Chiều ngày 11/01/2022, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tổng điều tra Kinh tế (TĐT) Trung ương và BCĐ điều tra cơ sở hành chính Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết và Công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng tham dự hội nghị có Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK), Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo TĐT kinh tế Trung ương Nguyễn Thị Hương; Phó Tổng cục trưởng TCTK, Ủy viên Ban Chỉ đạo TĐT kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ thường trực Nguyễn Trung Tiến; các Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, các đồng chí thành viên BCĐ TĐT kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính Trung ương và địa phương; đại diện Lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương. Hội nghị được thực hiện trực tiếp và trực tuyến tại 65 điểm cầu Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Tại điểm cầu Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng có đồng chí Đoàn Hữu Duyệt, Phó Cục trưởng, Thành viên BCĐ, Tổ trưởng Tổ Thường trực giúp việc BCĐ; đồng chí Nguyễn Ngọc Định, Phó giám đốc Sở Nội vụ, Thành viên BCĐ, Tổ phó Tổ Thường trực giúp việc BCĐ đồng chủ trì hội nghị tại địa phương. Ngoài ra, có Lãnh đạo các phòng Cục Thống kê, đại diện thành viên Tổ Thường trực giúp việc BCĐ TĐT tỉnh, đại diện Lãnh đạo Chi cục Thống kê các huyện, thành phố.
Thứ trưởng Bộ KH và ĐT Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược 10 năm và 5 năm Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Trung ương Đảng và Quốc hội. Để hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương, số liệu thống kê từ các cuộc Tổng điều tra và điều tra thống kê đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá hiện trạng và tham mưu, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Tại Hội nghị Phó trưởng Ban Chỉ đạo TĐT kinh tế Trung ương, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, TĐT kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 được thực hiện với nhiều điểm mới so với TĐT năm 2017 như: Đổi mới nội dung và cách thức thu thập thông tin thông qua việc sử dụng triệt để các nguồn dữ liệu hành chính; cập nhật và áp dụng khái niệm chuẩn quốc tế về đơn vị cơ sở: thống nhất năm số liệu cho các loại đơn vị điều tra nhằm đảm bảo tính nhất quán và so sánh số liệu theo dãy số thời gian; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra từ công tác chuẩn bị, thu thập thông tin, xử lý đến công bố kết quả; đổi mới cách thức phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện Tổng điều tra: Phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) khai thác dữ liệu hành chính để bổ sung nguồn thông tin cho Tổng điều tra; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện tuyên truyền; phối hợp với Bộ Nội vụ trong triển khai các hội nghị tập huấn và tổ chức thu thập thông tin các cơ sở hành chính, sự nghiệp; nâng cao chất lượng thông tin và tiết kiệm kinh phí: Nhờ áp dụng triệt để công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp tiếp cận đơn vị điều tra để thu thập thông tin, Tổng điều tra đã tiết kiệm khoảng một nửa tổng kinh phí so với cách điều tra truyền thống như đã thực hiện trước đây.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo TĐT kinh tế Trung ương, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương báo cáo tổng kết tại hội nghị
Hội nghị đã báo cáo một số kết quả sơ bộ TĐT kinh tế và điều tra cơ sở hành chính. Về kết quả điều tra khối kinh tế bao gồm các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cá thể, tôn giáo như sau: số lượng và lao động các đơn vị điều tra năm 2020 đều tăng so với năm 2016 nhưng mức độ tăng về lao động thấp hơn so với các giai đoạn trước. Theo Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, cả nước có gần 6,0 triệu đơn vị điều tra, tăng 444,7 nghìn đơn vị, tương đương tăng 8,0% so với năm 2016; số lao động trong các đơn vị điều tra là gần 26,0 triệu người, tăng 752,8 nghìn người, tương đương tăng 3,0%.
Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có gần 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,3% về số doanh nghiệp và tăng 4,7% về số lao động so với năm 2016.
Cũng tại thời điểm trên, cả nước có 15,3 nghìn hợp tác xã với số lao động là 169,6 nghìn người, tăng 17,5% về số hợp tác xã và giảm 15,6% về lao động so với năm 2016.
Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể (Cơ sở SXKD cá thể) năm 2020 gần 5,2 triệu cơ sở với số lao động 8,5 triệu người, tăng 5,7% về số đơn vị và tăng 3,0% về số lao động so với năm 2016.
Số đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị với 2,4 triệu lao động, giảm 28,6% về số đơn vị (giảm 21 nghìn đơn vị) và giảm 6,1% về số lao động (giảm 154,8 nghìn người) so với năm 2016.
Số đơn vị hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ gần 6,5 nghìn đơn vị với số lao động 37,9 nghìn người, giảm 2,7% về số đơn vị và tăng 2,5% về số lao động so với năm 2016.
Số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hơn 46,8 nghìn cơ sở với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người làm trong các cơ sở này so với năm 2016.
Quy mô lao động bình quân một đơn vị điều tra năm 2020 biến động không đều so với năm 2016, trong đó giảm mạnh ở khối doanh nghiệp (Doanh nghiệp giảm từ 27,2 người xuống 21,5 người; hợp tác xã giảm từ 15,1 xuống 11,1 người).
Xét theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng đơn vị và lao động. Trong tổng số đơn vị điều tra, khu vực dịch vụ có gần 4,9 triệu đơn vị, chiếm 81,8% (năm 2016 là 80,8%);
Trong giai đoạn 2016-2019, số doanh nghiệp và số lao động tăng nhanh qua từng năm và có xu hướng tăng chậm lại vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại thời điểm 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh và số lao động là 14,7 triệu người, tăng 2,3% về số doanh nghiệp và giảm 3,1% về số lao động so với năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Số hợp tác xã năm 2020 giữ mức tăng ổn định nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 số lao động làm việc trong hợp tác xã giảm sâu hơn mức giảm bình quân giai đoạn 2016-2020. Tính đến 31/12/2020, tổng số hợp tác xã đang hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước là 15,3 nghìn hợp tác xã, tăng 6,2% so với năm trước và tăng 17,5% so với năm 2016. Số lao động làm việc trong hợp tác xã là 169,6 nghìn người, giảm 5,7% so với năm 2019 và giảm 15,6% so với năm 2016.
Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tiếp tục tăng nhưng tỷ lệ phân bố các cơ sở cá thể giữa các vùng kinh tế - xã hội không đồng đều.Tính đến năm 2020, cả nước có gần 5,2 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể với số lao động là 8,5 triệu người, tăng 5,7% về số cơ sở (tăng 281,1 nghìn cơ sở) và tăng 3,0% (tăng 246,4 nghìn người) so với năm 2016, đây là mức tăng thấp nhất qua các kỳ Tổng điều tra.
Tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng số đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ là 59 nghìn đơn vị với tổng số lao động là hơn 2,4 triệu người. Trong đó: Đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị với số lao động là 2,39 triệu người; hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ là 6,5 nghìn đơn vị với số lao động là 37,9 nghìn người.
Tính đến năm 2020, cả nước có trên 46,8 nghìn cơ sở thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người so với năm 2016. Số lượng các cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử năm 2020 tăng so với năm 2016. Cả nước có 10,1 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được xếp hạng di tích lịch sử, chiếm 21,6% trong tổng số cơ sở, tăng 1,4 nghìn cơ sở so với năm 2016, trong đó các di tích được xếp hạng cấp quốc gia chiếm 27,8% trong số các cơ sở đã được xếp hạng, tăng 234 cơ sở; các cơ sở được xếp hạng cấp tỉnh/thành phố chiếm 72,2%, tăng 1,1 nghìn cơ sở.
Về điều tra cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghị đã báo cáo một số kết quả sơ bộ cụ thể: Tính đến thời điểm 31/12/2020 cả nước có 32.304 cơ sở hành chính, giảm 7,25% so với năm 2016, tương đương 2.520 cơ sở, bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 1,86%/năm, trong đó, số cơ sở thuộc hệ thống hành pháp chiếm số lượng lớn nhất là 25.271 cơ sở (chiếm tỷ lệ 78,2%), thứ hai là số cơ sở thuộc hệ thống tổ chức chính trị - xã hội là 4.208 cơ sở (chiếm 13%), thứ ba là số cơ sở thuộc hệ thống tư pháp với 1.728 cơ sở (chiếm 5,3%), thứ tư là cơ sở thuộc cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam với 1.045 cơ sở (chiếm 3,2%) và số lượng cơ sở thuộc hệ thống lập pháp là 52 cơ sở chiếm tỷ lệ thấp nhất (chiếm tỷ lệ 0,16%). Nguyên nhân giảm số lượng cơ sở hành chính chủ yếu do thay đổi tiêu chí cơ sở hành chính và do sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Tổng số lao động trong các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội là 1.459 nghìn người, tăng 462 nghìn người so với năm 2016, tương ứng với tăng 46,3%. Trong tổng số 1.459 nghìn lao động, số lượng lao động của cơ sở sở hành chính chiếm số lượng lớn nhất với 1.349,8 nghìn lao động, chiếm đến 92,5%; tiếp đến là cơ sở thuộc cơ quan của Đảng Cộng sản với 39,95 nghìn lao động chiếm 2,7%; cơ sở thuộc cơ quan tư pháp là 35,9 nghìn lao động chiếm 2,5%; cơ sở thuộc tổ chức chính trị - xã hội là 31,2 nghìn lao động chiếm 2,1% và lao động thuộc cơ sở của cơ quan thuộc hệ thống lập pháp chiếm tỷ lệ lao động thấp nhất với gần 2,2 nghìn lao động, chiếm 0,2%.
Các đại biểu tham dự hội nghị tổng kết tại điểm cầu Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng