I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, có nắng mưa xen kẽ, thuận tiện cho quá trình sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi phát triển tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng so với cùng kỳ năm trước; sản xuất lâm nghiệp ổn định; thủy sản tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
1. Nông nghiệp
Cây hàng năm
Sản xuất nông nghiệp tháng 3 tập trung làm đất, trồng lúa, ngô và các hoa màu khác vụ đông xuân, đồng thời tiếp tục chăm sóc và thu hoạch thuốc lá, rau đậu các loại.
Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, trong quý I các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng và đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện kế hoạch cung ứng các loại giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và các điều kiện cần thiết để phục vụ sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp đảm bảo kế hoạch mùa vụ. Tính đến ngày 15 tháng 3 năm 2024, tiến độ gieo trồng các loại cây như sau:
Cây lúa trồng được 656 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,21% hay tăng 27 ha; cây ngô trồng được 15.004 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,37% hay tăng 203 ha. Diện tích gieo trồng lúa, ngô tăng do năm nay thời tiết thuận lợi có mưa nên ở một số vùng đã đã gieo cấy được, hiện nay còn một số vùng khác bà con đang chăm sóc mạ và làm đất để cấy. Cây thuốc lá trồng được 4.707 ha, tăng 28,43% hay tăng 1.042 ha so với cùng kỳ năm trước, hiện nay ở một số vùng bà con nông dân đang tiếp tục thu sấy sản phẩm của một số diện tích trồng sớm; cây khoai lang gieo trồng được 69 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,34% hay tăng 2 ha; cây mía trồng được 769 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06% hay tăng 15 ha; cây đậu tương gieo trồng được 327 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,7% hay tăng 5 ha; rau các loại gieo trồng được 1.126 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,6% hay tăng 29 ha; đậu gieo trồng được 59 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,58% hay tăng 0,34 ha. Nhìn chung tiến độ gieo trồng đảm bảo kế hoạch mùa vụ.
Cây lâu năm
Trong tháng, các hộ gia đình tiếp tục thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường, đồng thời đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc một số cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng suất thấp và trồng mới các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn như: mít, na, bưởi, lê, mận... Ước tính trong quý, sản lượng thu hoạch một số cây trồng như sau: cây bưởi thu hoạch được 139 tấn, so với cùng kỳ năm tước tăng 17,77% hay tăng 21 tấn; chuối thu hoạch được 718 tấn, so với cùng kỳ giảm 3,71% hay giảm 28 tấn; cây dứa thu hoạch được 39 tấn, so với cùng kỳ giảm 4,16% hay giảm 2 tấn; cây cam thu hoạch được đạt 187 tấn, so với cùng kỳ giảm 1,79% hay giảm 3 tấn,...
Tình hình dịch bệnh trên cây trồng
Thời tiết trong quý mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện cho sâu, bệnh phát triển và gây hại đối với cây trồng xảy ra ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh như: sâu xám, sâu keo mùa thu …gây hại trên cây ngô; Rệp xơ trắng, sâu đục, bệnh đốm vòng, bệnh gỉ sắt.. gây hại trên cây mía; Sâu xanh, sâu khoang, sâu xám, bệnh sương mai, bệnh đốm mắt cua.. xuất hiện trên cây thuốc lá; Sâu đục thân, cành, sâu vẽ bùa, nhện đỏ…gây hại trên cây cam, quýt… dịch hại phát sinh gây hại ở mức nhẹ - trung bình. Các ngành chức năng theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại trên cây trồng và kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.
Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trong quý I năm 2024 cơ bản duy trì ổn định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn trâu ước tính 106.548 con, tăng 0,33% hay tăng 346 con so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò ước tính 104.078 con, giảm 0,27% hay giảm 287 con so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 601 tấn, tăng 1,73% hay tăng 10 tấn so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 603 tấn, tăng 1,24% hay tăng 7 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn lợn ước tính 336.236 con, tăng 2,66% hay tăng 8.714 con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 5.788 tấn, tăng 1,02% hay tăng 59 tấn so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng đàn gia cầm ước tính 2.823 nghìn con, tăng 0,78% hay tăng 22 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 1.944 tấn, tăng 0,71% hay tăng 14 tấn; sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 9.359 nghìn quả, tăng 1,27% hay tăng 117 nghìn quả so cùng kỳ năm trước.
