Thực hiện Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021; Quyết định 1344/QĐ-BKHĐT ngày 03/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021; Quyết định 1096/QĐ-BNV ngày 23/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc tổ chức Điều tra cơ sở hành chính năm 2021.
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương phối hợp cùng Tổng cục Thống kê đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn Tổng điều tra kinh tế năm 2021 từ ngày 11-13/01/2021. Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị trực tiếp tại trụ sở cơ quan Tổng cục Thống kê có lãnh đạo Tổng cục Thống kê; các đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ của Tổng cục Thống kê; các đại biểu đến từ 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đại biểu đại diện các Bộ, ngành. Tham dự trực tuyến Hội nghị có các điểm cầu tại 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng TCTK, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra
Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại điểm cầu Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, Ông Đoàn Hữu Duyệt - Phó Cục trưởng Cục Thống kê, Tổ trưởng Tổ Thường trực giúp việc BCĐ Tổng điều tra tỉnh Cao Bằng chủ trì. Tham dự có các thành viên Tổ Thường trực giúp việc BCĐ Tổng điều tra cấp tỉnh, lãnh đạo và công chức các phòng thuộc Cục Thống kê, lãnh đạo và 01 công chức Chi cục Thống kê huyện, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh đây là cuộc Tổng điều tra có quy mô rộng, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau như doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Tổng điều tra kinh tế năm 2021 có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuẩn bị triển khai Tổng điều tra.
Hội nghị đã được nghe các báo cáo viên của Tổng cục Thống kê giới thiệu các nội dung chính được trình bày, tập huấn và thảo luận trong Hội nghị bao gồm: (1) Phương án Tổng điều tra và những điểm mới của Tổng điều tra kinh tế năm 2021; (2) Quy trình thu thập thông tin, quy trình chọn mẫu đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; (3) Phần mềm thu thập thông tin doanh nghiệp; (4) Giải thích nội dung và cách ghi các loại phiếu; (5) Quy trình, nội dung; phương pháp và phần mềm thu thập thông tin các loại phiếu cơ sở SXKD cá thể, sự nghiệp, hiệp hội và tôn giáo; (6) Thực hành ghi phiếu; (7) Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát Tổng điều tra; (8) Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí; (9) Giới thiệu trang Web điều hành tác nghiệp…
Cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 có một số điểm mới như sau: (1) Bổ sung thu thập thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ phản ánh kinh tế số ở Việt Nam; (2) Xác định và nhận dạng đối tượng điều tra, đơn vị điều tra; (3) Cải tiến cơ bản Phiếu điều tra; (4) Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin; (5) Điều tra đơn vị Hành chính và đơn vị Sự nghiệp; (6) Xây dựng bài giảng điện tử.
Toàn cảnh điểm cầu Cục Thống kê Cao Bằng
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là một trong 03 cuộc Tổng điều tra hết sức quan trọng do Ngành Thống kê thực hiện nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương. Tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) năm 2020. Cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội, làm dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành Thống kê, các Bộ, ngành và địa phương.
Đối tượng điều tra bao gồm các loại cơ sở sau:
(1) Cơ sở SXKD của doanh nghiệp/hợp tác;
(2) Cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản;
(3) Cơ sở SXKD thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp;
(4) Cơ sở sự nghiệp, hiệp hội;
(5) Tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam;
(6) Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Thời điểm điều tra: Đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thời điểm điều tra tiến hành vào ngày 01/3/2021; Đối với cơ sở SXKD cá thể, cơ sở tôn giáo: thời điểm điều tra tiến hành vào ngày 01/7/2021./.