Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022

Thứ năm - 29/12/2022 09:01
Tại thời điểm tháng 12/2022, hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 so với các dự báo đưa ra trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,2% trong năm 2022 so với thời điểm tháng 7/2022, nhưng giảm 0,2 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng năm 2023, đạt mức 2,7%. IMF nhận định thế giới đang trong thời kỳ nhiều biến động. Lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các chính phủ phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhiều quốc gia có thu nhập thấp đang phải đối mặt với những khó khăn tài chính. Đồng thời, xung đột giữa Nga và U-crai-na làm gia tăng đáng kể khả năng xảy ra gián đoạn địa chính trị toàn cầu. Mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 đã giảm ở hầu hết các quốc gia, nhưng những làn sóng kéo dài của nó vẫn tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 đạt 7,5%. Hoạt động kinh tế phục hồi sau khi dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19 và đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin trên toàn quốc. Trong khi thương mại tiếp tục mở rộng, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang suy yếu. Dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam chỉ đạt 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước chịu nhiều tác động bất lợi, kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng năm 2022 cũng bị ảnh hưởng. Với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, sáng tạo, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, đẩy mạnh phát triển”, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi, phát triển và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế  
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước tính tốc độ phát triển Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 5,04% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3,34% năm 2021 do dịch bệnh được khống chế, chiến dịch tiêm chủng được triển khai rộng rãi; nền kinh tế mở cửa trở lại, khu vực công nghiệp và dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ. Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%, đóng góp 0,65 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,91%, đóng góp 0,84 điểm phần trăm (riêng ngành công nghiệp tăng 11,46%, đóng góp 0,88 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế với mức tăng 6,01%, đóng góp 3,2 điểm phần trăm, đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng sau hai năm chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 (tăng trưởng khu vực dịch vụ năm 2020 là 5,26%; năm 2021 là 4,16%) điều này cho thấy các ngành dịch vụ thị trường đang hồi phục mạnh mẽ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,73%, đóng 0,35 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Theo giá hiện hành GRDP năm 2022 ước tính đạt 21.634,76 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 39,84 triệu đồng, tăng 2,66 triệu đồng so với năm 2021. Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4.703,18 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 4.491,02 tỷ đồng, chiếm 20,76%; khu vực dịch vụ đạt 11.628,07 tỷ đồng, chiếm 53,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 812,49 tỷ đồng, chiếm 3,75%.   
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 những tháng đầu năm còn gặp nhiều khó khăn, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ở một số địa phương trong tỉnh xuất hiện băng giá làm cho đàn trâu, bò bị chết rét dẫn đến tình trạng nhiều hộ nông dân thiếu sức kéo, ảnh hưởng đến tiến độ làm đất gieo trồng; đồng thời tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh bùng phát mạnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trồng trọt như giá cả vật tư đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn ở mức cao, hàng hóa nông sản đặc biệt là mặt hàng rau tiêu thụ bị hạn chế... Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả nên kết quả sản xuất nông nghiệp đạt khá, sản lượng lương thực có hạt, sản lượng cây lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi phát triển tốt, số lượng đầu con gia súc, gia cầm tăng; lâm nghiệp phát triển ổn định; sản xuất thủy sản tăng đã góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế toàn tỉnh.
2.1. Nông nghiệp
Cây hàng năm
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 96.322 ha, tăng 1,53% hay tăng 1.451 ha so với năm 2021, tăng chủ yếu ở vụ mùa và ở một số cây trồng như: lúa, sắn, dong riềng, thạch đen, gừng và một số cây hàng năm khác do thời điểm gieo trồng thời tiết thuận lợi, vì vậy bà con nông dân gieo trồng hết diện tích bỏ hoang từ những năm trước và khai hoang, mở rộng thêm diện tích gieo trồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt 296.345 tấn, tăng 2,12% hay tăng 6.142 tấn so với năm 2021, so với kế hoạch tăng 6,21% hay tăng 17.337 tấn. Cụ thể một số cây trồng chính như sau: 
Cây lúa cả năm gieo trồng được 30.277 ha, tăng 3,74% hay tăng 1.092 ha so với năm 2021, so với kế hoạch tăng 2,17% hay tăng 644 ha; năng suất bình quân ước đạt 46,23 tạ/ha, tăng 0,94%; sản lượng đạt 139.972 tấn, tăng 4,72% hay tăng 6.312 tấn so với năm trước, so với kế hoạch tăng 4,14% hay tăng 5.561 tấn. Hiện nay một số huyện đang thực hiện chương trình tái cơ cấu cây lúa, chủ yếu là sử dụng các giống lúa thuần chất lượng tốt để sản xuất hàng hóa đáp ứng được nhu cầu thị trường, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vì vậy năng suất và sản lượng tăng so với năm trước. 
Cây ngô gieo trồng được 41.198 ha, giảm 0,14% hay giảm 57 ha so với năm trước, so với kế hoạch tăng 4,72% hay tăng 1.858 ha. Năng suất ước đạt 37,95 tạ/ha, tăng 0,03%; sản lượng ước đạt 156.354 tấn, giảm 0,11% hay giảm 168 tấn so với năm trước, so với kế hoạch tăng 8,13% hay tăng 11.757 tấn. 
Cây thuốc lá trồng được 3.293 ha, tăng 7,83% hay tăng 239 ha so với năm 2021, so với kế hoạch tăng 7,76% hay tăng 237 ha; diện tích thuốc lá tăng chủ yếu ở các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình… do năm nay việc cam kết thu mua sản phẩm cũng như việc đầu tư, hỗ trợ bà con nông dân được cải thiện, một số xã đã xây dựng được vùng nguyên liệu và mô hình thuốc lá chất lượng cao. Năng suất đạt 26,01 tạ/ha, tăng 2,2% so với năm trước, sản lượng đạt 8.565 tấn, tăng 10,20% hay tăng 793 tấn và đạt 112,95% so với kế hoạch.
Cây sắn trồng được 3.415 ha, tăng 17,64% hay tăng 512 ha, so với kế hoạch tăng 168,56% hay tăng 1.389 ha; diện tích sắn tăng chủ yếu ở huyện Bảo Lạc và huyện Hạ Lang do thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Khánh Hạ Cao Bằng liên kết, ký kết hợp đồng với Ủy ban nhân dân huyện về đầu tư cho nông dân trồng sắn cao sản; công ty hỗ trợ, cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; năng suất ước đạt 159,98 tạ/ha, tăng 3,67% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 54.632 tấn, tăng 21,96% hay tăng 9.836 tấn so với năm 2021, so với kế hoạch tăng 77% hay tăng 23.767 tấn.
Cây mía trồng được 2.778 ha, giảm 2,39% hay giảm 68 ha so với năm trước, so với kế hoạch giảm 5,77% hay giảm 170 ha, giảm chủ yếu ở huyện Hạ Lang; diện tích giảm do giá bán thấp, chi phí phân bón cây trồng tăng cao, khả năng sản xuất của nhà máy đường còn hạn chế về sản lượng, một số vùng trồng mía còn xa nhà máy, lượng mía chặt xuống không vận chuyển kịp nên người dân đã dần phá bỏ cây mía để chuyển sang trồng khác như: cây sắn, gừng... Năng suất ước đạt 621,98 tạ/ha, tăng 1,95%; sản lượng ước đạt 172.771 tấn, giảm 0,5% hay giảm 863 tấn so với năm 2021, so với kế hoạch giảm 13,61% hay  giảm 27.219 tấn. 
Cây lâu năm   
Ước tính tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có là 10.030 ha, tăng 15,33% hay tăng 1.333 ha so với năm trước, tăng chủ yếu ở nhóm cây gia vị, cây dược liệu, tăng nhiều nhất là cây hồi 1.186 ha và cây sa nhân tím trong năm trồng được 72 ha, là một trong những loại cây trồng trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đột phá về lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 “phát triển các cây trồng đặc hữu theo chuỗi liên kết sản xuất”. Nhóm cây gia vị, cây dược liệu lâu năm diện tích hiện có 6.593 ha, so với năm trước tăng 23,67% hay tăng 1.262 ha; cây ăn quả diện tích hiện có 2.798 ha, so với năm trước tăng 1,93% hay tăng 53 ha, tăng ở các cây như: nho, chuối, dứa, ổi, bưởi, lê, mắc ca...; nhóm cây lâu năm khác diện tích hiện có 414 ha, tăng 4,28% hay tăng 17 ha so với cùng kỳ năm 2021; nhóm cây chè búp và cây lấy quả chứa dầu diện tích hiện có 225 ha, tăng 0,45% hay tăng 01 ha so với cùng kỳ năm 2021.
Ước tính sản lượng thu hoạch một số cây trồng chính năm 2022 so với năm 2021 như sau: cây chuối thu hoạch đạt 2.800 tấn, tăng 114 tấn; cây dứa thu hoạch đạt 610 tấn, tăng 34 tấn; thanh long thu hoạch đạt 544 tấn, tăng 11 tấn; quýt thu hoạch đạt 1.414 tấn, tăng 72 tấn; bưởi thu hoạch đạt 630 tấn, tăng 159 tấn; mận thu hoạch đạt 690 tấn, giảm 38 tấn; chè búp thu hoạch đạt 212 tấn, tăng 10 tấn; hồi thu hoạch đạt 3.803 tấn, tăng 184 tấn; dâu tằm thu hoạch đạt 1.187 tấn, tăng 119 tấn…
Chăn nuôi
Tổng số trâu hiện có 106.756 con, tăng 0,64% hay tăng 677 con so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 2.166 tấn, giảm 3,95% hay giảm 89 tấn so với năm 2021
Tổng số bò hiện có 107.529 con, tăng 2,22% hay tăng 2.334 con so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 2.186 tấn, so với năm trước giảm 4,92% hay giảm 113 tấn. 
Tổng đàn lợn có 325.291 con, tăng 6,28% hay tăng 19.209 con so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 26.132 tấn, so với năm trước tăng 2,97% hay tăng 753 tấn. 
Tổng số gia cầm hiện có 3.057,13 nghìn con, tăng 2,06% hay tăng 61,68 nghìn con so cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt hơi gia cầm xuất chuồng đạt 6.759 tấn, so với năm trước tăng 0,96% hay tăng 64 tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 39.315 nghìn quả, so với năm trước tăng 1,67% hay tăng 647 nghìn quả. 
2.2. Lâm nghiệp  
Năm 2022, diện tích rừng trồng mới ước tính đạt 3.035 ha, so với năm trước giảm 5,22% hay giảm 167 ha, diện tích rừng trồng mới chủ yếu các hộ dân tự mua giống về trồng trên diện tích sau khai thác và trên diện tích được giao khoán bảo vệ. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là 220.160 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 42,42% hay tăng 65.573 ha. 
Tổng số gỗ khai thác ước tính năm 2022 là 24.945 m3, so với cùng kỳ năm trước giảm 9,10% hay giảm 2.498 m3 do diện tích rừng trồng đến tuổi khai thác giảm nên sản lượng gỗ khai thác giảm hơn so với năm trước. Củi khai thác đạt 763.101 ste, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,29%  hay tăng 2.186 ste. 
2.3. Thuỷ sản
Năm 2022, nuôi trồng và khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phát triển khá tốt do ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, vì vậy các cơ sở quan tâm đầu tư chăm sóc và nuôi trồng thêm một số loại có giá trị kinh tế cao, sản lượng thuỷ sản tăng góp phần cung cấp thực phẩm đáng kể cho thị trường tiêu dùng trong tỉnh. Tổng sản lượng thủy sản năm 2022 đạt 598,85 tấn, tăng 0,74% hay tăng 4,42 tấn so với năm 2021. Trong đó: sản lượng nuôi trồng ước đạt 483,50 tấn, tăng 0,74% hay tăng 3,54 tấn so với cùng kỳ năm trước; sản lượng khai thác đạt 115,35 tấn, tăng 0,77% hay tăng 0,88 tấn so với cùng kỳ năm trước. 
3. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp năm 2022 có phần khởi sắc và sôi động hơn so với năm trước ở quý I, II, III và có xu hướng chững lại ở quý IV, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,29% so với năm 2021 (IIP quý I/2022 tăng 13,28%; IIP quý II/2022 tăng 23,36%; IIP quý III/2022 tăng 12,23%; IIP quý IV/2022 giảm 4% so với cùng kỳ năm trước). 
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 10,29% so với năm 2021, chỉ số tăng chủ yếu ở ngành khai thác quặng kim loại và ngành sản xuất phân phối điện do trong năm lưu lượng nước về nhiều dẫn đến sản lượng điện của Công ty Cổ phần năng lượng Bảo Lâm tăng khá cao. Trong đó: ngành khai khoáng tăng 38,06%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 23,33%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,06%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 11,4%. 
Trong năm 2022, một số sản phẩm tăng so với năm trước: nước tinh khiết tăng 33,29%; điện sản xuất tăng 19,52%; gạch xây tăng 14,97%; xi măng tăng 14,67%; quặng manggan và tinh quặng manggan tăng 8,49%... Một số sản phẩm giảm so với năm trước: đá xây dựng giảm 32,41%; manggan và các sản phẩm của manggan giảm 28,79%; cát tự nhiên các loại giảm 28,47%; sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (phôi thép) giảm 23,09%; chiếu trúc, chiếu tre giảm 20,22%; điện thương phẩm giảm 7,21%...
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 giảm 15,98% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 73,47%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 26,27%; sản xuất kim loại giảm 19,46%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: in, sao chép bản ghi các loại tăng 12,16%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,16%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,23%...
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 12 năm 2022 giảm 70,88% so cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 72,08%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 67,95%; sản xuất kim loại giảm 29,71%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 156,55%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 1,21%. 
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 4,94% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 6,59%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 2,61%.
Xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Về tình hình sản xuất kinh doanh, có 6,25% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2022 khó khăn hơn quý III/2022; 93,75% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định. Dự kiến quý I/2023 so với quý IV/2022, có 81,25% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng ổn định và tốt lên; 18,75% dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Về khối lượng sản xuất, có 18,75% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý IV/2022 giảm so với quý III/2022; 81,25% số doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất tăng lên và ổn định. Các doanh nghiệp dự kiến xu hướng này tiếp tục ở quý I/2023.  
Về đơn đặt hàng, có 18,75% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý IV/2022 giảm so với quý III/2022; 81,25% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và tăng. Dự kiến quý I/2023 so với quý IV/2022, có 75% số doanh nghiệp đánh giá số đơn đặt hàng ổn định và tốt lên; 25% số doanh nghiệp dự báo số đơn đặt hàng giảm.
Về giá bán bình quân, có 18,75% số doanh nghiệp có giá bán bình quân quý IV/2022 tăng so với quý III/2022; 75% số doanh nghiệp có giá bán bình quân ổn định. Dự kiến quý I/2023 so với quý IV/2022 có 6,25% số doanh nghiệp có giá bán bình quân tăng; có 87,5% số doanh nghiệp có giá bán bình quân ổn định. 
4. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 10.607,66 tỷ đồng, tăng 8,01% so với năm 2021.
Phân theo nguồn vốn: Vốn khu vực Nhà nước 5.150,68 tỷ đồng, tăng 7,88%; vốn khu vực ngoài Nhà nước 5.427,91 tỷ đồng, tăng 8,15%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 29,07 tỷ đồng, tăng 4,24% so với năm 2021. Năm 2022, vốn đầu tư tăng so với năm trước và tăng ở cả ba khu vực do trong năm 2022 mọi hoạt động của người dân được hồi phục trở lại sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, kéo theo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng tăng đáng kể.
Phân theo khoản mục đầu tư: vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, ước đạt 6.361,09 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm trước. Tiếp đến là vốn sửa chữa lớn, nâng cấp TSCĐ 2.051,75 tỷ đồng, tăng 7,79%; Mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua XDCB 1.710,80 tỷ đồng, tăng 2,82%; Bổ sung vốn lưu động dưới dạng hiện vật bằng vốn tự có 469,59 tỷ đồng, tăng 11,41%; Vốn đầu tư khác chiếm tỷ lệ nhỏ, ước đạt 14,44 tỷ đồng, tăng 7,94% so với năm trước. 
Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã huy động mọi nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các thành phần kinh tế khác để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; từng bước giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; áp dụng linh hoạt các hình thức kêu gọi vốn đầu tư theo các hình thức xã hội hoá, hợp tác đối tác công tư (PPP),...
5. Thương mại, dịch vụ, giá cả
Năm 2022, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh dần phục hồi và có nhiều khởi sắc, doanh thu các ngành đều đạt cao hơn so với năm trước. Hàng hoá lưu thông trên thị trường đa dạng, phong phú đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 8.723,53 tỷ đồng, tăng 18,28% so với năm 2021. Chia theo ngành hoạt động: 
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.072,64 tỷ đồng, tăng 15,26% so với  năm trước. 
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.127,42 tỷ đồng, tăng 39,03% so với năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 44,4%; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 38,50%. 
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,95 tỷ đồng, tăng 86,85% so với năm trước. Cùng với sự phục hồi du lịch của cả nước, năm 2022 ngành du lịch của tỉnh Cao Bằng đã triển khai được nhiều hoạt động nổi bật và đạt kết quả tích cực. Công tác quảng bá được chú trọng, vì vậy lượng khách du lịch đến tỉnh tăng nhanh kéo theo doanh thu du lịch và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 518,52 tỷ đồng, tăng 21,81% so với năm trước. Hiện nay, tại địa phương ngày càng có nhiều cơ sở tham gia kinh doanh dịch vụ, các loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có biến động giảm so với tháng trước. Cụ thể: Chỉ số CPI chung trong tháng giảm 0,69% so với tháng trước, tăng 4,13% so với tháng 12 năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 12 giảm so với tháng trước là do các nhóm hàng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,32%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,23%; Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,04%; Giao thông giảm 2,70%; Bưu chính viễn thông giảm nhẹ 0,01%; Giáo dục giảm 0,03%; Văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,08%; Hàng hóa và dịch vụ khác giảm nhẹ 0,01%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 1,73% so với năm 2021. Do giá một số mặt hàng như: xăng dầu, gas, giá học phí giáo dục… biến động tăng đã tác động làm cho chỉ số giá năm 2022 tăng so với cùng kỳ.
Chỉ số giá vàng tháng 12/2022 tăng 1,11% so với tháng trước, tăng 2,30% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân năm 2022 tăng 1,89% so với năm 2021.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 12/2022 giảm 2,35% so với tháng trước, tăng 5,68% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân năm 2022 tăng 2,02% so với năm trước.
Hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải năm 2022 ước đạt 321,89 tỷ đồng, tăng 11,03% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách 94,36 tỷ đồng, tăng 53,7%; doanh thu vận tải hàng hóa 220,92 tỷ đồng, tăng 0,07%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải 6,60 tỷ đồng giảm 14,65%.
Trong năm 2022, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 1.814,5 nghìn hành khách, tăng 48,43% so với năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 95,81 triệu HK.Km, tăng 43,68% so với năm trước. 
Vận chuyển hàng hoá ước đạt 1.412,4 nghìn tấn; hàng hoá luân chuyển ước đạt 43,46 triệu tấn.km. 
6. Một số chỉ tiêu dân số, lao động
Dân số trung bình năm 2022 của toàn tỉnh ước tính 543.052 người, tăng 5.074 người, tương đương tăng 0,94% so với năm 2021. Trong tổng dân số, dân số thành thị 138.465 người, chiếm 25,5%; dân số nông thôn 404.587 người, chiếm 74,5%; dân số nam 272.832 người, chiếm 50,24%; dân số nữ 270.220 người, chiếm 49,76%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2022 là 101 nam/100 nữ.
Tổng tỷ suất sinh năm 2022 của toàn tỉnh là 2,4 con/phụ nữ, so với năm 2021 không thay đổi.
Tỷ suất sinh thô cả năm 2022 là 16,2 trẻ em sinh ra sống trên 1000 dân; Tỷ suất chết thô năm 2022 là 7,8 người chết trên 1000 dân, cao hơn so với năm 2021 (năm 2021 tỷ suất chết thô là 7,3 người chết trên 1000 dân). 
Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của toàn tỉnh năm 2022 là 71,4 năm, cao hơn so với năm 2021 là 0,06%; Trong đó tuổi thọ trung bình của nam là 68,6 năm, giảm 0,04% so với năm 2021 và tuổi thọ trung bình của nữ là 74,3 năm, tăng 0,04% so với năm 2021.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của toàn tỉnh năm 2022 ước tính là 356.598 người, tăng 3.026 người so với năm trước (tăng 0,86%), trong đó: Lao động nam 181.150 người, chiếm 50,8% tổng số và lao động nữ 175.448 người, chiếm 49,2%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 71.953 người, chiếm 20,18%; khu vực nông thôn là 284.645 người, chiếm 79,82%. 
Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính năm 2022 là 354.320 người, bằng 99,36% lực lượng lao động trên 15 tuổi của toàn tỉnh. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2022 tăng so với năm 2021 là 1,13%. Trong tổng số lao động đang làm việc thì lao động trong ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 71,02%, giảm so với năm 2021 là 0,77%; lao động trong ngành Công nghiệp, Xây dựng chiếm 8,88% tăng so với năm 2021 là 0,33% và lao động trong các ngành Dịch vụ chiếm 20,1% tăng so với năm 2021 là 0,44%.

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây