Ngày 31 tháng 7 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1225/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2016 trên phạm vi cả nước vào thời điểm 01/7/2016. Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2016 nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, nông dân và nông thôn phục vụ đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương; phục vụ đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và nông thôn; xây dựng cơ sở dữ liệu của khu vực nông nghiệp và nông thôn, phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm dàn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm và các yêu cầu thống kê khác.
Đối tượng, đơn vị và phạm vi cuộc Tổng điều tra: Đối tượng và đơn vị điều tra bao gồm: Hộ nông thôn; hộ có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thuỷ sản ở khu vực thành thị; trang trại nông, lâm nghiệp và thủy sản; Uỷ ban nhân dân xã, ban quản lý khu nhà ở cho công nhân ở khu vực nông thôn.
Phạm vi điều tra bao gồm: (1) Tổng điều tra (điều tra toàn bộ) trên phạm vi cả nước đối với các loại đơn vị điều tra sau: Các hộ ở nông thôn và hộ có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thuỷ sản ở khu vực thành thị để thu thập thông tin cơ bản của hộ; các trang trại để thu thập thông tin về kinh tế trang trại; các UBND xã để thu thập thông tin về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; ban quản lý khu nhà ở cho công nhân ở khu vực nông thôn để thu thập thông tin về lao động, điều kiện sống của hộ sống tập thể trong khu nhà ở/ký túc xá.
(2) Điều tra chọn mẫu đối với các hộ ở nông thôn để thu thập thông tin làm căn cứ đánh giá sâu hơn về tình trạng việc làm khu vực nông thôn; điều kiện sản xuất và sự ảnh hưởng của sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đến môi trường; hoạt động hỗ trợ sản xuất,...
Nội dung điều tra theo các nhóm thông tin: Nhóm thông tin về thực trạng nền sản xuất khu vực nông nghiệp; nhóm thông tin về nông thôn; nhóm thông tin về cư dân nông thôn.
Thời điểm điều tra, thời gian thu thập thông tin: Thời điểm Tổng điều tra là ngày 01/7/2016. Thời gian thu thập thông tin đối với đơn vị điều tra toàn bộ tối đa là 20 ngày, từ ngày 01/7/2016 đến ngày 20/7/2016; đối với đơn vị điều tra mẫu tối đa là 30 ngày, từ ngày 01/7/2016 đến ngày 30/7/2016.
Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nam Định đã tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị theo đúng tiến độ và kế hoạch của Trung ương. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp từ tỉnh đến các xã, thị trấn được thành lập và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị cho Tổng điều tra. Ban Chỉ đạo tỉnh gồm 10 thành viên do đồng chí Ngô Gia Tự, uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm trưởng ban, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh làm phó Trưởng ban thường trực; các uỷ viên là lãnh đạo các ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch, Tài nguyên và Môi trường, Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân, Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh truyền hình và một phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh.
Trong thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương đã làm tốt công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra. Đến ngày 15/6/2016, các huyện, thành phố hoàn thành việc tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 1225/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Phương án Tổng điều tra của Ban Chỉ đạo Trung ương tới các xã, thị trấn. Công tác lập bảng kê các đơn vị điều tra hoàn thành trước ngày 05/4/2016. Kết quả toàn tỉnh có 3450 địa bàn điều tra toàn bộ với 504,4 nghìn hộ điều tra, 1845 hộ điều tra mẫu, 430 trang trại, 194 uỷ ban nhân dân xã. Trong tháng 5/2016, toàn tỉnh tuyển chọn đủ cán bộ tham gia công tác điều tra với 4.200 người, trong đó có 3700 điều tra viên và 500 tổ trưởng điều tra. Bên cạnh lực lượng điều tra trực tiếp, toàn tỉnh còn huy động 1700 cán bộ là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc các cấp tham gia chỉ đạo và giám sát thực hiện các khâu công việc của cuộc Tổng điều tra. Đến ngày 25/6/2016, toàn tỉnh hoàn thành công tác tập huấn nghiệp vụ cho 5900 cán bộ tham gia chỉ đạo, trực tiếp điều tra với 100 lớp tập huấn, thời gian 2 ngày/lớp. Công tác tuyên truyền được Ban Chỉ đạo các cấp quan tâm thực hiện nhằm động viên, khuyến khích các đối tượng điều tra thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin theo yêu cầu của cuộc Tổng điều tra. Biên soạn bài viết Tổng điều tra trên Bản tin thông báo nội bộ tháng 7/2016 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ), cung cấp những thông tin cơ bản về tổ chức triển khai thực hiện cuộc Tổng điều tra tại hội nghị báo cáo viên của tỉnh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức ngày 16/6/2016. Ban Chỉ đạo tỉnh đã chuyển tới các huyện, thành phố để phân bổ cho các xã, thị trấn tài liệu tuyên truyền với 1.000 lôgô, 3.550 khẩu hiệu, 250 đĩa CD hỏi đáp về Tổng điều tra, 250 cuốn chuyên san Tạp chí Con số sự kiện và 250 cuốn sổ tay hướng dẫn công tác tuyên truyền Tổng điều tra. Ngoài ra, công tác hậu cần được triển khai thực hiện kịp thời bảo đảm phục vụ tốt cho cuộc Tổng điều tra: Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, phiếu điều tra, các loại biểu mẫu, văn phòng phẩm,...
Để thực hiện thắng lợi cuộc Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh, thời gian tới các địa phương trong tỉnh và các ngành có liên quan cần tập trung thực hiện các công việc chủ yếu sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cuộc Tổng điều tra, tập trung cao điểm từ ngày 25/6/2016 đến ngày 05/7/2016 với các hình thức đa dạng, phong phú để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung và cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho điều tra viên.Tổ chức phát trên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Đài phát thanh huyện, xã đĩa CD hỏi đáp, các bài viết về Tổng điều tra; hoàn thành các băng rôn, dán các biểu tượng lôgô, áp phích, khẩu hiệu tại trụ sở, các nơi công cộng.
2. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp bám sát kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, của tỉnh để triển khai thực hiện các khâu công việc theo đúng quy trình và kế hoạch đề ra.
3. Tổ chức kiểm tra các khâu công việc chuẩn bị trước thời điểm Tổng điều tra 01/7/2016: Bố trí lực lượng điều tra viên, tổ trưởng điều tra tại các địa bàn; phân công lực lượng giám sát kiểm tra; chuyển phiếu điều tra và các loại văn phòng phẩm phục vụ cho công tác điều tra tới cán bộ tham gia điều tra.
4. Triển khai thực hiện tốt công tác điều tra thực tế trên địa bàn toàn tỉnh vào sáng ngày 01/7/2016, phấn đấu hoàn thành các đơn vị điều tra toàn bộ trước ngày 20/7/2016 và các đơn vị điều tra mẫu trước ngày 30/7/2016.
5. Công tác kiểm tra, giám sát các khâu công việc, nhất là thu thập số liệu ở cơ sở phải được Ban Chỉ đạo các cấp tiến hành thường xuyên chặt chẽ ở tất cả các địa bàn, các điều tra viên nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc nảy sinh và uốn nắn tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng điều tra.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2016 là cuộc Tổng điều tra quan trọng, có nội dung rộng và phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng và đơn vị khác nhau. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh rất mong được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực để cuộc Tổng điều tra tiến hành thuận lợi, đáp ứng cao nhất mục đích, yêu cầu đề ra.
Nguyễn Văn Ty
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh
Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản tỉnh