Trong 3 ngày từ ngày 02/6 đến 04/6/2025, tại Chi cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cuộc Tổng điều tra. Đồng chí Phạm Thị Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, giám sát viên cấp tỉnh, đại diện Ban Chỉ đạo cấp huyện, giám sát viên cấp huyện.
Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (TĐTNN 2025) được thực hiện nhằm mục đích: Biên soạn các chỉ tiêu thống kê liên quan thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương; Phục vụ nghiên cứu đánh giá quy mô, cơ cấu lao động nông thôn và lao động NLTS; thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn; tình hình thực hiện một số nội dung của các chương trình, mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông thôn và NLTS; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu nông thôn và khu vực NLTS; Xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và NLTS phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu; làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hằng năm về lĩnh vực NLTS và đáp ứng các yêu cầu thống kê khác.
Đồng chí Phạm Thị Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Thị Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê đã nêu rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng, đơn vị điều tra và khái quát một số nội dung cơ bản của cuộc điều tra. Đồng chí yêu cầu lớp tập huấn phải được tổ chức nghiêm túc, đạt hiệu quả cao, các báo cáo viên cần bám sát hướng dẫn của Trung ương, trình bày cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, có minh họa bằng ví dụ thực tiễn tại địa phương để học viên dễ áp dụng và tiếp thu; yêu cầu đại biểu tham dự hội nghị đầy đủ, tích cực nghiên cứu, trao đổi, thảo luận các vướng mắc thực tiễn mà địa phương gặp phải.
TĐTNN 2025 được thực hiện theo phương pháp điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu. Trong đó, thực hiện điều tra toàn bộ đối với tất cả các đơn vị điều tra tham gian hoạt động NLTS gồm: hộ, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, UBND xã; các đơn vị tham gia hoạt động NLTS thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng. Điều tra chọn mẫu áp dụng đối với hộ tham gia hoạt động NLTS để thu thập một số thông tin chuyên sâu, bổ sung các thông tin của phiếu hộ toàn bộ, phục vụ nghiên cứu hoạt động sản xuất của hộ.
Thời gian thu thập thông tin của của phiếu xã sẽ diễn ra từ ngày 15/6 đến hết ngày 30/6/2025. Thời gian thu thập thông tin của các phiếu còn lại sẽ bắt đầu từ ngày 01/7 đến hết ngày 30/7/2025.
Toàn cảnh hội nghị tập huấn
Tại Hội nghị tập huấn, các báo cáo viên đã tập trung trình bày và hướng dẫn các nội dung chính như sau: giới thiệu Phương án; quy trình, quy định điều tra; hướng dẫn phương pháp hỏi và ghi thông tin các loại phiếu điều tra; hướng dẫn và thực hành phần mềm CAPI, phần mềm quản lý giám sát điều tra, trang web điều tra phiếu xã; quy trình giám sát và tuyên truyền cuộc Tổng điều tra. Hội nghị đã tiến hành thảo luận, trao đổi, giải đáp các ý kiến liên quan đến nghiệp vụ điều tra và thống nhất một số nội dung và các công tác cần chuẩn bị cho triển khai Tổng điều tra tại địa phương.
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Phạm Thị Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê nhấn mạnh việc tổ chức triển khai Tổng điều tra cần bám sát Phương án, kế hoạch Tổng điều tra. Đề nghị Đội Thống kê cần chủ động, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp huyện chuẩn bị tốt về lực lượng điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên; Triển khai sớm và có hiệu quả công tác tập huấn nghiệp vụ và công tác tuyên truyền; Tổ chức thực hiện điều tra, thu thập thông tin cuộc Tổng điều tra tại địa phương đảm bảo theo Phương án và kế hoạch, không để việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng cuộc Tổng điều tra. Đối với các thành viên được giao nhiệm vụ là giám sát viên cấp tỉnh, căn cứ vào địa bàn được giao phụ trách cần chủ động thực hiện nhiệm vụ giám sát, kịp thời hỗ trợ, giải đáp thắc mắc và báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo quy định. Trong quá trình diễn ra Tổng điều tra, giám sát viên các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trực tiếp tại địa bàn và trực tuyến trên chương trình điều tra, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Phương án Tổng điều tra đã đề ra.
Nguồn tin: Phòng Nông nghiệp và Xã hội
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn