1. Tăng trưởng kinh tế
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước tính tốc độ phát triển Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Cao Bằng tăng 6,74% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25%, đóng góp 0,70 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,90%, đóng góp 1,64 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế với mức tăng 7,22%, đóng góp 4,19 điểm phần trăm, ngành dịch vụ thị trường phát triển mạnh mẽ, các chương trình xúc tiến, quảng bá thương mại - dịch vụ và du lịch được đẩy mạnh; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,59%, đóng 0,21 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.
Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, theo giá hiện hành GRDP năm 2024 ước tính đạt 25.204 tỷ đồng, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5.249 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,83%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 4.787 tỷ đồng, chiếm 18,99%; khu vực dịch vụ đạt 14.236 tỷ đồng, chiếm 56,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 932 tỷ đồng, chiếm 3,70%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a. Nông nghiệp
Kết quả sản xuất một số cây hàng năm chủ yếu
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 97.985 ha, tăng 2% hay tăng 1.919 ha so với cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu ở một số cây trồng như: cây lúa, sắn, thuốc lá, mía, dong giềng, thạch đen và một số cây hàng năm khác. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 290.761 tấn, tăng 0,93% hay tăng 2.687 tấn.
Cây lúa cả năm gieo trồng được 30.292 ha, tăng 1,97% hay tăng 585 ha so năm 2023; năng suất bình quân ước đạt 46,02 tạ/ha, giảm 1,05%; sản lượng đạt 139.417 tấn, tăng 0,9% hay tăng 1.250 tấn so với năm trước. Diện tích lúa tăng mạnh do từ đầu năm thời tiết thuận lợi có nắng, mưa xen kẽ người dân chủ động làm đất gieo trồng đúng thời vụ.
Cây ngô gieo trồng được 40.633 ha, giảm 2,40% hay giảm 1.001 ha so năm trước, diện tích giảm do những diện tích mất trắng ở vụ đông xuân không thu hoạch được và những diện tích bị vùi lấp, gãy đổ ở vụ mùa do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Năng suất ước đạt 37,24 tạ/ha, tăng 3,44%; sản lượng ước đạt 151.321 tấn, tăng 0,96% hay tăng 1.436 tấn so năm trước.
Cây đậu tương trồng được 1.902 ha, giảm 2,61% hay giảm 51 ha. Diện tích giảm chủ yếu ở Hà Quảng, Trùng Khánh do hiệu quả kinh tế không cao so với cây trồng khác nên nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây thuốc lá, dong riềng. Năng suất ước đạt 9,98 tạ/ha, tăng 0,10% so với năm trước; sản lượng ước đạt 1.898 tấn, giảm 2,52% hay giảm 49 tấn so với năm 2023.
Cây lạc trồng được 1.590 ha, giảm 7,13% hay giảm 122 ha so năm trước; năng suất ước đạt 14,46 tạ/ha, tăng 1,62%; sản lượng ước đạt 2.299 tấn, giảm 5,66% hay giảm 138 tấn so với năm 2023.
Cây sắn trồng được 3.973 ha, tăng 18,42% hay tăng 618 ha, diện tích sắn tăng do một số huyện có dự án và mô hình trồng sắn cao sản được công ty hỗ trợ, cung ứng giống, giá trị kinh tế cao và có đầu ra ổn định, được các thương lái thu mua và chuyển cho các nhà máy sản xuất tinh bột sắn trong và ngoài tỉnh, đem lại thu nhập cao cho người dân; tại huyện Bảo Lạc một số diện tích bị vùi lấp của năm trước được người dân khắc phục trồng lại; năng suất ước đạt 149,52 tạ/ha, tăng 9,83% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 59.405 tấn, tăng 30,06% hay tăng 13.730 tấn so với năm 2023.
Thuốc lá trồng được 5.184 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 37,40% hay tăng 1.411 ha; diện tích thuốc lá tăng chủ yếu ở các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Trùng Khánh… do giá cả thị trường cao, nhu cầu tiêu thụ lớn và việc cam kết thu mua sản phẩm cũng như việc đầu tư, hỗ trợ bà con nông dân vùng nguyên liệu được cải thiện. Hiện nay một số xã đã xây dựng được vùng, mô hình thuốc lá chất lượng cao, bà con sử dụng giống mới và áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên năng suất ngày càng cao, vì vậy người dân mở rộng quy mô gieo trồng. Năng suất đạt 26,83 tạ/ha, tăng 1,51% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng đạt 13.910 tấn, tăng 39,48% hay tăng 3.937 tấn.
Sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm năm 2024 so với năm 2023 như sau: cây chuối thu hoạch đạt 2.924 tấn, tăng 1,04%; cây dứa thu hoạch đạt 863 tấn, tăng 2,49%; thanh long thu hoạch đạt 659 tấn, tăng 0,61%; mận thu hoạch đạt 758 tấn, giảm 7,9%; chè búp thu hoạch đạt 282 tấn, giảm 0,35%; hồi thu hoạch đạt 3.428 tấn, giảm 3,84% …
Chăn nuôi
Số lượng gia súc, gia cầm ước tính tại thời điểm 01/01/2025
Tổng đàn trâu 106.609 con, tăng 0,40% hay tăng 425 con so với cùng thời điểm năm trước.
Tổng đàn bò 101.841 con, tăng 1,65% hay tăng 1.657 con so với cùng thời điểm năm trước.
Tổng số lợn 346.195 con, tăng 1,72% hay tăng 5.845 con so với cùng thời điểm năm trước.
Tổng số gia cầm 3.129,3 nghìn con, tăng 1,41% hay tăng 43,48 nghìn con so với cùng thời điểm năm trước.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước tính năm 2024
Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 2.253 tấn, tăng 2,32% hay tăng 51 tấn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 2.356 tấn, tăng 0,60% hay tăng 14 tấn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 28.287 tấn, tăng 2,31% hay tăng 638 tấn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 6.977 tấn, tăng 2,72% hay tăng 185 tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 39.146 nghìn quả, tăng 0,28% hay tăng 111 nghìn quả so với cùng kỳ năm trước.
b. Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới trên địa bàn tỉnh ước tính năm 2024 trồng được 3.858 ha, so với năm trước tăng 28,22% hay tăng 849 ha; diện tích rừng trồng được chăm sóc 8.733 ha, tăng 3,18% hay tăng 269 ha; diện tích rừng được khoanh nuôi xúc tiến tái sinh ước tính đạt 110.203 ha, giảm 2,13% hay giảm 2.402 ha. Sản lượng gỗ khai thác ước tính năm 2024 là 18.174 m³, tăng 8,38% hay tăng 1.405 m³. Sản lượng củi khai thác đạt 847.894 ste, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,66% hay tăng 52.951 ste.
c. Thuỷ sản
Tổng sản lượng thủy sản năm 2024 đạt 593,37 tấn, giảm 2,40% hay giảm 14,61 tấn so với năm 2023, trong đó: sản lượng nuôi trồng ước đạt 474,05 tấn, giảm 3,42% hay giảm 16,79 tấn; sản lượng khai thác đạt 119,32 tấn, tăng 1,86% hay tăng 2,18 tấn so với năm 2023.
3. Công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng 19,90% so với năm 2023, chỉ số tăng chủ yếu ở ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện. Ngành khai khoáng tăng 28,44% so với cùng kỳ năm trước do năm 2024 ngành khai thác kim loại có sản phẩm quặng niken đồng của công ty Cổ phần khoáng sản Tấn Phát được khai thác ổn định, tăng đều trong năm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 47,68% so với năm trước, do những tháng giữa năm thời tiết mưa nhiều, lưu lượng nước trên sông lớn, các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn chạy hết công suất, sản lượng điện sản xuất đều tăng cao so với năm trước; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,90% so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,38% chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 28,46% do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường giảm nên sản phẩm sản xuất giảm; sản xuất kim loại giảm 11,01% chủ yếu do trong năm quá trình tu sửa, bảo dưỡng máy móc của công ty Cổ phần gang thép Cao Bằng kéo dài hơn dự kiến dẫn đến sản lượng sản xuất giảm.
Trong năm 2024, một số sản phẩm tăng so với năm trước: quặng niken và tinh quặng niken tăng 65,07%; điện sản xuất tăng 61,16%; quặng mangan và tinh quặng mangan tăng 51,69%; quặng chì và tinh quặng chì tăng 16,95%; mangan và các sản phẩm của mangan tăng 12%; gạch xây tăng 6,47%; điện thương phẩm tăng 1,96%; nước uống được tăng 0,18% … Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: nước tinh khiết giảm 61,42%; đá xây dựng giảm 55,56%; xi măng giảm 42,29%; chiếu trúc, chiếu tre giảm 39,47%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 36,06%; phôi thép giảm 12,95%; cát tự nhiên giảm 8,89%...
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: có 35,29% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2024 tốt hơn quý III/2024; 41,18% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định; 23,53% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Dự kiến quý I/2025 so với quý IV/2024, có 35,29% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn; 35,29% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh ổn định; 29,42% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
4. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2024 theo giá hiện hành ước thực hiện được 9.984,69 tỷ đồng, tăng 6,10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn đầu tư Nhà nước trên địa bàn 5.969,43 tỷ đồng, tăng 1,57% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài Nhà nước 4.015,18 tỷ đồng, tăng 13,66%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 0,08 tỷ đồng.
5. Thương mại, dịch vụ, chỉ số giá
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt 12.649,64 tỷ đồng, tăng 16,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 9.349,22 tỷ đồng, tăng 15,60%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.385,98 tỷ đồng, tăng 18,88% (doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 19,40%; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 18,82%); doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 14,63 tỷ đồng, tăng 21,01%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 899,81 tỷ đồng, tăng 25,01% so với năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có biến động tăng so với tháng trước, cụ thể: chỉ số CPI chung trong tháng tăng nhẹ 0,01% so với tháng trước; tăng 1,01% so với tháng 12 năm trước; tăng 1,78% so với bình quân cùng kỳ.
Chỉ số CPI bình quân năm 2024 tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 06 nhóm hàng tăng giá, 05 nhóm hàng giảm giá so với cùng kỳ năm trước. Sáu nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng bao gồm: nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,57%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,37%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,06%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,69%; nhóm nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,92%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,67%. Năm nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm: nhóm giáo dục giảm 6,79%; nhóm giao thông giảm 2,80%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,69%; nhóm may mặc, giày dép, mũ nón giảm 0,15%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,05% so với bình quân cùng kỳ.
Chỉ số giá vàng và chỉ số Đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng 12 năm 2024 giảm 2,43% so với tháng trước, tăng 36,29% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân năm 2024 tăng 32,85% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 12 năm 2024 tăng 0,04% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân năm 2024 tăng 4,79% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải năm 2024 ước đạt 449,06 tỷ đồng, tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 189,27 tỷ đồng, tăng 16,88%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 251,25 tỷ đồng, tăng 0,46%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 8,54 tỷ đồng, tăng 12,81% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, số lượng hành khách vận chuyển ước đạt 2.220 nghìn lượt khách tăng 4,72% và số lượt khách luân chuyển đạt 165.377 nghìn HK.km tăng 13,99% so với cùng kỳ năm 2023.
Ước tính năm 2024, khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 1.719 nghìn tấn, giảm 0,75% so với năm trước; khối lượng hàng hoá luân chuyển đạt 92.570 nghìn tấn.km, tăng 20,02%.
6. Một số chỉ tiêu dân số, lao động
Dân số trung bình năm 2024 toàn tỉnh ước tính 558.461 người, tăng 10.604 người, tương đương tăng 1,94% so với năm 2023. Trong tổng dân số, dân số thành thị 142.199 người, chiếm 25,46%; dân số nông thôn 416.262 người, chiếm 74,54%; dân số nam 280.201 người, chiếm 50,17%; dân số nữ 278.260 người, chiếm 49,83%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2024 là 100,7 nam/100 nữ.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên toàn tỉnh năm 2024 ước tính 242.546 người, tăng 15.868 người so với năm trước, bao gồm: lao động nam 122.900 người, chiếm 50,67%; lao động nữ 119.646 người, chiếm 49,33%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị 75.653 người, chiếm 31,19%; khu vực nông thôn 166.893 người, chiếm 68,81%.
Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong năm 2024 ước tính 235.852 người, tăng 7,01% so với năm 2023, bằng 97,24% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của toàn tỉnh. Trong tổng số lao động đang làm việc: lao động trong ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản 146.228 người, chiếm 62%; lao động trong ngành Công nghiệp và xây dựng 18.868, chiếm 8%; lao động trong các ngành Dịch vụ 70.756 người, chiếm 30%.
7. Kết quả điều tra Dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024
Dân số của tỉnh Cao Bằng tại thời điểm 01/4/2024 có 555.809 người; trong đó dân số thành thị chiếm 25,44%; dân số nông thôn chiếm 74,56%; dân số nam chiếm 49,11% và dân số nữ chiếm 50,89%.
Phân bố theo địa phương: Thành phố Cao Bằng có dân số đông nhất trong tổng dân số toàn tỉnh với 78.389 người, chiếm 14,10%; tiếp đến là huyện Trùng Khánh 70.905 người, chiếm tỷ lệ 12,76%; huyện Bảo Lâm có dân số đông xếp thứ ba toàn tỉnh với 69.637 người, chiếm tỷ lệ 12,53%. Hạ Lang là huyện có dân số ít nhất trong tổng dân số toàn tỉnh với 26.350 người, chiếm tỷ lệ 4,74%.
Nguồn tin: CỤC THỐNG KÊ TỈNH CAO BẰNG
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn