá ổn định, không tăng, không giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2023 giảm 0,29% so với tháng 6 năm 2022, giảm 1,35% so với tháng 12 năm 2022.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng năm 2023 tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số giá bình quân 6 tháng tăng ở hầu hết các nhóm hàng, chỉ có 02 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm giao thông giảm 4,30% chủ yếu do nhóm nhiên liệu giảm 18,02%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,04% do một số mặt hàng thiết bị điện thoại di động giảm giá.
Chỉ số giá vàng tháng 6 năm 2023 giảm 0,75% so với tháng trước, tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 6 tháng năm 2023 tăng 1,23% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 6 năm 2023 tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 0,43% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân 6 tháng năm 2023 tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước.
4. Hoạt động vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải tháng 6 năm 2023 ước đạt 35,94 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 6,54%, so với cùng kỳ năm trước tăng 32,96%.
Ước tính doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tháng năm 2023 đạt 205,68 tỷ đồng, tăng 50,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 78,87 tỷ đồng, tăng 109,3%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 123,13 tỷ đồng, tăng 28,09%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 2,81 tỷ đồng, tăng 2,82%; doanh thu bưu chính, chuyển phát 0,87 tỷ đồng, tăng 51,87% so với cùng kỳ năm 2022.
Vận tải hành khách
Vận tải hành khách tháng 6/2023 ước tính đạt 133,1 nghìn hành khách, giảm 13,64% so với tháng trước; hành khách luân chuyển đạt 11,12 triệu lượt HK.Km, giảm 15,63% so với tháng 5/2023. Trong 6 tháng năm 2023, vận tải hành khách ước tính đạt 790,8 nghìn hành khách và đạt 66,19 triệu lượt HK.Km, so với cùng kỳ năm trước tăng 12,52% số hành khách vận chuyển và tăng 89,32% số hành khách luân chuyển.
Vận tải hàng hoá
Ước tính vận tải hàng hóa tháng 6/2023 đạt 132,3 nghìn tấn và đạt 7,25 triệu tấn.km, so với tháng trước giảm 8,44% hàng hóa vận chuyển và giảm 0,11% hàng hóa luân chuyển.
Vận tải hàng hóa trong 6 tháng năm 2023 ước tính đạt 764,4 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 27,38%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 42,73 triệu tấn.km, tăng 120,23% so với cùng kỳ năm trước.
VII. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
1. Thu chi ngân sách Nhà nước
Hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 duy trì tiến độ. Thu ngân sách giảm so với cùng kỳ năm trước do thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh; chi ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo hoạt động chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/6/2023 đạt 868.845 triệu đồng, bằng 36,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 508.593 triệu đồng, bằng 94,08% (chiếm 58,54% tổng thu); thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 348.189 triệu đồng, bằng 18,95% (chiếm 40,07% tổng thu), thu hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh do phía Trung Quốc đã mở cửa trở lại, một số doanh nghiệp đã chuyển thủ tục hải quan nhập khẩu qua các cửa khẩu các tỉnh lân cận (đặc biệt là các mặt hàng có thuế suất cao như: ô tô các loại…) vì giao thông thuận lợi và chi phí nhỏ hơn so với khi làm thủ tục nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/6/2023 đạt 2.869.505 triệu đồng, bằng 109,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi thường xuyên đạt 2.467.734 triệu đồng, bằng 106,94%; chi đầu tư phát triển 399.131 triệu đồng, bằng 130,32%; chi trả nợ lãi 1.341 triệu đồng, bằng 202,54%; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính 1.300 triệu đồng, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước.
2. Hoạt động tín dụng ngân hàng
Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng và nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền… cho các đối tượng khách hàng theo quy định. Nguồn vốn huy động dồi dào sẵn sàng phục vụ hoạt động cho vay phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thực hiện chủ trương của Quốc hội và Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 03 lần ra quyết định điều chỉnh giảm một số mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5%-1,5%/năm. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động đang áp dụng trên địa bàn tỉnh hiện nay biến động từ 0,1%-8,3%/năm; một số ngân hàng có chương trình cạnh tranh, lãi suất cao hơn mức lãi suất bình quân; lãi suất tiền gửi online cao hơn tại quầy giao dịch từ 0,1%-1%/năm. Lãi suất cho vay đang áp dụng trên địa bàn tỉnh hiện nay ở các lĩnh vực ưu tiên biến động từ 4,5%-13%/năm; lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7%-13,5%/năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói.
Tổng vốn huy động và quản lý trên địa bàn ước tính đến 30/6/2023 đạt 28.500 tỷ đồng, tăng 6,6% hay tăng 1.760 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó: nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 23.500 tỷ đồng, tăng 4,8% hay tăng 1.084 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 15,6% hay tăng 676 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 30/6/2023 ước đạt 15.300 tỷ đồng, tăng 2% hay tăng 295 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ xấu 165 tỷ đồng, chiếm 1,07% tổng dư nợ.
Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thanh khoản tốt, tỷ giá ngoại tệ diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng.
VIII. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động việc làm
Đẩy mạnh thông tin thị trường lao động và hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động; tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2023. Kết quả thực hiện 6 tháng năm 2023: Số lao động được đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: 80 người. Số lao động được giới thiệu việc làm, cung ứng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm: 300 người; số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm: 4.000 người.
Về tuyển sinh và đào tạo nghề cho người lao động, 6 tháng đầu năm 2023 tuyển mới được 1.250 người trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên.
2. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội
Đời sống dân cư
Tình hình đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định. Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh và toàn thể nhân dân đã tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế.
Đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động được đảm bảo, chế độ tiền lương, phụ cấp thanh toán kịp thời, đầy đủ. Ngoài ra việc giải quyết các chế độ ưu đãi khác cũng được thực hiện đầy đủ như chế độ theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP đối với các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác, làm việc tại các xã có điều kiện khó khăn trong 5 năm theo quy định.
Đời sống dân cư ở khu vực nông thôn trong 6 tháng đầu năm cơ bản ổn định. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, tình trạng hạn hán thiếu nước nghiêm trọng so với các năm trước nên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt.
Đảm bảo an sinh xã hội
Trong dịp Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã thành lập các đoàn đi thăm, chúc tết và tặng 16.725 suất quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền 15.934,1 triệu đồng; tặng quà cho người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 3.135,1 triệu đồng; tặng quà cho các đối tượng người có công và thân nhân người có công với tổng số tiền 10.149,9 triệu đồng.
Trợ cấp xã hội thường xuyên cho 29.623 đối tượng tại cộng đồng; hỗ trợ mai táng phí cho 329 đối tượng; trợ cấp đột xuất cho 16 trường hợp. Thực hiện cấp phát 2.303,475 tấn gạo cứu đói tết Nguyên đán và cứu đói giáp hạt năm 2023 cho 25.713 hộ với 105.054 khẩu.
Cấp 363.706 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi.
Hỗ trợ xây mới và sửa chữa 2.209 nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với tổng số tiền 80.182 triệu đồng.
3. Tình hình giáo dục đào tạo
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng PCGDMN cho trẻ 5 tuổi; chuẩn bị các điều kiện thực hiện PCGD mầm non cho trẻ mẫu giáo; tiếp tục duy trì, giữ vững các đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn PCGD tiểu học đối mức độ 3, phấn đấu 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; tiếp tục duy trì nâng cao kết quả PCGD THCS đã đạt được của năm 2022, duy trì và giữ vững các xã, huyện đạt mức độ 2, mức độ 3, phấn đấu năm 2023 có thêm ít nhất 04 xã đạt chuẩn mức độ 2; củng cố, duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên, phấn đấu số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 là 1/10 đơn vị, mức độ 2 là 9/10 đơn vị.
Tiếp tục thực hiện rà soát, quy hoạch hệ thống trường, lớp học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, thực hiện thắng lợi chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tập trung xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia; chăm lo đời sống cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú.
Quan tâm, đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 173/515 trường mầm non, phổ thông đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia (đạt 33,59%), trong đó: Mầm non 65/179 trường (đạt 36,31%); Tiểu học 55/126 trường (đạt 43,65%); Tiểu học và Trung học cơ sở 12/83 trường (đạt 14,46%); Trung học cơ sở 34/97 trường (đạt 35,05%); Trung học phổ thông 07/30 trường (đạt 23,33%).
Thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tổ chức Hội nghị, hội thảo giới thiệu SGK lớp 4, 8, lớp 11; chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức lựa chọn SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 năm học 2023 - 2024. Tổ chức hội nghị hướng dẫn đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 và tổ chức các hoạt động của Hội đồng lựa chọn SGK. Ban hành Quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 sử dụng trên địa bàn tỉnh; thông báo danh mục SGK lớp 4, lớp 8, 11 được phê duyệt đến các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức thành công kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, lớp 12; cử các đoàn học sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 và thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đạt nhiều thành tích. Tổ chức cuộc thi STEM Robotics năm học 2022 - 2023 tỉnh Cao Bằng. Thực hiện biệt phái giáo viên môn Tin học, Tiếng Anh cho huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm năm học 2022 – 2023 nhằm khắc phục tạm thời tình trạng thiếu giáo viên.
Tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023-2024 và chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho công tác thi tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023. Tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong toàn ngành giáo dục, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong các trường học.
4. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Y tế tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, chủ động, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch có thể xảy ra, kể cả khi dịch bùng phát trở lại.
Luỹ tích đến 17h00 ngày 14/6/2023, tỉnh Cao Bằng xét nghiệm sàng lọc Covid-19 được 595.810 mẫu trong đó có 99.133 mẫu dương tính. Tính đến 17h00 ngày 14/6/2023, có 08 trường hợp bệnh đang được cách ly điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh, có 53 trường hợp đang được cách ly, điều trị tại nhà; khỏi bệnh 99.004 người, chuyển tuyến trung ương 03 người và tử vong 65 người.
Tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Lũy tích số mũi tiêm đã thực hiện tính từ ngày 16/4/2021 đến ngày 14/6/2023 là 1.344.113 mũi.
Hoạt động Phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến được duy trì triển khai tại các tuyến. Công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì thực hiện tại 100% xã, phường, đảm bảo chất lượng, không có tai biến sau tiêm chủng. Kết quả công tác tiêm chủng 06 tháng đầu năm 2023 (ước thực hiện): Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 45% (3238/7195) tăng 0,2% so với cùng kỳ; Tỷ lệ Phụ nữ có thai được tiêm chủng đầy đủ vắc xin uốn ván tiêm UV2+ đạt 42,6% (3060/7181) tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm làm 09 người mắc, 03 người nhập viện, có 01 người tử vong.
5. Hoạt động văn hóa, thể thao
Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương. Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, có 03 di sản được đưa vào danh mục di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, 01 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023); 15 năm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4/2008 - 19/4/2023); Hội Thảo chuyên đề “Giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp trong quy ước, hương ước các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng”.
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều hoạt động thể thao nhân dịp Mừng Đảng, Mừng Xuân và tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Cao Bằng năm 2023 tại huyện Bảo Lạc. Quan tâm tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Thể dục thể thao và tổ chức các giải thi đấu thể thao; tham dự 06/10 giải khu vực và toàn quốc, đạt 130 huy chương; 07 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia; tổ chức thành công 06 giải thể thao cấp tỉnh, 02 giải thể thao quy mô toàn quốc. Phát triển mạnh mẽ hoạt động thể thao quần chúng, hỗ trợ các đơn vị phát triển phong trào và tổ chức các giải thi đấu thể thao được 08 giải thể thao phong trào, với sự tham gia của 108 đơn vị và 1.093 vận động viên.
6. Tình hình trật tự, an toàn xã hội
Tình hình an toàn giao thông
Từ ngày 15/5/2023 đến ngày 14/6/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 09 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 03 người chết, 09 người bị thương. Lũy kế từ đầu năm, tổng số vụ tai nạn giao thông là 45 vụ (tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm chết 16 người (tăng 01 người), bị thương 49 người (tăng 31 người).
Tình hình an toàn cháy, nổ
Tháng 6 năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ cháy, nổ xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xảy ra 02 vụ cháy, tổng giá trị thiệt hại ước tính 350 triệu đồng.
Vi phạm môi trường
Trong tháng 6 năm 2023 phát hiện 08 vụ vi phạm môi trường, xử lý hành chính 02 vụ, phạt tiền 7,5 triệu đồng, so với tháng trước số vụ vi phạm môi trường đã phát hiện giảm 02 vụ, số vụ đã xử lý giảm 05 vụ.
Trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện 79 vụ vi phạm môi trường, xử lý 58 vụ, số tiền xử phạt 330,6 triệu đồng.
7. Tình hình thiệt hại do thiên tai
Trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 07 vụ thiên tai, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 03 vụ. Thiên tai đã làm chết 01 người, 01 người bị thương, 1.544 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 687,08 ha lúa và hoa màu bị hư hại và các thiệt hại khác. Ước tính giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 7.110 triệu đồng. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đã kịp thời đến thăm hỏi động viên và hỗ trợ đối với những gia đình bị thiệt hại.
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn