Chiều 19/10, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo Ngày Thống kê thế giới và Luật Thống kê (sửa đổi).
Tại buổi họp báo, ông Trần Tuấn Hưng – Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ thống kê và công nghệ thông tin (Tổng cục Thống kê) đã giới thiệu những nội dung mới của Luật Thống kê (sửa đổi).
Ông Hưng cho biết, Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) được sửa đổi, bổ sung căn bản, toàn diện, đặc biệt là phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, sửa đổi những quy định hiện hành còn có hạn chế, không thống nhất, không phù hợp với thực tế về tổ chức và hoạt động thống kê hiện nay và bổ sung các quy định về hoạt động thống kê mà Luật Thống kê năm 2003 chưa quy định. Chính vì vậy, về tên gọi của Luật sẽ là Luật Thống kê (sửa đổi) thay thế Luật Thống kê năm 2003.
Dự thảo cụ thể hóa quy định trách nhiệm và vai trò của Cơ quan Thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu TK quốc gia.
Nếu như Luật Thống kê năm 2003 gồm 8 Chương, 42 điều thì Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 75 điều. Về số lượng các điều, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) tăng 32 điều.
Dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với mọi hoạt động thống kê (TK) và sử dụng thông tin TK trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam; tập trung vào hoạt động TK và sử dụng thông tin TK do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện.
Đối với hoạt động TK của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức TK nhà nước thực hiện chỉ quy định về mục đích, phạm vi, nguyên tắc và yêu cầu, đồng thời quy định lĩnh vực cấm trong hoạt động thu thập và phổ biến thông tin TK (bao gồm các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh).
Dự thảo làm rõ các hệ thống thông tin TK ở nước ta, bao gồm: hệ thống thông tin TK quốc gia; hệ thống thông tin TK bộ, ngành; hệ thống thông tin TK cấp tỉnh; hệ thống thông tin TK cấp huyện; làm rõ mối quan hệ giữa các hệ thống thông tin TK và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các hệ thống thông tin TK.
Qua đó cụ thể hóa các nội dung: Hệ thống chỉ tiêu TK quốc gia, hệ thống chỉ tiêu TK bộ, ngành, Hệ thống chỉ tiêu TK cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Việc bổ sung một số nội dung mới này nhằm bảo đảm tính nhất quán trong hoạt động TK nhà nước, làm cơ sở bảo đảm cho thông tin TK nhà nước không mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính khách quan, trung thực, có độ tin cậy cao đối với người sử dụng.
Dự thảo cụ thể hóa danh mục Hệ thống chỉ tiêu TK quốc gia, quy định phân cấp rõ ràng giữa trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố của Cơ quan Thống kê Trung ương và bộ, ngành, địa phương. Bổ sung hình thức thu thập thông tin TK từ sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động TK nhà nước; khẳng định và luật hóa vị trí pháp lý của Cục Thống kê cấp tỉnh trực thuộc Cơ quan Thống kê Trung ương và Chi cục Thống kê cấp huyện trực thuộc Cục Thống kê cấp tỉnh; bổ sung quy định về phân tích và dự báo thống kê, quy định áp dụng phương pháp thống kê tiên tiến và hợp tác quốc tế để bảo đảm tính so sánh và chất lượng thông tin TK phù hợp với chuẩn thế giới; cụ thể hóa lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại vào hoạt động thu thập và phổ biến thông tin TK.
Đặc biệt, Dự thảo cụ thể hóa quy định trách nhiệm và vai trò của Cơ quan Thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu TK quốc gia. Trong trường hợp bộ, ngành không thực hiện ý kiến thẩm định của Cơ quan Thống kê Trung ương, thì Cơ quan Thống kê Trung ương tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ (khoản 5 Điều 53).
Dự thảo cũng quy định lịch công bố thông tin TK là căn cứ để minh bạch hóa việc công bố, phổ biến thông tin TK, đồng thời, đây cũng là cam kết của cơ quan TK trong việc cung cấp kịp thời các thông tin TK và giúp cho tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin TK nhà nước chủ động tiếp cận, sử dụng.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập một số nội dung liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ thống kê nhằm nâng cao chất lượng thông tin TK như: Quy định tên chỉ tiêu hoặc nhóm chỉ tiêu TK quốc gia; Bổ sung quy định về phân loại TK quốc gia, nêu rõ danh sách các phân loại thống kê quốc gia dùng chung trong hoạt động thống kê; Bổ sung quy định các cuộc tổng điều tra TK quốc gia, nêu rõ danh sách các cuộc tổng điều tra, kỳ thu thập thông tin, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức; Bổ sung quy định về dữ liệu hành chính cho hoạt động TK nhà nước, nêu rõ danh sách cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành mà dữ liệu từ đó được cung cấp cho Cơ quan Thống kê Trung ương để sử dụng trong hoạt động TK nhà nước;…Đồng thời, bổ sung các mức độ của số liệu TK được công bố, nhằm minh bạch hóa việc công bố thông tin TK của cơ quan thuộc hệ thống tổ chức TK nhà nước.
“Hy vọng rằng, dự thảo lần này khi được thông qua và triển khai sẽ có tác động tích cực nhất cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân, phù hợp và đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hoạt động TK trong thời kỳ mới” – ông Vũ Thanh Liêm – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh tại cuộc họp.
Theo Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 26/10/2015, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thống kê sửa đổi và chiều cùng ngày sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thống kê sửa đổi.
Nguồn: gso.gov.vn