I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
1. Nông nghiệp
Trồng trọt
Cây hàng năm
Tháng 02 là tháng trùng Tết Nguyên đán, một số vùng bà con nông dân tập trung thu hoạch khoai tây, khoai lang, bắp cải, rau, đậu các loại để tiêu dùng và phục vụ thị trường trong dịp tết; đồng thời tranh thủ cày ải, làm đất, phát quang nương rẫy và gieo trồng các loại cây trồng chính vụ đông xuân. Trong tháng, thời tiết mưa nhiều kèm theo nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Ước tính đến ngày 15/2, tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm ước tính trồng được như sau: Cây ngô trồng được 4.341 ha, giảm 5,75% hay giảm 265 ha so với cùng kỳ năm trước; cây thuốc lá trồng được 3.165 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 6,89% hay tăng 204 ha, hiện nay bà con vẫn đang tích cực chăm sóc những diện tích đã trồng và tiếp tục gieo trồng những diện tích còn lại để đảm bảo kế hoạch mùa vụ; khoai lang trồng được 9 ha, tăng 12,5% hay tăng 1 ha; cây mía trồng được 277 ha, giảm 41,68% hay giảm 198 ha; cây đậu tương trồng được 204 ha, tăng 5,7% hay tăng 11 ha; rau các loại trồng được khoảng 812 ha, tăng 13,09% hay tăng 94 ha so với cùng kỳ năm trước.
Cây lâu năm
Trong tháng, các hộ gia đình tập trung thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường trong dịp Tết Nguyên đán như chuối, đu đủ, dứa, chanh, táo, bưởi... Đồng thời đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc một số cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng xuất thấp và trồng mới các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn như bưởi, mít, na, xoài, mận…
Tình hình sâu bệnh hại cây trồng
Trong tháng, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao tạo điều kiện cho sâu, bệnh phát sinh và gây hại đối với cây trồng xảy ra ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Cây rau, đậu các loại bị sâu tơ, sâu xanh, rệp sáp, bệnh sương mai, thối nhũn vi khuẩn... gây hại; trên cây ngô, thuốc lá bị sâu xám, bệnh sương mai, rệp… gây hại. Trên cây ăn quả chủ yếu là bệnh rệp muội, rệp sáp, sâu vẽ bùa, sâu đục cành, bệnh chảy gôm, bệnh greening, bệnh sẹo quả… gây hại. Ngành chức năng theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại trên cây trồng và kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.
Chăn nuôi
Trong tháng đàn gia súc, gia cầm được người dân thường xuyên quan tâm, chăm sóc vì vậy chăn nuôi phát triển bình thường; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã được khống chế, dịch tả lợn Châu Phi vẫn xảy ra tại một số địa phương. Công tác thú y trên địa bàn tỉnh thường xuyên được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, chủ động tiêm phòng gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa trước, trong và sau Tết Nguyên đán được quản lý chặt chẽ, thường xuyên nhằm khống chế các dịch bệnh lây lan. Các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi được tuyên truyền và hướng dẫn sâu, rộng đến từng hộ chăn nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.
Tổng đàn trâu ước tính 101.537 con, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò ước tính 108.082 con, tăng 0,6% hay tăng 646 con so với cùng kỳ năm trước; đàn trâu, bò tăng nhưng không đáng kể do hiện nay một số địa phương có chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nên các gia đình đầu tư nuôi trâu, bò vỗ béo bán để cải thiện nguồn thu nhập. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 02 đạt 211 tấn, tăng 22,19% so với cùng kỳ năm 2021, lũy kế từ đầu năm 401 tấn, tăng 14,17%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tháng 02 đạt 215 tấn, tăng 4,38%, lũy kế từ đầu năm đạt 409 tấn, tăng 3,62%.
Tổng đàn lợn ước tính 301.989 con, tăng 7,41% hay tăng 20.835 con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 02 đạt 2.314 tấn, tăng 16,24%, lũy kế từ đầu năm đạt 4.569 tấn, tăng 24,23% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn gia cầm ước tính 2.758 nghìn con, giảm 0,31% hay giảm 9 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 02 đạt 621 tấn, tăng 9,31%, lũy kế từ đầu năm đạt 1.156 tấn, tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 2.015 nghìn quả, tăng 1,23%, lũy kế từ đầu năm 4.352 nghìn quả, tăng 1,37% so cùng kỳ năm trước.
Tính từ ngày 18/01 đến ngày 16/02/2022, dịch tả lợn Châu Phi phát sinh thêm 12 ổ dịch mới, 293 con lợn mắc và tiêu hủy tại các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Thạch An, Hà Quảng... lũy kế từ đầu năm 328 con; các ngành chức năng phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương: 07con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng, phân trắng, tiêu chảy, viêm phổi... lũy kế từ đầu năm là 12 con; 21 con lợn chết do bệnh dịch tả, tụ huyết trùng... lũy kế từ đầu năm là 53 con; 215 con gia cầm các loại chết do bệnh Niucatxơn, phân trắng... lũy kế từ đầu năm là 576 con.
2.Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các chủ rừng có diện tích rừng được giao khoán bảo vệ thường xuyên chăm sóc, phát quang và chặt tỉa… một số chủ rừng triển khai trồng dặm, trồng bổ sung một số diện tích rừng trồng khai thác từ năm trước. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng địa phương. Tính từ ngày 15/01 đến ngày 14/02/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ chặt phá rừng với diện tích 1,85 ha tại huyện Thạch An.
Diện tích trồng rừng mới trong tháng tính đến ngày 14/02/2022 ước tính đạt 21,5 ha, lũy kế từ đầu năm là 29,3 ha, tăng 43,81%; sản lượng gỗ khai thác ước tính đạt 859,76 m3, tăng 75,98% so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 1.859,06 m3, tăng 0,9%; sản lượng củi khai thác ước tính đạt 75.448,51 Ste, tăng 0,12% so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 150.253,83 Ste, tăng 0,05%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán trong tháng ước tính trồng được 42,03 nghìn cây, chủ yếu là keo, lát, thông, sa mộc..., trong đó: 25,3 nghìn cây trồng được do hưởng ứng hoạt động Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần 2022 của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
3.Thuỷ sản
Sản xuất thủy sản tháng 02 phát triển ổn định, các hộ nuôi trồng thủy sản đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các loại thuỷ sản để phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp lễ, tết. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt còn thấp do người dân dùng những phương tiện thô sơ để đánh bắt phục vụ gia đình, sản lượng trao đổi trên thị trường ít. Tổng sản lượng thủy sản trong tháng ước tính đạt 59,44 tấn, tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm đạt 122,41 tấn, tăng 0,92%.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Tháng 02 năm 2022 là tháng trùng với Tết Nguyên đán các đơn vị hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tạm ngừng hoạt động, công nhân sản xuất nghỉ lễ, tết theo chế độ; sau tết công nhân đi làm chưa ổn định và một số phải tạm nghỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vì vậy công suất hoạt động của các đơn vị chưa đạt mức tối đa.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 02 năm 2022 tăng 11,75% so với cùng kỳ năm trước và giảm 19,28% so tháng trước, số giảm chủ yếu ở ngành khai khoáng, ngành sản xuất và phân phối điện. Ngành khai khoáng giảm 35,24%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 33% do nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp sản xuất thấp; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,08%; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,76%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 02 tháng tăng 19,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành khai khoáng tăng 100,05%, số tăng chủ yếu là ngành khai thác quặng kim loại, tăng 157,96%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 30,35%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,49%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,76%.
Trong 02 tháng năm 2022, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước: Quặng manggan và tinh quặng manggan tăng 157,96%; manggan và các sản phẩm của manggan tăng 118,46%; điện sản xuất tăng 48,81%; đá xây dựng tăng 18,31%; nước tinh khiết tăng 15,95%; sản phẩm in khác tăng 6,06%; gạch xây tăng 3,74%. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 77,82%; cát tự nhiên giảm 64,31%; xi măng giảm 13,46%; sắt thép không hợp kim (phôi thép) giảm 10,41%; nước uống được giảm 5,9%; điện thương phẩm giảm 2,44%...
III. ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG
Ước tính tháng 02 năm 2022 vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được 101,22 tỷ đồng, bằng 87,45% so với tháng trước. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 96,42 tỷ đồng, bằng 88,26%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 4,8 tỷ đồng, bằng 73,85% so với tháng trước.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển của tỉnh tháng 02 năm 2022 ước đạt thấp so với tháng trước do là tháng Tết, các chủ thầu thi công cho công nhân lao động tại các công trình nghỉ Tết Nguyên đán. Đồng thời, do tình hình dịch Covid-19 tại Cao Bằng diễn biến phức tạp, ngày càng tăng số ca nhiễm mới nên khả năng công nhân sẽ còn nghỉ kéo dài. Các công trình thi công dở dang, chuyển tiếp hiện nay vẫn còn ảm đạm, chưa thi công trở lại.
Về kế hoạch năm 2022, đã phân bổ chi tiết đến cấp tỉnh, cấp huyện đang hoàn thiện phân bổ cho các công trình, dự kiến hoàn thành trong tháng này để kịp thời triển khai.
Tính chung 02 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư phát triển ước tính thực hiện được 216,97 tỷ đồng, bằng 6,51% kế hoạch năm 2022, giảm 16,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 205,67 tỷ đồng, giảm 15,04%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 11,3 tỷ đồng, giảm 39,73% so với cùng kỳ năm 2021.
IV. THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ, GIÁ CẢ
Tình hình hoạt động kinh doanh của các đơn vị sau Tết Nguyên đán đã trầm lắng và giảm đáng kể. Một số cơ sở sản xuất kinh doanh tạm thời còn nghỉ kinh doanh chưa mở cửa hàng, nhiều cơ sở đã kinh doanh sau tết nhưng doanh thu bán hàng đạt thấp. Bên cạnh đó, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch... nên doanh thu một số hoạt động kinh doanh giảm.
1.Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02 năm 2022 ước đạt 601,66 tỷ đồng, giảm 1,59% so với tháng trước và tăng 4,53% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 513,43 tỷ đồng, giảm 1,23% so với tháng trước và tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng doanh thu tăng cao so với tháng trước như: nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 10,63%; xăng, dầu các loại tăng 10,87%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 18,56%; doanh thu dịch vụ sửa chữa xe máy và xe có động cơ khác tăng 5,87%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 59,07 tỷ đồng, giảm 4,03% so với tháng trước, tăng 6,89% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước tính đạt 4,04 tỷ đồng, giảm 6,7%; dịch vụ ăn uống ước tính đạt 55,03 tỷ đồng, giảm 3,83% so với tháng trước.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 0,05 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng trước và giảm 84,8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 29,11 tỷ đồng, giảm 2,8% so với tháng trước và giảm 6,51% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 02 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.213,06 tỷ đồng, giảm 4,05% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.033,28 tỷ đồng, giảm 1,37%; giảm nhiều ở một số nhóm hàng như: gỗ và vật liệu xây dựng giảm 26,55%; vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 20,83%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) giảm 17,28%; hàng hóa khác giảm 11,12%... Bên cạnh đó, một số nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm trước như: đồ dùng, dụng cụ, thiết bị gia đình tăng 20,43%; xăng, dầu các loại tăng 10,46%; hàng may mặc tăng 2,64%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy khác tăng 2,48%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 120,62 tỷ đồng, giảm 16,83%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 0,1 tỷ đồng, giảm 89,64%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 59,06 tỷ đồng, giảm 16,43%.
2.Hoạt động xuất nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý tháng 02 năm 2022 ước đạt 14,2 triệu USD, giảm 89% so với tháng trước. Trong đó kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11,9 triệu USD, giảm 82%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 0,2 triệu USD, giảm 99%; kim ngạch hàng giám sát, tạm nhập tái xuất đạt 2,1 triệu USD, giảm 96% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 40,3 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 6,4% so với chỉ tiêu HĐND tỉnh giao.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hàng rau quả đạt 0,08 triệu USD; nhân hạt điều 0,107 triệu USD; hóa chất đạt 0,079 triệu USD; gỗ và các sản phẩm gỗ 0,069 triệu USD...
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Thuốc lá đạt 0,079 triệu USD; than các loại 0,63 triệu USD; vải các loại 0,6 triệu USD...
3.Hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải tháng 02 năm 2022 ước đạt 23,22 tỷ đồng, giảm 14,3% so với tháng trước và tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động vận tải tháng 02 năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước, số tăng chủ yếu ở hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Vận tải hành khách
Ước tính tháng 02 năm 2022 vận chuyển hành khách đạt 92,7 nghìn hành khách, bằng 79,6% so với tháng 01 năm 2022, giảm 25,56% so với cùng kỳ năm trước; ước tính hành khách luân chuyển đạt 6.173,2 nghìn lượt HK.km so với tháng trước bằng 67,0%, giảm 19,35% so với cùng kỳ năm trước. Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước nên người dân hạn chế đi lại trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều người không về quê ăn tết, vì vậy lượng hành khách giảm.
Vận tải hành khách trong 02 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 209,2 nghìn hành khách và đạt 15.389,8 nghìn lượt HK.km, so với cùng kỳ năm trước số hành khách vận chuyển giảm 27,78% và số hành khách luân chuyển giảm 10,92%.
Vận tải hàng hoá
Dự ước vận chuyển hàng hóa tháng 02 năm 2022 đạt 74,6 nghìn tấn hàng hóa và luân chuyển hàng hóa đạt 2.208,4 nghìn tấn.km, so với tháng trước giảm 23,41% hàng hóa vận chuyển và giảm 15,42% hàng hóa luân chuyển.
Tính chung 02 tháng đầu năm 2022, vận tải hàng hóa ước tính đạt 172,0 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 67,84%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 4.819,4 nghìn tấn.km, giảm 37,15% so với cùng kỳ năm trước.
V. TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG
1. Thu chi ngân sách
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn duy trì tiến độ, chi ngân sách Nhà nước đáp ứng kịp thời, đầy đủ các yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và hoạt động của bộ máy nhà nước. Tính đến thời điểm 15/02/2022 kết quả thu, chi ngân sách Nhà nước đạt được như sau:
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 278.767 triệu đồng, bằng 126% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 148.492 triệu đồng, bằng 74% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt 129.774 triệu đồng, bằng 658% so với cùng kỳ năm trước; thu các khoản huy động, đóng góp đạt 500 triệu đồng.
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 821.564 triệu đồng, bằng bằng 123% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu là chi thường xuyên nhằm đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước.
2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng
Hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng. Các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì ổn định, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1%-6,99% trên 1 năm, lãi suất tiền gửi online cao hơn tại quầy giao dịch từ 0,2-0,4% trên năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên biến động từ 4,5%-12%; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7,5%-13% trên 1 năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói.
Tổng vốn quản lý và huy động trên địa bàn ước tính đến 28/02/2022 đạt 25.289 tỷ đồng, tăng 0,68% hay tăng 171 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 22.014 tỷ đồng, tăng 0,49% hay tăng 108 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 3.275 tỷ đồng, tăng 1,96% hay tăng 63 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn huy động giảm so với đầu năm do hiện nay lãi suất tiền gửi các ngân hàng thấp, sức hấp dẫn không cao vì vậy khách hàng tìm kiếm các kênh đầu tư khác. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 28/02/2022 ước đạt 12.855 tỷ đồng, giảm 0,03% hay giảm 4 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ xấu 102 tỷ đồng, chiếm 0,79% tổng dư nợ.
Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thanh khoản tốt, tỷ giá ngoại tệ diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng.
VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1.Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Sau Tết Nguyên đán, số ca mắc Covid-19 gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh. Trước những diễn biến mới của dịch, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; chủ động kiểm soát nguy cơ dịch bệnh sớm nhất, đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, phát hiện xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra. Tiếp tục phân bổ và điều chuyển vắc xin phòng Covid-19 cho các đơn vị thực hiện tiêm chủng phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 17/01/2022 đến ngày 15/02/2022, tỉnh Cao Bằng ghi nhận, phát hiện 2.080 trường hợp mắc Covid-19. Lũy tích đến ngày 15/02/2022 ghi nhận 3.720 ca bệnh, trong đó 319 trường hợp đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh, 822 trường hợp bệnh không có triệu chứng điều trị tại nhà, khỏi bệnh 2.121 người, chuyển tuyến trung ương 01 người và tử vong 07 người.
Về hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện từ ngày 16/4/2021 đến ngày 15/02/2022 là 916.489 mũi.
Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: Trong tháng ghi nhận 26 ca Adeno virus; Cúm thông thường 460 ca; Tiêu chảy 271 ca; Quai bị 02 ca. Tất cả các trường hợp mắc bệnh được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời, không có tử vong.
Trong tháng, phát hiện 03 trường hợp nhiễm mới HIV, trong đó 01 trường hợp là người ngoại tỉnh, không có người nhiễm HIV/AIDS tử vong, không có trường hợp mới chuyển AIDS.
Trong tháng 02 năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
2.Giáo dục
Các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch năm học 2021-2022. Công tác phổ cập xóa mù chữ thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm đẩy mạnh thực hiện.
Từ ngày 14/02/2022, học sinh các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố đã chính thức quay trở lại trường học. Tuy nhiên, dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, từ ngày 14/02/2022 đến ngày 18/02/2022 các cơ sở giáo dục đã ghi nhận 138 học sinh mắc Covid-19. UBND Thành phố đã chỉ đạo các trường THCS học sinh đã tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng Covid-19 tiếp tục học bình thường và trường hợp phát hiện F0 trong lớp học (riêng khối 6 học sinh THCS chưa được tiêm, các trường thông báo học sinh nghỉ học, học trực tuyến từ ngày 21/02/2022 cho đến khi có thông báo mới); học sinh các trường mầm non công lập và cơ sở giáo dục mầm non tư thục nghỉ học từ ngày 21/02/2022 cho đến khi có thông báo mới; học sinh các trường tiểu học học trực tuyến tại nhà cho đến khi có thông báo mới.
3.Tình hình trật tự, an toàn giao thông
Từ ngày 15/01/2022 đến ngày 14/02/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 03 người chết, 08 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 300 triệu đồng. So với tháng trước tai nạn giao thông tăng 02 vụ, giảm 02 người chết và tăng 03 người bị thương. Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định, quy tắc về giao thông đường bộ.
4. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/01/2022 đến ngày 14/02/2022 lực lượng chức năng phát hiện 12 vụ vi phạm môi trường, xử lý 06 vụ với số tiền xử phạt 31,5 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ vi phạm môi trường đã phát hiện giảm 20 vụ, giảm 10 vụ vi phạm môi trường đã xử lý.
Về tình hình cháy, nổ: Trong tháng xảy ra 02 vụ cháy tại Thành phố Cao Bằng trong đó 01 vụ cháy nhà, 01 vụ cháy phương tiện giao thông, không có thiệt hại về người, ước tính tổng giá trị thiệt hại 630 triệu đồng.
5.Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ thiên tai, 01 vụ do rét đậm, rét hại kéo dài làm chết 14 con gia súc; 01 vụ do sạt lở và lún đất làm trượt đổ gãy 16m kè chắn đất và 9m tường xây gạch của 01 hộ dân. Ước tính tổng giá thị thiệt hại 336 triệu đồng.
Đánh giá chung
Trong tháng 02 năm 2022 sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu vào thu hoạch một số loại rau, củ vụ đông đồng thời cày ải, làm đất gieo trồng các loại cây vụ đông xuân; sản xuất công nghiệp chững lại; thị trường cơ bản ổn định, hàng hóa lưu thông tốt. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh một số hoạt động dịch vụ.
Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi, khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3 năm 2022 cần tập trung những nội dung sau:
Một là, tiếp tục gieo trồng các cây vụ đông xuân đảm bảo hết diện tích, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gây hại cho vật nuôi và cây trồng, có phương án bảo vệ vật nuôi trong các đợt rét đậm, rét hại. Tăng cường công tác trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
Hai là, các chủ đầu tư đôn đốc các đơn vị thi công đảm bảo tiến độ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
Ba là, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hạn chế tối đa việc găm hàng tăng giá đột biến trong mùa dịch, nhất là đối với các mặt hàng phòng chống, dịch Covid-19. Tăng cường công tác dự báo cung cầu thị trường hàng tiêu dùng để đảm bảo nguồn hàng ổn định, cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Bốn là, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu biết về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới, không mặc cảm kỳ thị với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.
Năm là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra./.