Trong quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn luôn là một trong những nhiệm vụ chiến lược, là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước và thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện dựa trên sự tổng kết thực tiễn tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở mỗi giai đoạn thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, kết quả của Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 do Tổng cục Thống kê thực hiện theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bao gồm đông đảo tầng lớp nông dân.
Thực hiện Quyết định số 1225/ QĐ-TTg ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, Tổng cục Thống kê sẽ tổ chức thu thập thông tin Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 (gọi tắt là Tổng điều tra 2016). Đây là lần thứ 5 ngành Thống kê thực hiện Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản (các cuộc Tổng điều tra lần trước diễn ra vào các năm 1994, 2001, 2006 và 2011). Kết quả của Tổng điều tra 2016 được sử dụng để đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương. Bên cạnh đó, kết quả Tổng điều tra 2016 cũng sử dụng để đánh giá việc thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời phục vụ một số mục đích cho công tác thống kê như: Xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp và nông thôn, làm dàn chọn mẫu các cuộc điều tra định kỳ hàng năm…
Do Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản là cuộc Tổng điều tra được tiến hành định kỳ 5 năm một lần, thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia nên Tổng cục Thống kê luôn chủ động trong công tác chuẩn bị. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định về Tổ chức Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương đã được thành lập do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê là Phó trưởng ban thường trực; và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan làm ủy viên. Các Ban chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh, huyện, xã ở địa phương cũng nhanh chóng được thành lập, trong đó Trưởng ban là đại diện lãnh đạo UBND cùng cấp, giúp việc cho Ban chỉ đạo các cấp là công chức thống kê và công chức các Sở, Ban ngành cùng cấp có liên quan.
Tổng điều tra 2016 có quy mô lớn, diễn ra trên phạm vi cả nước, nội dung phức tạp liên quan đến hơn 17 triệu đơn vị điều tra ở khu vực nông thôn và hộ có tham gia hoạt động nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản ở khu vực thành thị. Vì vậy, để tổ chức thành công cuộc Tổng điều tra, công tác chuẩn bị đã được tiến hành khẩn trương ở tất cả các cấp từ Trung ương tới cơ sở. Đến nay, việc xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện, hoàn thiện các tài liệu nghiệp vụ, tập huấn nghiệp vụ cấp Trung ương, công tác hậu cần… đã cơ bản được hoàn tất.
Để thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra, Ban Chỉ đạo các cấp cần chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ tất cả các mặt, các khâu công tác theo đúng quy trình, tiến độ, kế hoạch đề ra, trong đó cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, cần tranh thủ sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở, từ công tác chỉ đạo, quá trình thực hiện đến giám sát nhằm huy động các nguồn lực và tăng cường trách nhiệm của cộng đồng đối với cuộc Tổng điều tra.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành, giữa Ban Chỉ đạo Trung ương với Ban Chỉ đạo các cấp, giữa các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục nhằm thực hiện tốt các khâu công tác từ thiết kế phương án, xây dựng kế hoạch, thu thập thông tin, xử lý số liệu, chuẩn bị hậu cần… Thứ hai, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành, giữa Ban Chỉ đạo Trung ương với Ban Chỉ đạo các cấp, giữa các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục nhằm thực hiện tốt các khâu công tác từ thiết kế phương án, xây dựng kế hoạch, thu thập thông tin, xử lý số liệu, chuẩn bị hậu cần…
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc các quy định về nghiệp vụ. Kế thừa kinh nghiệm từ các cuộc Tổng điều tra trước, kết hợp với việc tham khảo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới) và kinh nghiệm của các nước, phương án điều tra thu thập thông tin trong Tổng điều tra 2016 có những điểm mới như: Mở rộng phạm vi điều tra do đó bổ sung đơn vị điều tra; Bổ sung các thông tin đánh giá kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua lồng ghép các chỉ tiêu đánh giá năng lực sản xuất như quy mô sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; Phương thức tiến hành thu thập thông tin đã được nghiên cứu, thay đổi theo hướng giảm gánh nặng cung cấp thông tin cho hộ nông thôn (nhất là đối với những hộ trong diện điều tra mẫu); Đẩy mạnh thu thập thông tin gián tiếp từ hồ sơ hành chính… Để cuộc Tổng điều tra đạt chất lượng cao thì khâu tổ chức thu thập thông tin tại địa bàn cần được giám sát chặt chẽ, bảo đảm thu thập thông tin tại địa bàn đúng thời điểm, đúng tiến độ, đúng đối tượng, tránh tình trạng làm lướt, làm ẩu, chạy theo thời gian và số lượng.
Thứ tư, Tổng điều tra 2016 huy động khoảng 180 nghìn điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên tham gia, do vậy công tác tuyển chọn và tập huấn nghiệp vụ cần thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Ban Chỉ đạo các cấp căn cứ yêu cầu thực tế, tuyển chọn các điều tra viên, tổ trưởng phù hợp, đảm bảo chất lượng của cuộc Tổng điều tra. Công tác tập huấn ở các cấp phải thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thời gian, chất lượng, tăng cường kỹ năng thực hành cho điều tra viên, tổ trưởng…
Thứ năm, cần đặc biệt lưu ý công tác tuyên truyền cho Tổng điều tra. Bài học kinh nghiệm từ các cuộc Tổng điều tra trước đây cho thấy, địa phương nào thực hiện tốt công tác tuyên truyền thì địa phương đó nhận được sự ủng hộ, nhiệt tình cung cấp thông tin của người dân. Công tác này đã được Ban Chỉ đạo Trung ương phân công cụ thể cho các đơn vị chức năng thực hiện. Để thực hiện thành công Tổng điều tra, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã căn cứ vào kế hoạch tuyên truyền chung của Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng kế hoạch tuyên truyền và phân công cụ thể; Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các loại tài liệu và tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: Các pano, khẩu hiệu, áp phích dán ở điểm công cộng đông dân cư; Đĩa CD Hỏi đáp về Tổng điều tra được phát rộng khắp qua mạng lưới phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam và các thôn/ấp/bản; Video clip tuyên truyền về Tổng điều tra trên Đài Truyền hình Trung ương và địa phương; Các bài viết, phóng sự trên báo, đài truyền hình Trung ương và địa phương… Đặc biệt, việc chính quyền địa phương phổ biến nội dung Tổng điều tra tới người dân trong cuộc họp tại các tổ dân phố, thôn/ấp/bản sẽ có tác dụng rất rõ rệt, qua đó người dân có thể nắm bắt mục đích, nội dung của Tổng điều tra, cũng như những yêu cầu cần phải cung cấp thông tin cho điều tra viên.
Thứ sáu, thực hiện chi tiêu đúng chế độ. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn song Nhà nước vẫn dành phần kinh phí đáng kể cho cuộc Tổng điều tra, do vậy Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp, các ngành cần thực hiện chi tiêu tiết kiệm, đúng chế độ, hiệu quả.
Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 diễn ra trong bối cảnh năm 2016 được dự báo là năm tiếp tục gặp nhiều bất lợi, cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày càng gay gắt, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn… Điều đó tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Trong bối cảnh đó, toàn ngành Thống kê cần nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ mọi sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư để triển khai thành công cuộc Tổng điều tra./
Nguồn: Tạp chí Con số và Sự kiện tháng 6/2016