Công tác thú y trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, cung ứng đầy đủ, kịp thời vacxin, hoá chất, và các vật tư cần thiết để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Công tác giám sát dịch bệnh được quan tâm thực hiện, các ổ dịch bệnh được phát hiện và xử lý kịp thời, không lây lan ra diện rộng. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý chặt chẽ, thường xuyên nhằm khống chế các dịch bệnh lây lan. Trong quý xảy ra đợt rét từ ngày 23/01 đến ngày 30/01/2024 nhiệt độ giảm sâu, đã ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ đàn gia súc làm chết 575 con gia súc các loại (trong đó có 409 con trâu, 138 con bò, 05 con ngựa, 22 con dê và 01 con lợn).
Tính từ đầu năm đến ngày 12/3/2024, trên toàn tỉnh bệnh Lở mồm long móng làm chết 13 con trâu, 02 con bò. Dịch tả lợn Châu phi đã làm mắc và tiêu huỷ 170 con lợn các loại với tổng trọng lượng bị tiêu huỷ 6.688kg. Bệnh Tụ huyết trùng và các bệnh khác xảy ra rải rác tại các huyện với tổng số trâu, bò mắc bệnh 155 con, chết 04 con; lợn có 72 con mắc bệnh, chết 07 con. Dịch bệnh trên đàn gia cầm ổn định chủ yếu do bệnh Niucatxơn, tụ huyết trùng... làm chết 483 con gia cầm các loại.
2. Lâm nghiệp
Trong tháng, sản xuất lâm nghiệp tập trung kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ và khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các hộ gia đình có diện tích rừng được giao khoán, bảo vệ thường xuyên chăm sóc, phát quang và chặt tỉa… Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng địa phương.
Tính chung quý I năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung toàn tỉnh ước tính đạt 507 ha tăng 90,99% hay tăng 241 ha so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu được trồng trong tháng 3 (trồng được hơn 200 ha). Sản lượng gỗ khai thác ước tính đạt 1.757 m³, giảm 14,92% hay giảm 308 m³ so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng củi khai thác ước tính đạt 176.841 ster, giảm 0,01% hay giảm 17 ster so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng bị thiệt hại trong quý là 9,49 ha, trong đó: 1,56 ha do cháy rừng; 7,93 ha do chặt phá rừng.
3. Thuỷ sản
Sản xuất thủy sản tháng 3 phát triển ổn định, các hộ nuôi trồng thủy sản đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các loại thuỷ sản để cải tạo, tu sửa hệ thống ao, hồ kịp thời thả giống cho vụ mới. Việc khai thác các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt thấp.
Tổng sản lượng thủy sản ước tính quý I đạt 160,21 tấn, tăng 0,89% hay tăng 1,42 tấn so với quý I/2023, trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 143,8 tấn, tăng 0,92% hay tăng 1,31 tấn so với cùng kỳ; sản lượng thu được từ khai thác 16,41 tấn, tăng 0,67% hay tăng 0,11 tấn so cùng kỳ năm trước.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Sản xuất công nghiệp quý I năm 2024 ước tính giảm nhẹ (1,52%) so với cùng kỳ năm trước, số giảm chủ yếu ở ngành khai khoáng khác, chế biến gỗ, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt. Do tình hình sản xuất của các đơn vị những tháng đầu năm phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguyên vật liệu đầu vào,… nên cơ bản các đơn vị chỉ sản xuất cầm chừng làm cho sản lượng giảm.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 3/2024 ước tính tăng 34,1% so với tháng trước và tăng 8,59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành chế biến, chế tạo tăng 28,47% (tăng chủ yếu ở ngành sản xuất chế biến thực phẩm do năm nay sản lượng mía bà con thu hoạch được tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,09%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 10,11%.
Tính chung quý I năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng giảm 3,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,7%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 14,49% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,51%.
Trong quý I năm 2024 một số sản phẩm sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2023 gồm: Cát tự nhiên các loại tăng 7,83%; đường tăng 40,98%; sản phẩm in các loại tăng 0,71%; gạch xây các loại tăng 2,06%; manggan và các sản phẩm của manggan tăng 22,61%; điện thương phẩm tăng 1,13%; nước uống được tăng 11,92%. Bên cạnh đó so với cùng kỳ năm trước các sản phẩm sản xuất giảm, cụ thể: quặng và tinh quặng manggan giảm 79,83%; đá xây dựng giảm 59,38%; nước tinh khiết giảm 64,72%; chiếu trúc, chiếu tre giảm 48,40%; xi măng giảm 10,79%; sắt, thép không hợp kim dạng bán thành phẩm (phôi thép) giảm 2,25%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 52,27%; điện sản xuất giảm 21,39%.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 năm 2024 giảm 11,53% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,36% so với tháng trước. Tính chung quý I năm 2024, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,82%; sản xuất đồ uống giảm 64,72%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 49,09%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 13,33%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 18,31%; sản xuất kim loại giảm 14,92%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 13,06%. Riêng ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 41,75%.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 3 năm 2024 tăng 23,17% so với tháng trước và tăng 77,38% so với cùng thời điểm năm 2023, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng so với cùng thời điểm năm trước: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 77,44%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 624,17%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 2,16%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 74,41%; sản xuất kim loại tăng 71,17%; Riêng ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn có chỉ số tồn kho giảm 85,01%.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 3 năm 2024 tăng 0,63% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 1,43%; lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,57%;. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp quý I năm 2024 tăng 1,87%, trong đó lao động doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 4,13%, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,44%.
III. HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP
Quý I/2024 tiếp tục có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Mặc dù quý I hàng năm là thời điểm có số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn thường tăng cao so với các quý còn lại trong năm do doanh nghiệp hay lựa chọn thời gian tạm ngừng vào thời điểm đầu năm tài chính. Tuy nhiên, có thể thấy những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp từ năm 2023 vẫn còn hiện hữu. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ có 11,76% doanh nghiệp đánh giá quý I/2024 tốt hơn quý IV/2023, còn lại 88,24% là giữ nguyên và khó khăn hơn; dự báo sang quý II/2024 tình hình sản xuất kinh doanh khả quan hơn so với quý I/2024 với 58,82% doanh nghiệp dự báo tốt lên.
1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Từ đầu năm đến ngày 18/3/2024, có 29 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 395,37 tỷ đồng, giảm 3,4% số doanh nghiệp và tăng 1% tổng số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023; có 30 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 25% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 110 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm: 20 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, bằng 285,7%; 07 doanh nghiệp thông báo giải thể tự nguyện, bằng 100% và 83 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, bằng 115,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số doanh nghiệp có đến thời điểm 18/3/2024 trên địa bàn tỉnh là 1.830 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 22.695 tỷ đồng, trong đó có 1.331 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 19.221 tỷ đồng.
2. Xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Về tình hình sản xuất kinh doanh, có 47,06% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2024 khó khăn hơn quý IV/2023; 11,76% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và 41,18% số doanh nghiệp đánh giá ổn định. Dự kiến quý II/2024 so với quý I/2024, có 58,82% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn; 23,53% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 17,65% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Về khối lượng sản xuất, có 47,06% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý I/2024 giảm so với quý IV/2023; 11,76% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng lên và 41,18% doanh nghiệp đánh giá ổn định. Dự kiến quý II/2024 so với quý I/2024, có 52,94% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 29,41% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 17,65% doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng, có 40% số doanh nghiệp đánh giá có đơn đặt hàng quý I/2024 giảm so với quý IV/2023; 13,33% số doanh nghiệp đánh giá tăng lên và 46,67% số doanh nghiệp đánh giá ổn định. Dự kiến quý II/2024 so với quý I/2024, có 52,94% số doanh nghiệp dự báo số đơn đặt hàng tăng lên; 29,41% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 17,65% số doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng giảm.
Về giá bán bình quân, có 17,65% số doanh nghiệp có giá bán bình quân quý I/2024 tăng so với quý IV/2023; 47,06% số doanh nghiệp có giá bán bình quân ổn định và 35,29% số doanh nghiệp có giá bán giảm. Dự kiến quý II/2024 so với quý I/2024, có 11,76% số doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân tăng; có 47,06% số doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân ổn định và 41,18% số doanh nghiệp dự báo giá bán giảm.
IV. VỐN ĐẦU TƯ
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý I năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1.473,53 tỷ đồng, bằng 48,38% so với quý trước và giảm 4,96% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, vốn đầu tư tăng ở khu vực Nhà nước, giảm ở khu vực ngoài Nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong kỳ không thực hiện đầu tư.
Vốn nhà nước trên địa bàn ước quý I thực hiện được 725,39 tỷ đồng, tăng 3,73% so với cùng kì năm 2023, bao gồm: vốn Trung ương quản lý 113,7 tỷ đồng, tăng 124,37%; vốn địa phương quản lý 611,69 tỷ đồng, giảm 5,69% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn ngoài nhà nước quý I ước thực hiện được 748,14 tỷ đồng, giảm 12,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn của các tổ chức doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 307,86 tỷ đồng bằng 58,55% so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư giảm mạnh do các dự án lớn ngoài Nhà nước cơ bản đã hoàn thiện trong năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên cũng đầu tư ít hơn cùng kỳ năm trước; Vốn đầu tư của hộ dân cư ước thực hiện được 440,28 tỷ đồng, tăng 35,38% so với cùng kỳ năm trước, theo kết quả điều tra, phần lớn hộ dân cư đầu tư sửa chữa lớn, xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đầu tư trâu bò sinh sản, trồng cây lâu năm,…
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý quý I năm 2024 ước đạt 426,25 tỷ đồng, tăng 9,25% so với cùng kỳ năm trước và đạt 11,97% so với kế hoạch đã giao. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 405,83 tỷ đồng, tăng 9,95%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 20,42 tỷ đồng giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình triển khai kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư công: Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh Cao Bằng đã được giao chi tiết tại Quyết định số 1768/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2024. Quý I/2024 là quý có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào tháng 02 làm chậm tiến độ thi công công trình và gián đoạn hoạt động đầu tư của tất cả các khu vực kinh tế. Hoạt động đầu tư nguồn vốn khu vực Nhà nước trong các tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn trong năm. Các công trình mới được bố trí vốn năm 2024 đang trong thời gian chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ để chuẩn bị triển khai thi công. Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) hiện nay đang tiến hành giải phóng mặt bằng mà trọng tâm là thực hiện Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, dự kiến đến ngày 15/6/2024 bàn giao 100% mặt bằng sạch, phấn đấu thông tuyến trong năm 2026 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
V. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ, GIÁ CẢ
Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi và nhộn nhịp dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; hàng hoá lưu thông trên thị trường dồi dào, phong phú, đa dạng đáp ứng được nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân, vì vậy doanh thu các ngành quý I năm 2024 đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Dự tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 năm 2024 đạt 1.002,76 tỷ đồng, tăng 6,22% so với tháng trước, tăng 25,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 731,45 tỷ đồng, tăng 18,59%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 200,09 tỷ đồng, tăng 48,52%; du lịch lữ hành ước đạt 1,79 tỷ đồng tăng 147,96%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 69,43 tỷ đồng, tăng 44,82% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính quý I năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.024,91 tỷ đồng, tăng 22,12% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 2.223,3 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đa số các nhóm ngành hàng doanh thu đều tăng so với cùng kỳ, chỉ có nhóm gỗ và vật liệu xây dựng doanh thu giảm 20,86%, xăng dầu các loại giảm 1,5% và sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy giảm 28,97%. Các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chủ động đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, giá cả ổn định, nguồn hàng phong phú, đa dạng, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm và thị hiếu người tiêu dùng. Các mặt hàng được bày bán có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhiều sản phẩm là hàng nông sản của địa phương đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 586,85 tỷ đồng, tăng 50,16% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: doanh thu lưu trú tăng 51,78%; doanh thu ăn uống tăng 49,99%). Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước tính đạt 4,07 tỷ đồng, tăng 128,35% so với năm 2023. Với các hoạt động đẩy mạnh phát triển du lịch những năm gần đây cùng với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, tỉnh Cao Bằng tiếp tục là điểm đến mới thu hút nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm, góp phần tăng trưởng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ du lịch lữ hành cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 210,69 tỷ đồng, tăng 36,49% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 11,9%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 5,3%; dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 8,2%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 13,8%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 14,1% và dịch vụ khác tăng 33,5%.
2. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 năm 2024 giảm 0,18% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 05 nhóm hàng hoá giảm giá so với tháng trước, 05 nhóm hàng tăng giá và 01 nhóm chỉ số giá không tăng, không giảm. 05 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,55% chủ yếu do nhóm thực phẩm giảm 0,99%, một số mặt hàng lương thực, thực phẩm nguồn cung dồi dào và có xu hướng giảm so với tháng Tết nên giá bán giảm (thịt lợn giảm 1,78%, thịt bò giảm 1,67%, nội tạng động vật giảm 1,83%); nhóm may mặc, mũ nón dày dép giảm 0,43% chủ yếu do giày dép giảm 1,43%; nhóm giao thông giảm 0,16% (bình quân giá xăng tăng 0,88%, ngược lại dầu giảm 1,13% qua 4 lần điều chỉnh so với tháng trước); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,47%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,73% so với tháng trước do nhóm thiết bị văn hoá giảm 2,34%.
Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 1,9%. Nhóm giáo dục chỉ số giá ổn định, không tăng không giảm so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 năm 2024 tăng 1,72% so với tháng 3 năm 2023, tăng 0,52% so với tháng 12 năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm 2024 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số giá vàng tháng 3 năm 2024 tăng 4,69% so với tháng trước, tăng 25,41% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân quý I năm 2024 tăng 20,68% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 3 năm 2024 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân quý I năm 2024 tăng 3,68% so với cùng kỳ năm trước.
3. Hoạt động vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3/2024 ước tính đạt 31,18 tỷ đồng, giảm 4,88% so với tháng trước, giảm 4,64% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do doanh thu vận tải hàng hoá giảm, trong quý I các công trình xây dựng vẫn chưa hoạt động ổn định nên việc vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ công trình giảm.
Dự ước doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải quý I năm 2024 đạt 103,60 tỷ đồng, tăng 11,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu từ hoạt động vận tải hành khách đạt 46,86 tỷ đồng, tăng 34,05%; doanh thu từ hoạt động vận tải hàng hóa đạt 54,66 tỷ đồng, giảm 3,24%; doanh thu từ dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 2,07 tỷ đồng, tăng 44,78%.
Vận tải hành khách
Vận tải hành khách tháng 3/2024 ước tính đạt 125 nghìn hành khách, giảm 24,41% so với tháng trước; hành khách luân chuyển đạt 10.831,5 nghìn lượt HK.km, giảm 21,35%. Trong quý I năm 2024, vận tải hành khách ước tính đạt 487,6 nghìn HK và đạt 41.791,8 nghìn lượt HK.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 39,78% số hành khách vận chuyển và tăng 42,14% số hành khách luân chuyển.
Vận tải hàng hoá
Ước tính vận tải hàng hóa tháng 3/2024 đạt 95,5 nghìn tấn và đạt 6.061,7 nghìn tấn.km, so với tháng trước hàng hóa vận chuyển giảm 2,78%, hàng hóa luân chuyển tăng 6,65%.
Vận tải hàng hóa trong quý I ước tính đạt 332 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 0,58%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 17.576,6 nghìn tấn.km, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước.
VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động việc làm
Trong quý I, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã phát triển, chỉ đạo triển khai chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động; thực hiện tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm, cung ứng lao động. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, số lao động được đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 35 người; số lao động được giới thiệu việc làm, cung ứng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh 138 người và số lao động được hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm 2.489 người.
Tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm dần, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động vẫn còn khá cao, nguyên nhân do số lao động trong tỉnh phần lớn trình độ tay nghề đạt mức độ thấp chưa đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động, việc làm vẫn còn bấp bênh thiếu sự ổn định, lao động thời vụ chiếm số lượng lớn, lao động tự sản tự tiêu cao.
Trong quý I, tỉnh đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 394 người, với số tiền trả trợ cấp thất nghiệp 5,87 tỷ đồng. Việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động được thực hiện qua thẻ ATM đạt 100%.
Cơ cấu lao động theo ngành của tỉnh tiếp tục chuyển dịch từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ du lịch,…
2. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội
Trong quý I năm 2024, tình hình đời sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cơ bản ổn định. Tỉnh tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024; triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có điều kiện vui xuân, đón Tết.
UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện cấp 666,015 tấn gạo cứu đói Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho 10.994 hộ, 44.401 nhân khẩu. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thăm, tặng quà các gia đình người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội; vận động nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ, hỗ trợ quà Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Kết quả toàn tỉnh đã tặng 63.772 suất quà với tổng kinh phí 30.581,82 triệu đồng cho các đơn vị lực lượng vũ trang, đối tượng người có công, văn nghệ sĩ tiêu biểu, đối tượng chính sách xã hội và người lao động.
Tiếp nhận và phân bổ 79,305 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ bổ sung học sinh tỉnh Cao Bằng theo Nghị định số 116/2016/NĐ- CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ học kỳ I năm học 2023-2024 bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, định mức và các quy định hiện hành.
3. Tình hình giáo dục đào tạo
Trong quý I, ngành Giáo dục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện chỉ tiêu văn hoá - xã hội được giao “nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ” năm 2024; rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục và công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục đào tạo năm 2023 xét tuyển trong năm 2024, hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa lớp 9, lớp 12 và lớp 5 theo đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Thành lập các đoàn tư vấn công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia nhằm thực hiện chỉ tiêu giao năm 2024 “tăng thêm 6 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia”. Hiện nay số trường mầm non, phổ thông đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia là 180/508 trường đạt 35,43%.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn tăng hơn so với năm trước, đặc biệt năm học 2023 - 2024 thi học sinh giỏi quốc gia đạt 14 giải, cao nhất từ trước đến nay, là năm thứ 2 liên tiếp đội Robotic 11 Trường THPT Chuyên Cao Bằng giành được suất tranh tài tại đấu trường Robotics lớn nhất thế giới - VEX Robotics World Championship 2024 diễn ra tháng 5/2024 tại Mỹ.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024 có 14/70 thí sinh đạt giải (tăng 06 giải so với năm trước), trong đó: 07 giải Ba (tăng 04 giải); 07 giải khuyến khích (tăng 02 giải).
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh năm học 2023 - 2024 có 51/99 dự án đạt giải, trong đó: 06 giải Nhất (tăng 02 giải so với năm học trước), 09 giải Nhì, 16 giải Ba, 20 giải Khuyến khích; lựa chọn 02 dự án tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học dự kiến vào tháng 3/2024 tại Bắc Giang.
4. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Trong tháng 3 và quý I năm 2024, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai Đề án 06, chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Đối với các bệnh truyền nhiễm trong tháng 3/2024 ghi nhận một số bệnh lưu hành như: Adenoviruts 37 ca; Cúm 638 ca; Thủy đậu 22 ca; Quai bị 01 ca; Tiêu chảy 461 ca; Viêm gan vi rút khác 06 ca; COVID-19 ghi nhận 05 ca; Lao phổi 01 ca; giám sát tích cực tại Bệnh viện đa khoa tỉnh ghi nhận 15 ca tiêu chảy cấp.
Các trường hợp mắc lao, sốt rét, rối loạn tâm thần... được phát hiện đều được quản lý, điều trị theo quy định. Trong tháng phát hiện 03 trường hợp nhiễm HIV mới (Thành phố 01, Bảo Lâm 01, Bảo Lạc 01); phát hiện 21 trường hợp mắc Lao mới.
Duy trì hoạt động điều trị Methadone tại 12 cơ sở điều trị. Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là 1.209 bệnh nhân. Số người dự kiến được đưa vào điều trị trong tháng 4/2024: 05 người.
Trong 3 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
5. Hoạt động văn hóa, thể thao
Quý I năm 2024 là thời gian các lễ hội xuân diễn ra sôi nổi trên địa bàn tỉnh với các trò chơi vận động dân gian và các môn thể thao truyền thống phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân địa phương. Bên cạnh đó, còn có các chương trình lớn tiêu biểu như: Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Cao Bằng - Hội tụ sắc xuân” đón chào năm mới Xuân Giáp Thìn (Countdown Cao Bằng 2024); huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa để tổ chức bắn pháo hoa chào đón năm mới tại 4 điểm gồm Thành phố và các huyện Quảng Hòa, Hòa An, Hạ Lang; Lễ hội về nguồn Pác Bó năm 2024; Lễ công bố di sản văn hóa phi thật thể quốc gia nghề dệt thổ cẩm của người Tày và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh hang Ngườm Gảng, Đền Nùng Trí Cao xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng.
Công tác Nếp sống văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng Nông thôn mới được chú trọng, cụ thể: đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2023 - 2025; đề nghị xây dựng Quyết định quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “xóm, tổ dân phố văn hóa”; xã, phường, thị trấn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Phối hợp tổ chức Hội khỏe phù đổng tỉnh Cao Bằng lần thứ XI năm 2024. Triển khai tổ chức các hoạt động Dự án Bóng đá cộng đồng và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em gái tại các trường trên địa bàn và phối hợp nghiên cứu, bảo tồn, phát huy môn thể thao các Dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một. Tổ chức Giải Quần vợt “Mừng Đảng, Mừng Xuân” năm 2024; giải Quần vợt chào mừng Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959- 03/3/2024) và 35 năm ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989- 03/3/2024) tranh cup “Ngôi sao xanh” lần thứ VI năm 2024; Giải Việt dã toàn tỉnh lần thứ 62 năm 2024 chủ đề “Về nguồn Pác Pó”; giải Golf tỉnh Cao Bằng. Thực hiện tốt công tác đào tạo 245 vận động viên thể thao thành tích cao của các đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ tỉnh, đội tuyển năng khiếu tỉnh và 60 học sinh năng khiếu nghệ thuật. Tổ chức tập huấn, chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự các giải khu vực và toàn quốc.
6. Tình hình trật tự, an toàn xã hội
Tình hình an toàn giao thông
Từ ngày 15/2/2024 đến ngày 14/3/2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 01 người chết, 11 người bị thương, ước tính thiệt hại tài sản khoảng 49,5 triệu đồng.
Lũy kế từ đầu năm, tổng số vụ tai nạn giao thông là 58 vụ (tăng 37 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm chết 10 người (tăng 01 người), bị thương 62 người (tăng 41 người).
Tình hình thiên tai, cháy, nổ
Trong quý xảy ra 01 vụ thiên tai do rét hại, sương muối làm 575 gia súc bị chết, ước tính giá trị thiệt hại 5,7 tỷ đồng và 02 vụ cháy nhà, ước tính tổng thiệt hại 230 triệu đồng.
Vi phạm môi trường
Trong tháng phát hiện 15 vụ vi phạm môi trường, xử lý 09 vụ, số tiền xử phạt 34,13 triệu đồng, so với tháng trước số vụ vi phạm môi trường đã phát hiện giảm 01 vụ, số vụ xử lý tăng 02 vụ. Tính chung quý I, số vụ vi phạm môi trường là 50 vụ, xử lý 26 vụ với số tiền xử phạt là 104,38 triệu đồng.
Cục thống kê tỉnh Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn