Họp báo tình hình lao động, việc làm quý IV, cả năm 2021 và Báo cáo chỉ số phát triển con người HDI Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Thứ tư - 01/06/2022 03:22
Sáng ngày 06/01/2022, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý IV, cả năm 2021 và Báo cáo phát triển con người (HDI) Việt nam giai đoạn 2016-2020. Ông Nguyễn Trung Tiến – Phó Tổng cục trưởng TCTK chủ trì buổi Họp báo.
 
 
Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng TCTK chủ trì họp báo
 
   Tham dự tại điểm cầu Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng có ông Nguyễn Mạnh Vinh – Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Lãnh đạo và công chức phòng Thống kê Xã hội, Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng.
 
I. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM QUÝ IV NĂM 2021
1. Lực lượng lao động
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý IV năm 2021 là 50,7 triệu người, tăng khoảng 1,7 triệu người so với quý trước và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,8 triệu người và lực lượng lao động nữ tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nam (0,9 triệu người so với 0,8 triệu người). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động giảm mạnh ở khu vực nông thôn (giảm gần 2,2 triệu người) và giảm chủ yếu ở nam giới (giảm khoảng 0,8 triệu người). 
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2021 là 67,7%, tăng 2,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 61,6%, thấp hơn 12,7 điểm phần trăm so với nam (74,3%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,3%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69,3%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 32,7%; nông thôn: 46,6%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 34,5%; nông thôn: 45,2%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. 
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2021 là 26,1%, không thay đổi so với quý trước và cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. 
Trong tổng số 24,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý IV năm 2021, có 13,2 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15-19 tuổi (gần 5,5 triệu người). 
2. Số người có việc làm
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV năm 2021 là 49,1 triệu người, tăng 1,82 triệu người so với quý trước và giảm 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 17,9 triệu người, tăng 890,1 nghìn người so với quý trước và tăng 498,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; số có việc làm ở nông thôn là 31,1 triệu người, tăng 934,5 triệu người so với quý trước và giảm 2,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. 
Trong quý IV năm 2021, sau khi phủ rộng vắc xin mũi 2 và các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng, nền kinh tế đã có tín hiệu phục hồi. Lao động có việc làm trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,8 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với quý trước và giảm 239,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ là 17,9 triệu người, tăng 762,5 nghìn người so với quý trước và giảm 1,9 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14,3 triệu người, giảm 120,9 nghìn người so với quý trước và tăng 361,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV năm 2021 là 55,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 47,8%, tăng 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 61,5%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. 
So với quý III năm 2021, số lao động có việc làm phi chính thức là 19,4 triệu người, tăng 1,3 triệu người, tương ứng tăng 7,4%; cao gần gấp 2 lần mức tăng của lao động có việc làm. (Lao động có việc làm quý IV năm 2021 là 49,1 triệu người, tăng 1,8 triệu người, tương ứng tăng 3,9% so với quý trước). Như vậy, sau cơn bão đại dịch, nhiều người lao động đã quay trở lại thị trường và có việc làm nhưng đó phần nhiều là việc làm phi chính thức, với đặc trưng công việc là bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác. Rõ ràng, thị trường lao động có sự phục hồi nhưng sự phục hồi này chưa thật bền vững.
3. Lao động thiếu việc làm
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi  quý IV năm 2021 là gần 1,5 triệu người, giảm 381,1 nghìn người so với quý trước và tăng 635,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý IV năm 2021 là 3,37%, giảm 1,09 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,55 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 4,06% và 2,95%). Đây là quý thứ 3 liên tiếp thị trường lao động chứng kiến tình trạng tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Tình trạng này trái ngược với xu hướng thị trường lao động trong những năm trước đại dịch Covid-19. 
4. Thu nhập bình quân tháng của người lao động
Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV năm 2021 là 5,3 triệu đồng, tăng 139 nghìn đồng so với quý trước và giảm 624 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,4 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (6,2 triệu đồng so với 4,4 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,3 lần (6,3 triệu đồng so với 4,8 triệu đồng). 
So với quý III, quý đã chứng kiến mức thu nhập thấp nhất chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, sang quý IV mức thu nhập bình quân của người lao động đã được cải thiện hơn (tăng 139 nghìn đồng/người/tháng). Tuy nhiên, diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến đời sống của người lao động, so với cùng kỳ năm 2020 mức thu nhập của người lao động sụt giảm nghiêm trọng (giảm 624 nghìn đồng/người/tháng).
Thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân tăng cao nhất, với mức thu nhập là 5,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 130 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,2% so với quý trước. Lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức thu nhập bình quân là 3,4 triệu đồng, tăng 72 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,1%. Lao động khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân là 6,3 triệu đồng, tăng 108 nghìn đồng, tương ứng tăng 1,7%.
5. Thất nghiệp trong độ tuổi lao động
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2021 là hơn 1,6 triệu người, giảm 113,1 nghìn người so với quý trước và tăng 369,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2021 là 3,56%, giảm 0,42 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,93 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,09%, giảm 0,45 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,39 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
 Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý IV năm 2021 là 8,78%, giảm 0,11 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,84 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 13,23%, cao hơn 6,52 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. 
6. Lao động làm công việc tự sản tự tiêu
Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý IV năm 2021 là 4,9 triệu người (thấp hơn 0,3 triệu người so với quý trước nhưng vẫn cao hơn 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước), số lao động này chủ yếu biến động ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số người sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu quý IV năm 2021 là nữ giới (chiếm 63,6%).  
Trong tổng số 4,9 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có đến hơn 3 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 55,5%). Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới tình hình lao động việc làm, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn. 
II. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM CẢ NĂM 2021
1. Lực lượng lao động
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 đạt 50,5 triệu người, giảm 791,6 nghìn người so với năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, chiếm 36,8%; lực lượng lao động nữ đạt 23,5 triệu người, chiếm 46,5% lực lượng lao động của cả nước.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2021 là 67,7%, giảm 1,9 điểm phần trăm so với năm trước.
Lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên năm 2021 là 26,1%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước.
2. Lao động có việc làm
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2021 là 49,0 triệu người, giảm 1,0 triệu người so với năm 2020. Trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới. Số lao động có việc làm ở khu vực nông thôn là 31,2 triệu người, giảm 1,5 triệu người và ở nam giới là 26,2 triệu người, giảm 729,5 nghìn người so với năm trước.
Trong năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn trong năm 2020 đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254,2 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800,8 nghìn người so với năm trước; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37,3 nghìn người so với năm trước. 
Trong năm 2021, số lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều giảm. Số lao động có việc làm phi chính thức là 19,8 triệu người, giảm 628,0 nghìn người, mức giảm này cao hơn so với mức giảm ở lao động có việc làm chính thức; số lao động có việc làm chính thức là 15,4 triệu người, giảm 469,8 nghìn người so với năm 2020.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp  năm 2021 là 56,2%, tương đương so với năm trước. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn và ở nữ giới tỷ lệ này có xu hướng tăng tương ứng lần lượt là 1,0 điểm phần trăm và 0,2 điểm phần trăm so với năm trước. 
3. Lao động thiếu việc làm
Thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 370,8 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,10%, tăng 0,71 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,33%, cao hơn 0,37 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn trong năm 2021. Điều này trái với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị. 
4. Thu nhập của người lao động
Năm 2021 thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng, giảm 32 nghìn đồng so với năm 2020. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,6 triệu đồng, cao hơn 1,40 lần của lao động nữ (4,7 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị là 7,0 triệu đồng, cao hơn 1,40 lần mức thu nhập bình quân lao động khu vực nông thôn (5,0 triệu đồng).
Xét theo ngành kinh tế, so với năm 2020, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì được mức độ tăng trưởng dương ổn định, với mức thu nhập bình quân tháng năm 2021 là 3,6 triệu đồng, tăng 7,1%, tương ứng tăng 236 nghìn đồng. Thu nhập bình quân của lao động khu vực công nghiệp và xây dựng là 6,4 triệu đồng, giảm 201 nghìn đồng, tương ứng giảm 3,0% và lao động trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân là 6,8 triệu đồng, giảm 27 nghìn đồng, tương ứng giảm 0,4%.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương năm 2021 là 6,6 triệu đồng, giảm 45 nghìn đồng so với năm 2020. Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn 1,15 lần mức thu nhập bình quân của lao động nữ (7,0 triệu đồng so với 6,0 triệu đồng); lao động khu vực thành thị có thu nhập bình quân cao hơn 1,23 lần lao động khu vực nông thôn (7,3 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng).  
5. Thất nghiệp trong độ tuổi lao động
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203,7 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,42%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 8,48%, tăng 0,52 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 11,91%, tăng 1,33 điểm phần trăm so với năm trước. Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống Covid-19, vừa thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế xã hội nhưng tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó khu vực thành thị vượt mốc 4%. 
6. Lao động tự sản tự tiêu
Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong năm 2021 là hơn 4,4 triệu người, tăng khoảng 872,4 nghìn người so với năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 90,3%). 
Gần 2/3 số lao động tự sản tự tiêu là nữ giới (chiếm 62,7%). Số lao động nữ giới làm công việc tự sản tự tiêu năm 2021 tăng gần 584 nghìn người so với năm trước. Đây là nhóm lao động yếu thế và chịu nhiều ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4. Trong tổng số hơn 4,4 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, hơn 2,6 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 58%).
III. VỀ CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI (HDI) GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Trong giai đoạn 2016-2020, HDI của cả nước và hầu hết 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng qua các năm. HDI của cả nước tăng từ 0,682 năm 2016 lên 0,687 năm 2017; 0,693 năm 2018; 0,703 năm 2019 và 0,706 năm 2020 (trong đó HDI tỉnh Cao Bằng tăng từ 0,611 năm 2016 lên 0,621 năm 2017; 0,624 năm 2018; 0,633 năm 2019; 0,641 năm 2020). Theo đó, Việt Nam từ Nhóm các quốc gia, vùng lãnh thổ có HDI trung bình năm 2018 và những năm trước đó đã gia nhập Nhóm đạt mức cao trong năm 2019 và năm 2020. Thứ hạng HDI của Việt Nam trong các quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới tăng từ vị trí 118 năm 2018 lên 117 năm 2019 và có thể tiếp tục được cải thiện trong năm 2020 khi UNDP cập nhật Bảng xếp hạng. 
Với mức độ đóng góp khác nhau, tăng trưởng HDI giai đoạn 2016-2020 của cả nước và 63 địa phương có sự đóng góp của cả 3 Chỉ số thành phần do các Chỉ số này cũng đạt được mức tăng và tốc độ tăng. Chỉ số sức khỏe của cả nước tăng từ 0,822 năm 2016 lên 0,823 năm 2017 và năm 2018; 0,825 năm 2019 và đạt 0,826 năm 2020. Chỉ số giáo dục 5 năm tương ứng đạt lần lượt là: 0,618; 0,621; 0,625; 0,641 và 0,640; Chỉ số thu nhập là: 0,624; 0,634; 0,648; 0,659 và 0,664.
Nhìn chung các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đạt được HDI năm 2020 cao hơn năm 2016. Năm 2020, tuy không địa phương nào có HDI được xếp vào Nhóm 1, là nhóm đạt mức rất cao; nhưng cũng không địa phương thuộc Nhóm 4, là Nhóm thấp nhất theo tiêu chuẩn phân chia nhóm của UNDP. Các địa phương đều thuộc Nhóm 3, là Nhóm có HDI ở mức trung bình và Nhóm 2, là Nhóm có HDI đạt mức cao. Đáng chú ý là, Nhóm đạt mức cao đã tăng từ 13 địa phương năm 2016 lên 14 địa phương năm 2017; 18 địa phương năm 2018; 21 địa phương năm 2019 và 24 địa phương năm 2020. 
Một kết quả quan trọng khác là, nhiều địa phương có HDI thấp nhưng đạt tốc độ tăng nhanh hơn địa phương có HDI cao, khoảng cách chênh lệch HDI giữa các địa phương thu hẹp dần. Năm 2020, HDI bình quân của 10 địa phương đạt mức cao nhất là 0,773, tăng 2,71% so với năm 2016. Trong khi đó, HDI của 10 địa phương có mức thấp nhất là 0,626, tăng 5,02%; gấp 1,85 lần tốc độ tăng bình quân của 10 địa phương đạt mức cao nhất. Do vậy, mức chênh lệch HDI bình quân của 10 địa phương đạt cao nhất so với 10 địa phương có mức thấp nhất đã giảm từ 26,38% năm 2016 xuống còn 23,61% năm 2020.
Mặc dù đạt được những thành tựu rất quan trọng nêu trên, nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một số vấn đề đáng quan ngại trong phát triển con người. Cụ thể là:
(1) HDI của cả nước và hầu hết các địa phương đều tăng, nhưng tốc độ tăng thấp. Năm 2020, HDI của cả nước đạt 0,706, chỉ tăng 0,024 so với năm 2016 với tốc độ tăng bình quân mỗi năm 0,9%. HDI của cả nước tuy đã chuyển từ Nhóm 3 lên Nhóm 2 nhưng mới ở mức thấp của Nhóm 2. Trong Bảng xếp hạng HDI thế giới, thứ hạng của Việt Nam cải thiện không nhiều và trong khu vực Đông Nam Á vẫn xếp thứ 7/11 quốc gia.
(2) Sự đóng góp của các Chỉ số thành phần vào cấu thành HDI không lớn do tăng chậm. Chỉ số sức khỏe của cả nước năm 2020 chỉ tăng 0,004 so với năm 2016 với tốc độ tằng bình quân mỗi năm là 0,12%; Chỉ số giáo dục tăng 0,022 với tốc độ tăng 0,88%/năm; Chỉ số thu nhập tăng 0,040 với tốc độ tăng 1,57%/năm.
(3) HDI và các Chỉ số thành phần của nhiều địa phương vùng núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn thấp mặc dù đạt được tốc độ tăng tương đối cao trong những năm 2016-2020 vừa qua.
 
     Tại buổi họp báo, Lãnh đạo Vụ Thống kê Dân số và Lao động(TCTK) đã trả lời các câu hỏi của các Nhà báo để làm rõ thêm một số vấn đề về tình hình lao động, việc làm, thất nghiệp, thu nhập của người lao động trong quý IV, cả năm 2021 và một số vấn đề liên quan đến Chỉ số phát triển con người (HDI) giai đoạn 2016-2020

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây