I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
1. Nông nghiệp
Trồng trọt
Cây hàng năm
Trong tháng, thời tiết mưa, nắng xen kẽ thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Sản xuất nông nghiệp tập trung gieo cấy diện tích còn lại lúa đông xuân, chăm sóc và phòng chống sâu bệnh cho các loại cây trồng, đồng thời thu hoạch rau màu, thuốc lá…
Tính đến ngày 15/4, diện tích gieo trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác vụ đông xuân cơ bản đã xong, một số cây trồng chính đạt được như sau: cây lúa trồng được 3.691 ha, tăng 3,42% hay tăng 122 ha so với cùng kỳ năm trước; cây ngô trồng được 25.424 ha, tăng 1,76% hay tăng 440 ha so với cùng kỳ năm trước và bằng 99,14% diện tích chính thức vụ đông xuân năm 2023; cây thuốc lá trồng được 4.707 ha, tăng 28,43% hay tăng 1.042 ha so với cùng kỳ năm trước, do hiệu quả kinh tế cao, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định nên được bà con nông dân mở rộng thêm vùng trồng nguyên liệu tại các huyện Hoà An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hoà, Nguyên Bình….vì vậy diện tích tăng cao so với cùng kỳ năm trước, tính đến thời điểm này diện tích thu hoạch ước tính đạt 1.535 ha, sản lượng đạt 4.541 tấn; cây khoai lang trồng được 132 ha, tăng 3,94% hay tăng 5 ha; cây mía trồng được 949 ha, tăng 1,39% hay tăng 13 ha; cây đậu tương trồng được 460 ha, tăng 2,22% hay tăng 10 ha; cây lạc trồng được 317 ha, tăng 1,28% hay tăng 4 ha; rau các loại trồng được 1.512 ha, tăng 1,07% hay tăng 16 ha. Nhìn chung diện tích gieo trồng các loại cây trồng chính tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cây lâu năm
Trong tháng, các hộ gia đình tiếp tục thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường như chuối, mận, dứa, đu đủ… Đồng thời đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc các loại cây vừa thu hoạch xong và trồng mới một số diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn.
Tình hình sâu bệnh hại cây trồng
Trong tháng, thời tiết mưa nắng xen kẽ, độ ẩm cao tạo điều kiện cho sâu, bệnh phát sinh và gây hại trên cây trồng ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh: cây lúa bị ốc bươu vàng, rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại; cây ngô bị sâu keo mùa thu, sâu xám, châu chấu gây hại; cây thuốc lá bị sâu xanh, rệp, bệnh sương mai, bệnh thán thư, bệnh đốm mắt cua gây hại; rau các loại bị sâu xanh, sâu tơ, rệp, bệnh sương mai gây hại; cây ăn quả chủ yếu là bệnh rệp muội, sâu đục cành… gây hại nhẹ. Các ngành chức năng theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại đối với cây trồng và kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.
Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trong tháng phát triển ổn định, đàn gia súc, gia cầm được người dân thường xuyên quan tâm, chăm sóc; số lượng đầu con và sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn trâu ước tính 106.719 con, tăng 0,27% hay tăng 287 con so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò ước tính 104.096 con, giảm 0,15% hay giảm 157 con so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 4 đạt 138 tấn, tăng 1,47% hay tăng 2 tấn so với cùng kỳ năm 2023, lũy kế từ đầu năm 738 tấn, tăng 1,51% hay tăng 11 tấn; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tháng 4 đạt 166 tấn, tăng 1,22% hay tăng 2 tấn, lũy kế từ đầu năm đạt 769 tấn, tăng 1,32% hay tăng 10 tấn.
Tổng đàn lợn ước tính 334.614 con, tăng 2,26% hay tăng 7.394 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 4 đạt 2.024 tấn, tăng 2,02% hay tăng 40 tấn, lũy kế từ đầu năm đạt 7.813 tấn, tăng 0,28% hay tăng 22 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn gia cầm ước tính 2.863,86 nghìn con, tăng 1,67% hay tăng 47,16 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 4 đạt 505 tấn, tăng 0,6% hay tăng 3 tấn, lũy kế từ đầu năm đạt 2.119 tấn, tăng 0,28% hay tăng 6 tấn so với cùng kỳ năm trước; sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 2.886 nghìn quả, tăng 1,58% hay tăng 45 nghìn quả, lũy kế từ đầu năm 12.245 nghìn quả, tăng 1,34% hay tăng 162 nghìn quả so cùng kỳ năm trước.
Công tác thú y trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, cung ứng đầy đủ, kịp thời vacxin, hoá chất và các vật tư cần thiết để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Công tác giám sát dịch bệnh được quan tâm thực hiện, các ổ dịch bệnh được phát hiện và xử lý kịp thời, không lây lan ra diện rộng. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý chặt chẽ, thường xuyên nhằm khống chế các dịch bệnh lây lan.
Tính từ ngày 16/3 đến ngày 15/4/2024, dịch tả lợn Châu Phi phát sinh ca bệnh tại huyện Bảo Lâm, làm mắc và buộc tiêu huỷ 19 con lợn với tổng trọng lượng 847 kg, ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi và áp dụng các biện pháp chống dịch theo quy định. Ngoài ra, các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương trên địa bàn tỉnh: 01 con trâu và 37 con lợn chết do bệnh tụ huyết trùng; 216 con gia cầm các loại chết do bệnh Newcasle, tụ huyết trùng...
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có và triển khai kế hoạch trồng rừng theo Dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021-2025. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình. Trong tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 8,34 ha, trong đó: 0,05 ha do cháy rừng; 8,29 ha do chặt phá rừng.
Ước tính diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng đạt 454 ha, tăng 102 ha so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 961 ha, tăng 135 ha. Sản lượng gỗ khai thác đạt 1.253 m³, giảm 111 m³ so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm đạt 3.010 m³, giảm 419 m³. Sản lượng củi khai thác đạt 72.759 ste, tăng 457 ste so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm đạt 249.600 ste, tăng 120 ste. Số cây lâm nghiệp phân tán trồng được khoảng 3,7 nghìn cây, chủ yếu là keo, lát, sa mộc, thông, xoan... lũy kế từ đầu năm 149 nghìn cây.
3. Thuỷ sản
Trong tháng 4, nuôi trồng và khai thác thủy sản phát triển ổn định, các hộ nuôi trồng tập trung vào chăm sóc diện tích mới thả giống và thu hoạch sản phẩm trên diện tích từ năm trước chuyển sang để phục vụ thị trường. Khai thác thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì. Tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 42,96 tấn, giảm 1,1% hay giảm 0,48 tấn so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 203,17 tấn, tăng 0,46% hay tăng 0,94 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó: nuôi trồng ước tính đạt 36,55 tấn, giảm 1,62% hay giảm 0,6 tấn, lũy kế từ đầu năm 180,35 tấn, tăng 0,4% hay tăng 0,71 tấn; khai thác ước tính đạt 6,41 tấn, tăng 1,96% hay tăng 0,12 tấn, lũy kế từ đầu năm 22,82 tấn, tăng 1,02% hay tăng 0,23 tấn.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Tháng 4 năm 2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất song các doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động tối đa các nguồn lực để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 năm 2024 tăng 0,42% so với tháng trước và tăng 20,58% so cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 43,19%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,45% do trong tháng mưa nhiều, lưu lượng nước ở các hồ chứa thuỷ điện cao dẫn đến chỉ số sản xuất điện tăng; ngành chế biến, chế tạo tăng 9,07%, số tăng chủ yếu là ngành sản xuất kim loại, tăng 13,61%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,33%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành khai khoáng tăng 17,07%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,46%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 13,97%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,17%.
Trong 4 tháng năm 2024, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước: quặng chì và tinh quặng chì tăng 34,54%; cát tự nhiên các loại tăng 15,71%; đường RE tăng 14%; mangan và các sản phẩm của mangan tăng 10,45%; điện thương phẩm tăng 4,01%; nước uống được tăng 3,89%; gạch xây tăng 1,38%... Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: nước tinh khiết giảm 74,4%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 54,89%; đá xây dựng giảm 54,46%; chiếu trúc, chiếu tre giảm 42,56%; điện sản xuất giảm 22,85%; xi măng giảm 12,46%; sắt, thép không hợp kim dạng bán thành phẩm (phôi thép) giảm 2,02%... Ngoài ra sản phẩm quặng niken và tinh quặng niken, ước tính đến hết tháng 4 khai thác đạt 17.592 tấn.
III. ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG
Ước tính tháng 4 năm 2024 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 196,42 tỷ đồng, tăng 8,66% so với tháng trước, tăng 7,89% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 185,38 tỷ đồng, tăng 8,09%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 11,04 tỷ đồng, tăng 19,37% so với tháng trước.
Dự tính tháng 4 năm 2024 tình hình thực hiện vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngày 05/4/2024 Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và kế hoạch vốn các Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2024. Chỉ thị nêu rõ: Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó tiếp tục xác định tăng cường công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và các Chương trình Mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án lớn của tỉnh như: Cải tạo, nâng cấp đường từ thị trấn Xuân Hoà - thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng; Cải tạo nâng cấp đường tỉnh 205; Nâng cấp, cải tạo đường Nà Pồng- Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm; Cải tạo nâng cấp đường giao thông Chu Trinh (thành phố Cao Bằng) - Hồng Nam (huyện Hoà An).
Hiện nay các sở, ban, ngành, UBND các huyện có tuyến cao tốc đi qua đang tích cực đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng đúng theo kế hoạch của “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)”.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư phát triển ước tính thực hiện được 626,47 tỷ đồng, bằng 17,59% kế hoạch năm 2024, tăng 9,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 594,72 tỷ đồng, tăng 10,01; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 31,75 tỷ đồng, tăng 0,52% so với cùng kỳ năm 2023.
IV. THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ, GIÁ CẢ
Hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng 4 năm 2024 tiếp tục duy trì nguồn hàng hoá, dịch vụ cung ứng ổn định. Dự báo, dịp 30/4 và 1/5 có kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ tiếp tục có xu hướng tăng, đặc biệt là các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.
1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 năm 2024 ước đạt 1.005,05 tỷ đồng, tăng 5,91% so với tháng trước và tăng 19,26% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước 714,34 tỷ đồng, tăng 4,98% so với tháng trước và tăng 12,98% so với cùng kỳ năm trước. Đa số các nhóm hàng hóa đều có doanh thu dự ước tăng so với tháng trước, cụ thể: Lương thực, thực phẩm tăng 5,27%; hàng may mặc tăng 3,61%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,78%; vật phẩm, văn hoá, giáo dục tăng 4,38%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 7,97%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 4,36%; xăng, dầu các loại tăng 4,17%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 1,10%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 1,92%; hàng hóa khác tăng 28,43%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 9,48%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 217,97 tỷ đồng, tăng 9,49% so với tháng trước, tăng 35,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước tính đạt 22,08 tỷ đồng, tăng 20,84%; dịch vụ ăn uống ước tính đạt 195,89 tỷ đồng, tăng 8,34% so với tháng trước.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 2,08 tỷ đồng, tăng 12,98% so với tháng trước và tăng 112,62% so với cùng kỳ năm trước.
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, các điểm tham quan du lịch tại Cao Bằng dự kiến sẽ thu hút lượng khách lớn. Hiện các khách sạn, homestay, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí đang tích cực công tác chuẩn bị về dịch vụ lưu trú, ăn uống đảm bảo anh ninh, an toàn, kế hoạch cung cấp các tour/tuyến du lịch với nhiều mức giá, thu hút khách du lịch đến với Cao Bằng.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 70,66 tỷ đồng, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 46,31% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.976,15 tỷ đồng, tăng 19,78% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.886,67 tỷ đồng, tăng 12,66%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 803,82 tỷ đồng, tăng 45,62%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 6,19 tỷ đồng, tăng 124,56%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 279,47 tỷ đồng, tăng 37,9%.
2. Giá cả thị trường
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 trên địa bàn tỉnh có biến động tăng so với tháng trước. Cụ thể: Chỉ số CPI chung trong tháng tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,91% so với tháng 12 năm trước và tăng 1,68% so với bình quân cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có 07 nhóm hàng hoá có chỉ số giá tăng so với tháng trước bao gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,6% (chủ yếu do tác động của một số mặt hàng trong nhóm lương thực, thực phẩm tăng như gạo tăng 2,19%; thịt gia súc tăng 1,67%; thịt gia cầm tăng 1,71%; các loại đậu và hạt tăng 1,05%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,44% (thời tiết nóng lên nhu cầu đối với một số mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép đầu mùa tăng, giày dép cho nam/nữ tăng 1,86% đến 3,48% và giày dép trẻ em tăng 6,49%,); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giao thông tăng 1,82% (nhóm nhiên liệu trong tháng tăng cao 4,86%, cụ thể xăng tăng 5,0%; dầu mỡ nhờn tăng 3,16%; dầu diezel tăng 2,58% sau 4 lần điều chỉnh giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính); hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,02%. Ngược lại có 02 nhóm hàng có xu hướng giảm so với tháng trước: Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,31%; văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,02%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục có chỉ số giá không tăng không giảm so với tháng trước.
Chỉ số giá vàng tháng 4 năm 2024 tiếp tục tăng mạnh theo biến động chung của giá vàng trong nước và thế giới, cụ thể tăng 7,53% so với tháng 3 năm 2024, tăng 31,18% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 4 tháng năm 2024 tăng 23,23% so với bình quân cùng kỳ.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 4 năm 2024 tăng 1,66% so với tháng trước, tăng 2,81% so với tháng 12 năm 2023 và tăng 6,34% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân 4 tháng năm 2024 tăng 4,34% so với bình quân cùng kỳ.
3. Hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải tháng 4 năm 2024 ước đạt 41,49 tỷ đồng, tăng 13,57% so với tháng trước và tăng 9,14% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải cộng dồn từ đầu năm đến tháng 4 năm 2024 ước đạt 150,46 tỷ đồng, tăng 14,61% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách
Tháng 4 năm 2024 vận chuyển hành khách ước đạt 170,1 nghìn lượt hành khách, tăng 31,06% so với tháng 3 năm 2024, tăng 41,17% so với cùng kỳ năm trước; ước tính hành khách luân chuyển đạt 14.895,5 nghìn lượt HK.km so với tháng trước tăng 35,33%, so với cùng kỳ năm trước tăng 42,73%.
Vận tải hành khách trong 4 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 662,5 nghìn hành khách và đạt 56.862,4 nghìn lượt HK.km, so với cùng kỳ năm trước số hành khách vận chuyển tăng 31,58% và số hành khách luân chuyển tăng 35,76%.
Vận tải hàng hoá
Dự ước vận chuyển hàng hóa tháng 4 năm 2024 đạt 154,5 nghìn tấn hàng hóa và luân chuyển hàng hóa đạt 9.228,9 nghìn tấn.km, so với tháng trước tăng 7,5% hàng hóa vận chuyển và tăng 1,88% hàng hóa luân chuyển.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vận tải hàng hóa ước tính đạt 534,8 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 9,7%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 29.802,1 nghìn tấn.km, tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước.
VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Đối với các bệnh truyền nhiễm trong tháng 4/2024 ghi nhận một số bệnh lưu hành như: 03 trường hợp Viêm gan vi rút B; 03 trường hợp Lao phổi; 02 trường hợp Tay chân miệng; 01 trường hợp Sởi lâm sàng tại huyện Trùng Khánh; không có tử vong do mắc các bệnh truyền nhiễm.
Các trường hợp mắc lao, sốt rét, rối loạn tâm thần... được phát hiện đều được quản lý, điều trị theo quy định. Trong tháng phát hiện 03 trường hợp nhiễm HIV mới tại Nguyên Bình.
Duy trì hoạt động điều trị Methadone tại 12 cơ sở điều trị. Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là 1.194 bệnh nhân. Số người dự kiến được đưa vào điều trị trong tháng 5/2024: 05 người.
Trong tháng 4 trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
2. Giáo dục, văn hóa, thể thao
Về giáo dục: Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học tỉnh Cao Bằng năm học 2023 - 2024 với 303 giáo viên tiểu học của 209 cơ sở giáo dục tiểu học và trung học cơ sở có cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh tham gia.
Về văn hóa: Tham gia quảng bá du lịch tại Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ 20 năm 2024 và Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024. Xây dựng kịch bản video clip “Giới thiệu một số tài liệu tuyên truyền cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi hoạt động tại Pác Bó”; tiến hành công tác tôn tạo và phục dựng lại di tích Lán nghỉ và bếp ăn của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Phối hợp với Chính phủ nhân dân thành phố Sùng Tả, Cục Văn hoá, Du lịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức khai mạc Lễ hội Carnival Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Xây dựng kế hoạch tổ chức chiếu phim nhiệm vụ chính trị Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2024); 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024).
Về thể thao: Tổ chức thành công Ngày Chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Cao Bằng năm 2024 tại huyện Quảng Hòa với trên 2000 người tham gia; giải Cầu lông tỉnh Cao Bằng năm 2024. Tham gia thi đấu 07 giải khu vực và toàn quốc đạt 68 huy chương gồm: 28 huy chương vàng, 20 huy chương bạc và 20 huy chương đồng; có 07 vận động viên đạt đẳng cấp I, 01 vận động viên đạt đẳng cấp II quốc gia; tổ chức tập huấn, chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự các giải quốc gia.
3. Tình hình trật tự, an toàn giao thông
Từ ngày 15/3/2024 đến ngày 14/4/2024 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 07 người chết, 24 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 483,5 triệu đồng. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông tăng gấp 2 lần, tăng 06 người chết và tăng 13 người bị thương.
4. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 18/3/2024 đến 17/4/2024 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 06 vụ vi
phạm môi trường (giảm 09 vụ so với tháng trước và giảm 05 vụ so với cùng kỳ
năm trước), số vụ vi phạm môi trường đã xử lý trong tháng là 1 vụ (giảm 08 vụ
so với tháng trước và giảm 14 vụ so với cùng kỳ năm trước), số tiền xử phạt là 4
triệu đồng.
Về tình hình cháy, nổ: xảy ra 03 vụ cháy nhà, 01 vụ cháy ô tô, không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại tài sản ước tính khoảng 1 tỷ đồng, nguyên nhân ban đầu được xác định do sơ xuất trong sử dụng lửa và chập điện.
5. Thiệt hại do thiên tai
Tính đến hết ngày 21/4/2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ thiên tai do dông, lốc kèm mưa đá trên toàn bộ các địa phương trong tỉnh, không có thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại lớn về nhà ở và tài sản của nhân dân. Hậu quả có 4.686 ngôi nhà bị tốc mái, 745,68 ha hoa màu bị thiệt hại và một số công trình khác bị hư hại như các điểm trường, nhà văn hoá xóm. Theo thông tin của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia thời tiết trong thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp, có thể tiếp tục xảy ra dông lốc, mưa đá.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn